Trung Quốc "toát mồ hôi" vì hai nước láng giềng

13:48, 02/02/2015
|

(VnMedia) - New Delhi đang cân nhắc một dự án chế tạo 6 tàu ngầm điện diesel lớp Soryu của Nhật Bản tại Ấn Độ, và muốn mời Nhật Bản hợp tác trong dự án này. Thông tin trên vừa được truyền thông Ấn Độ đưa ra hôm qua (1/2).
 
“Nhằm duy trì và tăng cường mối quan hệ chiến lược giữa hai nước, chính phủ của ông Modi đã mở lời mời chính quyền của ông Shinzo Abe xem liệu họ có quan tâm tới dự án chế tạo 6 tàu ngầm tàng hình trị giá 8,1 tỷ USD tại Ấn Độ hay không?”, Thời báo Ấn Độ đưa tin.

Ảnh minh họa

Năm 2007, Ấn Độ từng phát động dự án 75I, nhằm thay thế hạm đội tàu đã già cỗi của mình bằng các tàu chiến mới của nước ngoài. Tuy nhiên, dự án này mới chỉ dừng lại ở mặt ý tưởng và chưa được triển khai. Và sau 7 năm trì hoãn, kế hoạch này cuối cùng cũng được tân Thủ tướng Ấn Độ - Narendra Modi phát triển và "thực thi".
 
Trước đó, hồi tháng 10/2014, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã phê chuẩn Kế hoạch đấu thầu chương trình này và  quá trình đấu thầu được kỳ vọng sẽ tiến hành vào cuối năm 2015. Theo dự kiến, 6 tàu ngầm điện diesel này sẽ được chế tạo tại Ấn Độ theo sáng kiến “Make in India” của Thủ tướng Ấn Độ.
 
Truyền thông Ấn Độ cho biết, nếu không gặp phải trở ngại gì thì một thỏa thuận giữa hai nước, cụ thể là giữa Tập đoàn Mitsubishi và công ty đóng tàu Kawasaki của Nhật với xưởng đóng tàu của Ấn Độ sẽ được đưa ra thảo luận trong một tương lai gần. Tuy nhiên, theo dự đoán, cần ít nhất 2 năm để hai nước đạt được thỏa thuận cuối cùng.

Sau đó, cần tới 7 hoặc 8 năm để chiếc tàu ngầm lớp Soryu dưới dạng "Make in India" đầu tiên được hạ thủy. Theo Thời báo Ấn Độ, thương vụ trên phù hợp trong bối cảnh Tokyo và New Delhi đang tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực an ninh. Ấn Độ kỳ vọng chương trình này sẽ giúp tăng cường lực lượng quân sự dưới ngầm của Ấn Độ. Hiện nay, Ấn Độ sở hữu 11 tàu ngầm, nhưng có kế hoạch sở hữu 24 chiếc trong tương lai. 

Tàu ngầm lớn Soryu chế tạo cho Ấn Độ là tàu ngầm được trang bị cả tên lửa tấn công lẫn các loại vũ khí hiện đại khác. Đây là loại tàu ngầm điện-diesel, có thể tích lớn, tiếng ồn nhỏ, thời gian lặn dài và ổn định. Theo một số nhà phân tích quân sự, tàu ngầm lớp Soryu Nhật Bản có sức cạnh tranh cao so với sản phẩm của Nga, Pháp và Đức.

Chuyên gia quân sự Robert Farley từng cho biết, kích cỡ của tàu ngầm lớp Soryu lượng giãn nước 4.200 tấn vượt xa tàu ngầm Type 214 của Đức và tàu ngầm lớp Scorpene của Pháp, hay thậm chí còn vượt trội so với phiên bản nâng cấp của tàu ngầm lớp Kilo về tính năng.
 
Bên cạnh đó, Ấn Độ còn có kế hoạch sử dụng khoảng 1,65 tỷ USD mua 12 thủy phi cơ ShinMaywa US-2i của Nhật Bản. Hiện nay, đàm phán đã đạt tiến triển, dự tính hai bên sẽ ký kết thỏa thuận vào đầu năm 2016.
 
Theo các chuyên gia quân sự, Ấn Độ đang nỗ lực thúc đẩy quan hệ chiến lược song phương với Nhật Bản là để chống lại các hành động quân sự ngày càng “hung hăng” của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông và Ấn Độ Dương.

Ấn Độ phóng thành công tên lửa có thể vươn tới Trung Quốc
 
Trong một diễn biến khác liên quan đến nền quân sự của Ấn Độ, ngày 31/1 vừa qua, nước này đã phóng thử thành công tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Agni-V, tầm bắn 5000 km từ bệ phóng di động. Tên lửa Angni-V được cho là có khả năng vươn tới các mục tiêu tại Trung Quốc.
 
Đây là lần đầu tiên tên lửa đạn đạo này được phóng đi từ một bệ phóng di động trên xe tải. Điều này giúp quân đội Ấn Độ cơ động hơn trong khả năng tác chiến so với bệ phóng truyền thống.
 
Theo đó, tên lửa đã được phóng thành công từ một bệ phóng di động trên dảo Wheeler ở vịnh Bengal, bang Orissa.
 
Hãng tin National Interest dẫn tuyên bố của quân đội Ấn Độ cho biết: “Tên lửa đạn đạo liên lục địa Agni-V của Ấn Độ rời bệ phóng lúc 8h09 ngày 31/1. Nó đạt điểm tối đa khi bắn chính xác mục tiêu, đáp ứng mọi yêu cầu mà chúng tôi đặt ra”.
 
Ngay sau vụ thử, Thủ tướng Narendra Modi chia sẻ trên trang Twitter rằng: “Việc bắn thử thành công Agni-V từ một ống phóng di động khiến tên lửa này trở thành một tài sản quý giá của lực lượng vũ trang”. 
 
Đây là lần thứ ba Ấn Độ thử nghiệm Agni-V. Hai lần phóng thử trước đó diễn ra trong năm 2012 và 2013.
 
Avinash Chander, giám đốc Tổ chức Phát triển và nghiên cứu Quốc phòng Ấn Độ, nhấn mạnh tầm quan trọng của bệ phóng di động và khẳng định đây là bước tiến nhảy vọt của Ấn Độ. 
 
Agni-V là thế hệ tên lửa hiện đại nhất, được áp dụng một số công nghệ mới kết hợp với đầu đạn định vị và dẫn đường, đảm bảo độ chính xác cao. Agni-V chỉ được khai hỏa khi nhận được chỉ thị từ Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Agni-V là tên lửa đạn đạo tầm trung sử dụng nhiên liệu rắn. Phạm vi hoạt động của nó đạt 5.000 km với đầu đạn 1,1 tấn. Tên lửa đạn đạo chiến lược này có 3 tầng, dài 17m, rộng 2m, trọng lượng khoảng 50 tấn và hoạt động bằng nhiên liệu rắn.
 
Sau khi được triển khai, Agni-V được kỳ vọng sẽ giúp Ấn Độ tăng khả năng răn đe chiến lược với Trung Quốc. Nó đủ đặt các thành phố lớn, bao gồm cả thủ đô Bắc Kinh, dưới tầm tấn công. 
 
Được biết, hiện Ấn Độ đang bắt đầu phát triển thế hệ Agni tiếp theo (Agni-VI) có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân và tấn công các mục tiêu độc lập.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc