(VnMedia) - Đức - cường quốc hàng đầu Châu Âu đang là nước phản đối, chỉ trích Mỹ mạnh mẽ nhất trong lập trường đối với cuộc khủng hoảng ở Ukraine và chính sách với Nga. Phải chăng Đức đang quay lưng lại với Mỹ và tìm đường về với người “bạn thân” là Nga?
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier (trái) và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. |
Tạp chí Der Spiegel của Đức hôm qua (8/3) bình luận, cuộc nội chiến ở Ukraine đã phơi bày mâu thuẫn căn bản giữa Mỹ và Châu Âu về tầm nhìn và các mục tiêu cho khu vực khi những thành phần cứng rắn quyền lực ở Mỹ đang nỗ lực không mệt mỏi nhằm tìm cách làm leo thang cuộc khủng hoảng với một mục đích khác trong đầu.
Theo tờ Der Spiegel, giới chức diều hâu ở Mỹ, trong đó có những nhân vật như bà Victoria Nuland – người phụ trách các vấn đề Châu Âu của Bộ Ngoại giao Mỹ; Tướng Philip Breedlove – Chỉ huy Tối cao quân NATO ở Châu Âu, đang tìm cách gây bất ổn cho nước Nga và làm suy yếu ảnh hưởng của nước này. Để đạt được mục đích đó, họ đang tìm cách làm leo thang căng thẳng giữa phương Tây và Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine, phá hoại các nỗ lực hoà bình do Đức và Pháp dẫn đầu. Mặc dù Tổng thống Mỹ hiện ủng hộ cho sáng kiến của Châu Âu trong vấn đề Ukraine nhưng ông này “lại không có mấy động thái để dẹp yên những kẻ đang cố tìm cách làm gia tăng căng thẳng với Nga và cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine”.
Tình hình ở miền đông Ukraine đã yên ắng trở lại với các cuộc giao tranh, đụng độ giảm rõ rệt. Tuy nhiên, điều này lại không được giới chức Mỹ ghi nhận. Vì vậy, thay vì thể hiện sự lạc quan một cách thận trọng về khả năng thành công của thoả thuận ngừng bắn mới, Tướng Breedlove hồi cuối tháng 2 lại cảnh báo “tình hình đang tồi tệ đi mỗi ngày”.
Những phát biểu kiểu như trên cùng nhiều bình luận khác của vị chỉ huy NATO ở Châu Âu liên quan đến cáo buộc về sự dính líu của Nga vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine “gây kinh ngạc” và “lo ngại” cho giới lãnh đạo Đức bởi những phát biểu đó thường không đúng với những dữ liệu do cơ quan tình báo hải ngoại của Đức – BND cung cấp, tạp chí tin tức của Đức cho hay.
Tướng Breedlove của Mỹ "liên tục đưa ra những tuyên bố không đúng, mâu thuẫn và thậm chí là thiếu chính xác ở mức cao nhất”, tạp chí Der Spiegel chỉ ra. Tuy nhiên, ông này từ chối đính chính lại thông tin, nói với giới báo chí rằng “chuyện hết sức bình thường khi không phải tất cả mọi người đều đồng ý với những đánh giá mà tôi cung cấp”.
Berlin lo ngại rằng, lập trường của ông Breedlove "có thể gây hại cho uy tín của phương Tây”, tạp chí Der Spiegel nhận định. Kết quả là Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier quyết tâm thảo luận vấn đề với người đồng cấp Mỹ John Kerry để bác bỏ bất kỳ khả năng hiểu sai hoặc đưa thông tin sai lệch nào trong tương lai. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Steinmeier hôm 7/3 đã tìm cách nói giảm, nói tránh về sự bất đồng giữa Mỹ và Đức được phơi bày ra trong bài báo của tạp chí Der Spiegel bằng cách nhấn mạnh rằng giới chức Đức “không quan tâm đến bất kỳ tranh cãi nào nảy sinh từ chuyện này”.
Tuy nhiên, ông Steinmeier phải thừa nhận với giới báo chí rằng, thông tin mà các nguồn tin Châu Âu có được về tình hình ở miền đông Ukraine ở mức độ nào đó có sự khác biệt với những tuyên bố được đưa ra từ giới chức Mỹ và NATO.
Tạp chí Der Spiegel của Đức kết luận rằng, trong khi Đức và Pháp đang tìm cách ổn định tình hình ở Ukraine thì giới cứng rắn, diều hâu ở Mỹ có một mục đích khác. “Đối với họ, kết quả mà họ đang mơ tới là một sự thay đổi chính quyền ở Moscow.
Đức cũng là một trong những nước phản đối công khai và mạnh mẽ nhất việc cung cấp vũ khí sát thương cho chính quyền Kiev. Điều này trái ngược hoàn toàn với quan điểm của Mỹ và NATO. Giới chức Mỹ và NATO đang ra sức kêu gọi các nước cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev. Cách hành xử của giới chức Mỹ và NATO hiện giờ gây khó hiểu bởi giữa lúc tình hình Ukraine đang có những tiến triển tích cực, mang lại hy vọng thì siêu cường số 1 thế giới lại ra sức đòi cung cấp vũ khí gây sát thương cho Kiev và tăng cường trừng phạt Nga.
Tuy nhiên, giới chức Châu Âu phản đối động thái trên của Mỹ, nói rằng điều đó sẽ làm leo thang căng thẳng ở Ukraine cũng như khiến cuộc đối đầu Đông-Tây thêm nghiêm trọng.
“Liên minh Châu Âu hiện nay có quan điểm cực kỳ thực tế về những diễn biến ở Nga. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không bao giờ bị mắc kẹt hoặc bị cưỡng ép hay bị đẩy, bị lôi kéo vào một cuộc đối đầu với Nga”, cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của EU – bà Federica Mogherini hồi cuối tuần trước đã tuyên bố như vậy.
Nga và Đức từ lâu đã được xem là hai người bạn thân thiết hàng đầu ở Châu Âu. Người Đức có tình cảm sâu đậm với người Nga và ngược lại người Nga cũng dành tình cảm thắm thiết cho người Đức. Điều này xuất phát từ mối quan hệ đầy duyên nợ về mặt lịch sử giữa hai nước cũng như sự gần gũi về mặt địa lý. Quan hệ giữa Nga với Đức không chỉ dựa trên tình cảm gắn bó về mặt lịch sử, địa lý mà còn dựa trên lợi ích kinh tế to lớn. Hai nước là những đối tác kinh tế, đầu tư và thương mại hàng đầu của nhau.
Tuy nhiên, mối quan hệ trên đã bị sứt mẻ kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Dưới sức ép mạnh mẽ của Mỹ và các đồng minh, Đức đã ủng hộ việc áp dụng một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga và kết quả là Đức cũng đang phải hứng chịu hậu quả từ việc này.
Kéo dài tình trạng đối đầu với Nga là điều hoàn toàn không có lợi cho Đức nói riêng và Châu Âu nói chung nên Đức và Pháp đã nỗ lực hết sức để tìm kiếm một lối thoát cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine, từ đó mở đường cho việc khôi phục trở lại quan hệ với Nga. Tuy nhiên, mục tiêu này hoàn toàn không dễ đạt được.
Vân Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc