(VnMedia) - Khối liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động ở Biển Đen bất chấp việc này có thể làm gia tăng thêm căng thẳng với Nga. Thông tin trên vừa được cựu Chỉ Huy Liên minh Tối cao của NATO - ông James Stavridis đưa ra hôm qua (16/3).
“NATO sẽ tiếp tục hoạt động tự do tại Biển Đen, vùng lãnh hải quốc tế bất chấp có thể gia tăng căng thẳng với Nga ”, ông Stavridis cho biết.
“Tôi lo ngại sẽ xảy ra một cuộc xung đột mở giữa NATO và Nga tại khu vực này, nó có thể giống diễn tiến của cuộc Chiến tranh Lạnh”, ông nói.
Tuy nhiên, Đô đốc Stavrids cũng nhấn mạnh: “Không ai muốn lâm vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Hy vọng biện pháp ngoại giao sẽ được ưu tiên và phát huy được hiệu quả".
Kể từ khi Crimea sáp nhập vào Liên bang Nga hồi năm ngoái, cả NATO và Nga đều tăng cường sự hiện diện quân sự tại Biển Đen.
Các hoạt động của NATO tại Biển Đen bao gồm các nhiệm vụ tuần tra, tập trận trên biển.
Trước đó , hôm qua (10/3), các quốc gia thuộc khu vực Biển Đen của NATO như Bulgary, Romani và Thổ Nhĩ Kỳ vừa cùng 4 quốc gia khác trong khối tham gia một cuộc tập trận hải quân đa quốc gia trên vùng biển tiếp giáp với Bán đảo Crimea vừa sáp nhập vào Nga.
Cuộc tập trận Biển Đen lần này có sự góp mặt của tàu chiến Mỹ, tàu tuần dương tên lửa chỉ đường USS Vicksburg và tàu chiến của 6 quốc gia thành viên tham gia. Canada , Đức và Italy cũng tham gia cuộc tập trận này. Các hoạt động diễn tập được thực hiện dưới sự điều hành của Chuẩn Đô đốc Mỹ Brad Williamson.
Các cuộc tập trận trên Biển Đen của NATO nhằm tăng khả năng đối kháng trong bối cảnh quan hệ với Nga trở nên căng thẳng do vấn đề Ukraina. Mỹ và NATO đều phản đối việc Nga sáp nhập Crimea hồi tháng 3 năm ngoái và tích cực gia tăng hiện diện quân sự và hải quân của họ trong khu vực này.
Tuy nhiên, được biết, việc triển khai các tàu chiến của NATO ở Biển Đen lần này đã được lên kế hoạch và hoàn toàn tuân thủ các công ước quốc tế. Nhóm tàu này dự kiến sẽ rời Biển Đen và quay trở lại vùng biển Địa Trung Hải cuối tháng này.
Kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine bùng nổ và bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga, mối quan hệ giữa Nga và NATO đã rơi xuống mức tồi tệ nhất từ sau chiến tranh Lạnh. Nga và NATO thường xuyên lớn tiếng đe dọa nhau và có những hành động "dằn mặt" nhau. NATO đã đình chỉ các mối quan hệ với Nga, đồng thời thông báo trong năm 2015 sẽ đẩy nhanh quá trình thành lập lực lượng phản ứng nhanh, gồm 5.000 quân triển khai ở các nước đồng minh phía Đông như Ba Lan và các nước Baltic.
Tuy nhiên, mặc dù tình hình miền đông Ukraine có nhiều cải thiện trong thời gian gần đây, nhưng việc NATO triển khai quân, vũ khí rầm rộ cùng hàng loạt cuộc tập trận quy mô lớn ở sát biên giới với Nga đã khiến mối quan hệ giữa Nga và NATO lại một lần nữa trở nên tồi tệ và khiến Nga "đứng ngồi không yên".
Moscow đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về việc NATO dần mở rộng ảnh hưởng về phía Đông ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh của nước Nga.
Nga cho rằng, việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng cường các cuộc tập trận gần biên giới với Nga chỉ làm cho tình hình khu vực Đông - Bắc châu Âu trở nên bất ổn và gia tăng căng thẳng và đi ngược lại cam kết của NATO trong nghị quyết hòa bình về Ukraine.
Các quan chức Nga nhận định rằng, việc Mỹ và NATO ngày càng tăng cường sự hiện diện quân sự tại Biển Đen là một hành động vô cùng nguy hiểm, có thể dẫn tới những hậu quả không lường.
Bên cạnh những lời cảnh báo đầy sắc lạnh, để "răn đe" NATO, Nga cũng tăng cường lực lượng cho Hạm đội Biển Đen của mình và thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận hải quân rầm rộ tại vùng biển trên.
Ý kiến bạn đọc