(VnMedia) - Mỹ và phương Tây liên tiếp có những động thái khiêu khích, thách thức Nga. Moscow đương nhiên không thể ngồi yên. Nhiều người tin rằng, chọc giận “gấu” Nga, Mỹ và phương Tây sẽ lãnh đủ.
Ảnh minh họa |
Những bước đi thách thức mới nhất
Mỹ mới đây cho biết nước này sẽ cung cấp những chiếc xe bọc thép đa năng Humvees và máy bay không người lái cho Ukraine đồng thời tăng cường trừng phạt Nga và lãnh đạo lực lượng ly khai miền đông Ukraine. Lý do mà giới chức Washington đưa ra khi tăng cường biện pháp trừng phạt là do tình trạng vi phạm lệnh ngừng bắn liên tiếp diễn ra.
Theo một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ cho biết, lô hàng thiết bị, phương tiện quân sự trị giá hơn 75 triệu USD sẽ được chuyển đến cho Kiev, trong đó sẽ bao gồm 30 xe bọc thép hạng nặng và 200 xe bọc thép Humvees cùng máy bay không người lái Raven, radar chống súng cối, kính đi đêm....
Cho đến thời điểm này, Nhà Trắng vẫn chưa tiến xa hơn bằng việc cung cấp vũ khí sát thương cho quân đội Ukraine theo lời khẩn cầu từ chính quyền Kiev. “Tăng cường vũ khí và viện trợ sát thương cho khu vực chỉ làm cho tình trạng đổ máu thêm nghiêm trọng”, Nhà Trắng hồi đầu tuần đã nói như vậy.
Cùng với việc cung cấp thêm phương tiện, thiết bị quân sự cho quân đội Ukraine, Mỹ còn tuyên bố áp dụng biện pháp trừng phạt đối với các quan chức của nước cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng cũng như Ngân hàng Thương mại Quốc gia Nga và một nhóm người Nga. Ngân hàng Thương mại Quốc gia Nga đã trở thành ngân hàng lớn nhất ở bán đảo Crimea kể từ khi nơi này được sát nhập trở lại Nga cách đây một năm.
Trước khi Mỹ “ra tay”, Châu Âu cũng khiến Nga nổi giận đùng đùng khi Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Juncker hôm 8/3 đưa ra đề xuất rằng Liên minh Châu Âu (EU) nên thiết lập một quân đội chung Châu Âu để chống lại Nga.
Phát biểu trên tờ Welt am Sonntag của Đức, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Juncker đã nói rằng, “một quân đội chung Châu Âu sẽ phát đi thông điệp cho Nga rằng chúng tôi rất nghiêm túc trong việc bảo vệ các giá trị của Liên minh Châu Âu”.
Ông Juncker – cựu Thủ tướng Luxembourg, từ lâu đã ủng hộ cho ý tưởng thành lập một quân đội Châu Âu chung. Ông này đưa ra lập luận rằng, một quân đội như vậy sẽ giúp tạo dựng một chính sách đối ngoại thống nhất cho khu vực và từ đó giúp củng cố khái niệm về chủ nghĩa dân tộc toàn Châu Âu. Theo ông Juncker, hình ảnh của Châu Âu đang bị suy yếu, chính sách đối ngoại của Châu Âu cũng không hiệu quả và vì thế cần phải củng cố lại. Cách mà theo ông Juncker có thể giúp họ đạt được mục đích là thành lập quân đội Châu Âu.
Những động thái mới nhất nói trên của Mỹ và phương Tây chắc chắn sẽ khiến Nga nổi giận và không thể ngồi yên. Ngay cả một chính khách Anh cũng phải thừa nhận điều này. Ông Nigel Farage – Lãnh đạo đảng UKIP của Anh, cho rằng, “Chúng ta chọc giận gấu Nga bằng một cây gậy và không có gì ngạc nhiên khi ông Putin phản ứng lại”.
Nga sẵn sàng “ăn miếng trả miếng”?
Ngay từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine nổ ra và ngay từ khi cuộc đối đầu Đông-Tây bùng lên, giới phân tích đã không ít lần cảnh báo về hậu quả mà Mỹ và phương Tây phải hứng chịu nếu “chọc giận” gấu Nga.
Tất nhiên, trong cuộc đối đầu Đông-Tây, Nga cũng hứng chịu những hậu quả nặng nề. Tuy nhiên, cuộc đối đầu này không phải “một mất, một còn” mà là cuộc đối đầu khiến cả hai phe đều bị tổn thương. Mỹ và phương Tây khiến Nga chịu hậu quả thế nào thì Moscow cũng sẽ khiến Mỹ và phương Tây phải “trả giá” không kém gì thế. Đây là điều đã được nhiều chuyên gia, các nhà phân tích dự báo trước.
Về kinh tế, những đòn trừng phạt qua lại đã khiến nền kinh tế của cả Nga và Châu Âu đều tổn thương như nhau.
Về quân sự, Nga là cường quốc quân sự hàng đầu thế giới, vì thế, nước này không ngần ngại tham gia các màn dương oai diễu võ, phô trương sức mạnh quân sự mà Mỹ và phương Tây khởi xướng từ sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Cả khu vực Đông Âu giờ đây liên tiếp phải chứng kiến những cuộc tập trận, những mà dàn trận, triển khai vũ khí gây giật mình của cả hai phe Đông, Tây.
Trên mặt trận chính trị, ngoại giao, chính quyền của Tổng thống Putin đang đi những nước cờ ngoạn mục khiến Mỹ và phương Tây không khỏi “toát mồ hôi” vì lo ngại.
Moscow đang thiết lập liên minh với một loạt đối tác từ Bắc Kinh đến Caracas để giúp họ vừa giảm thiểu ảnh hưởng từ những đòn trừng phạt kinh tế của phương Tây vừa tăng cường vị thế của họ trong cuộc đối đầu với Mỹ và phương Tây. Những bước đi gây giật mình nhất của Nga chính là việc nước này thiết lập liên minh với một loạt những nước đang coi Mỹ là kẻ thù và cũng là những nước đang khiến Mỹ phải đau đầu đối phó. Cụ thể, Moscow đã tìm đến với Trung Quốc, Venezuela, Iran và Triều Tiên. Mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc được đánh giá là chưa bao giờ tốt hơn thời điểm này. Sự kết hợp giữa Nga và Trung Quốc khiến Mỹ không khỏi cảm thấy “chờn”. Tiếp đó, Nga củng cố mối quan hệ vốn đã thân thiết với Iran và Venezuela - hai nước chống Mỹ mạnh mẽ.
Trong một động thái mới nhất, Nga hôm 11/3 đã thông báo khởi động “năm hữu nghị” với Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Nga cho biết, họ đã đồng ý khởi động một chương trình trao đổi văn hóa với Bình Nhưỡng nhằm đưa quan hệ Nga-Triều lên một “cấp độ mới”. Đặc biệt, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un vào tháng 5 tới sẽ có chuyến thăm đến Nga. Việc Moscow bắt tay với Bình Nhưỡng chắc chắn cũng khiến Washington cảm thấy bất an bởi lâu nay Triều Tiên vẫn được xem là “cái gai” khó chịu trong mắt Mỹ.
Kiệt Linh
Ý kiến bạn đọc