(VnMedia) - Những ngày này, người ta liên tiếp chứng kiến hàng loạt nguyên thủ các nước phải đối mặt với tình trạng vị thế của họ bị lung lay, chao đảo vì những cuộc biểu tình rầm rộ, quy mô lớn.
Cuộc biểu tình ở Brazil |
Chỉ trong 2 ngày cuối tuần, liên tiếp các cuộc biểu tình lớn đã diễn ra ở các nước Brazil, Hungary và Israel. Điều đáng chú ý là những cuộc biểu tình này đều liên quan đến “sinh mạng” chính trị của những nhà lãnh đạo quyền lực nhất của các nước nói trên.
500.000 người biểu tình đòi Tổng thống Brazil từ chức
Hàng trăm nghìn người Brazil hôm qua (15/3) đã phát động những cuộc tuần hành hòa bình đồng loạt ở hơn 50 thành phố trên khắp đất nước để yêu cầu luận tội nữ Tổng thống Dilma Rousseff đồng thời chỉ trích chính phủ tham nhũng. Diễn biến này diễn ra trong thời điểm tập đoàn dầu mỏ quốc gia Petrobras của Brazil đang bị điều tra về tình trạng tham nhũng quy mô lớn.
Làn sóng biểu tình rầm rộ chống bà Rousseff ngày hôm qua được cho là đã thu hút đến 500.000 người và nó là chiến dịch biểu tình lớn nhất. Làn sóng biểu tình này diễn ra đúng thời điểm Brazil kỷ niệm 30 năm ngày nước này trở về nền dân chủ sau một thời gian dài chịu sự lãnh đạo của một chính quyền quân sự.
Ở Sao Paolo, 240.000 người đã kéo đến phong tỏa khu Đại lộ Paulista và hô vang khẩu hiệu đòi Tổng thống Dilma Rousseff ra đi, nguồn tin từ Cảnh sát Quân sự Brazil cho hay.
Ở Rio de Janeiro, 25.000 người kéo đến chật cứng Copacabana, kêu gọi chấm dứt nạn tham nhũng trong chính phủ.
Ở thủ đô Brasilia, khoảng 50.000 người đã biểu tình ở trước tòa nhà Quốc hội Brazil. Hàng ngàn sĩ quan quân sự đã được triển khai đến khu vực vì lo sợ khả năng đám đông cuồng nộ, tức giận sẽ kéo vào chiếm tòa nhà Quốc hội.
Những cuộc biểu tình cũng diễn ra ở một loạt thành phố khác của Brazil gồm Belo Horizonte, Fortaleza, Belen, San Luis.....
"Chúng tôi ở đây để thể hiện sự phẫn nộ trước nạn tham nhũng và cướp bóc do chính phủ dung túng và để yêu cầu luận tội bà Dilma", Andre Menezes, 35 tuổi, tham gia cuộc biểu tình ở Sao Paulo cho biết.
Tổng thống Dilma Rousseff đang đối mặt với làn sống bất bình của người dân trước tình trạng nền kinh tế khó khăn và vụ scandal tham nhũng gây chấn động ở tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobas. Bà Rousseff đã lãnh đạo tập đoàn Petrobas trong suốt 7 năm và hầu hết tình trạng tham nhũng xảy ra trong thời gian này.
"Bà ấy có thể không tham gia trực tiếp vào những vụ tham nhũng ở Petrobras, nhưng bà ấy chắc chắn phải biết về điều đó và đối với tôi điều này đồng nghĩa với việc bà ấy có tội và phải ra đi”, Menezes nói thêm.
Tuy nhiên, trái với làn sóng bạo lực nổ ra trong các cuộc biểu tình năm 2013 ở Brazil, những cuộc biểu tình ngày hôm qua chỉ chứng kiến một cuộc xung đột duy nhất khiến cảnh sát phải dùng lựu đạn hơi cay để giải tán là ở trước tòa nhà Quốc hội. Một nhóm người biểu tình đã tìm cách xâm nhập vào tòa nhà Quốc hội và cảnh sát đã phải ra tay.
Bà Rousseff đã không xuất hiện trong ngày hôm qua nhưng Bộ trưởng Tư pháp Jose Eduardo Cardozo đã tổ chức một cuộc họp báo lớn được truyền hình trực tiếp để bảo vệ chính phủ của bà Rousseff.
Biểu tình phản đối và ủng hộ Thủ tướng Hungary
Hàng ngàn người Hungary hôm qua (15/3) cũng đã đổ ra đường trong các cuộc biểu tình riêng rẽ nhằm phản đối và ủng hộ Thủ tướng Viktor Orban.
Hơn 6.000 người tham gia vào các cuộc biểu tình chống chính phủ do các nhóm dân sự tổ chức. Cùng lúc đó, cũng có khoảng 2.000 người tham gia vào một buổi lễ chính thức để nghe bài phát biểu của Thủ tướng Orban.
Các cuộc biểu tình diễn ra đúng dịp kỷ niệm 167 năm ngày Hungary nổi dậy chống lại vua Habsburgs của Áo năm 1848.
Đây không phải là lần đầu tiên Thủ tướng Orban phải đối mặt với những cuộc biểu tình chống đối. Kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine nổ ra, những cuộc biểu tình chống Thủ tướng Orban diễn ra thường xuyên hơn bởi đang có sự mâu thuẫn trong nội bộ nước này về việc thân phương Tây hay Nga.
Hồi đầu tháng trước, khoảng 3.000 người đã tham dự cuộc biểu tình mang tên “Mùa Xuân đến, Orban đi” ở bên ngoài trụ sở Quốc hội Hungary. Những người biểu tình đã giơ cao các tấm biển hiệu và hô vang những khẩu hiệu đòi Hungary phải ở trong vòng tay của Liên minh Châu Âu (EU) và tránh xa quỹ đạo của điện Kremlin. Những người biểu tình cũng đòi Thủ tướng Orban từ chức với cáo buộc ông này làm xói mòn nền tự do dân chủ, tham nhũng và gây ra xung đột ngoại giao với phương Tây.
Đảng Fidesz của Thủ tướng Orban đã dễ dàng giành chiến thắng trong 3 cuộc bầu cử hồi năm ngoái nhưng hiện tại ông này đang phải đối mặt với tình trạng mâu thuẫn giữa một bên muốn chạy theo phương Tây và một bên đòi thân Nga.
Hungary đã gia nhập Liên minh Châu Âu (EU) năm 2004 nhưng dưới thời của Thủ tướng Orban, chính quyền Hungary bắt đầu xa cách với Brussels và ngả dần về phía Moscow. Thủ tướng Orban hiện được xem là một trong những đồng mình Châu Âu thân thiết nhất của Tổng thống Putin.
Thủ tướng Israel trước giờ phút quyết định
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm qua đã dùng những nỗ lực cuối cùng để tập hợp sự ủng hộ dành cho mình trong cuộc biểu tình của cánh hữu ở thủ đô Tel Aviv trước thềm cuộc bầu cử có tính quyết định sắp diễn ra. Trong bài phát biểu tại cuộc biểu tình này, ông Netanyahu cam kết sẽ không bao giờ nhượng bộ trong vấn đề lãnh thổ.
Bài phát biểu nói về vấn đề an ninh và ca ngợi truyền thống Do Thái của Thủ tướng Netanyahu diễn ra chỉ vài giờ sau khi ông này tìm cách thu hút lá phiếu của các thành phần chủ trương theo đường lối ôn hòa cho đảng Likud của ông. Những nỗ lực cuối cùng của ông Netanyahu diễn ra khi mà kết quả cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy ông đang về sau đảng Liên minh Do Thái (Zionist Union).
"Chứng nào đảng Likud còn cầm quyền chúng ta sẽ không chia cắt Jerusalem”, ông Netanyahu tuyên bố trước đám đông. Người Palestine muốn khu vực Đông Jerusalem đang nằm trong sự kiểm soát của Israel là thủ đô của đất nước tương lai của họ.
"Sẽ không có sự nhượng bộ hay rút lui. Có mối nguy hiểm thực sự nếu cánh tả lên cầm quyền”, Thủ tướng Netanyahu đã phát biểu như vậy.
Ngày mai (17/3) sẽ diễn ra cuộc bầu cử quan trọng ở Israel. Giới học giả tin rằng, cuộc bầu cử lần này sẽ là một cuộc trưng cầu dân ý về 6 năm cầm quyền liên tiếp của Thủ tướng Netanyahu.
Mặc dù cuộc biểu tình ngày hôm qua là để ủng hộ ông Netanyahu nhưng theo cuộc thăm dò dư luận mới nhất, tỉ lệ ủng hộ ông này đang sụt giảm.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc