Trung Quốc bị thách thức bất ngờ ở Biển Đông

07:26, 05/02/2015
|

(VnMedia) - Chính phủ Nhật mới đây bất ngờ tuyên bố sẽ cân nhắc khả năng tiến hành các cuộc tuần tra trên không và trên biển ở khu vực Biển Đông. Đây là động thái đầy thách thức của Nhật Bản với Trung Quốc ở Biển Đông và nó có nguy cơ làm leo thang căng thẳng mới trong quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á trong bối cảnh Bắc Kinh đang ra sức tăng cường sự hiện diện ở khu vực biển chiến lược và giàu tài nguyên này.

 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


“Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước đang ngày một tăng lên và ngày một trở nên sâu sắc hơn. Vì thế, tình hình diễn biến ở Biển Đông cũng tác động đến an ninh quốc gia của chúng tôi”, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản – Tướng Nakatani cho các phóng viên biết ở thủ đô Tokyo hôm 3/2. “Cách mà đất nước chúng tôi xử lý điều này sẽ là một vấn đề của tương lai”, ông Nakatani cho hay đồng thời nói thêm rằng hiện Nhật Bản chưa có kế hoạch cụ thể vào thời điểm này để bắt đầu các cuộc tuần tra.

 

Tướng Nakatani đã đưa ra những phát biểu trên để trả lời cho câu hỏi về phản ứng của ông này trước những bình luận được đưa ra hồi tuần trước của Phó Đô đốc Robert Thomas – Chỉ huy Hạm đội Số 7 của Hải quân Mỹ. Khi đó, ông Thomas đã nói rằng, Mỹ hoan nghênh việc các nước mở rộng hoạt động tuần tra trên không ở Biển Đông để đối phó lại với việc Trung Quốc tăng cường đưa tàu thuyền ra khu vực này để thực hiện những đòi hỏi về chủ quyền trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải.

 

Hiện tại các cuộc tuần tra thường xuyên của Nhật Bản đang được mở rộng ra các vùng nước bên ngoài biên giới của nước này và ở biển Hoa Đông – nơi Nhật Bản đang có cuộc tranh chấp vô cùng căng thẳng và quyết liệt với Trung Quốc một dãy đảo nhỏ mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư còn Tokyo gọi là Senkaku. Khả năng chính quyền Tokyo quyết định mở rộng phạm vi tuần tra, giám sát đến Biển Đông chỉ là một trong những vấn đề được đưa ra thảo luận khi Nhật Bản và Mỹ cùng nhau hoàn thành việc xem xét lại các định hướng trong hợp tác quốc phòng giữa hai đồng minh thân thiết này trong nửa đầu năm nay.

 

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying hồi tuần trước từng lên tiếng cảnh báo sự can thiệp từ bên ngoài vào Biển Đông nhưng không đả động trực tiếp đến Nhật Bản.

 

“Chúng tôi sẵn sàng và có thể cùng nhau duy trì hòa bình và sự ổn định ở Biển Đông. Các nước bên ngoài khu vực nên tôn trọng nỗ lực của các nước trong khu vực để bảo đảm hòa bình và sự ổn định cũng như kiềm chế không reo rắc sự bất hòa giữa các nước trong khu vực và tạo sự căng thẳng”, bà Hua đã nói như vậy với các phóng viên ở thủ đô Bắc Kinh khi được đề nghị bình luận về việc Phó Đô đốc Mỹ Thomas kêu gọi các nước tiến hành tuần tra ở Biển Đông để kiểm soát số lượng tàu thuyền ngày càng tăng của Trung Quốc ở đây.

 

Mỹ, Nhật quyết ngăn Trung Quốc ở Biển Đông?

 

Kể từ khi lên cầm quyền hồi tháng 11 năm 2012, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tìm cách mở rộng khả năng vươn xa của Trung Quốc trên biển. Giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố việc phát triển Trung Quốc trở thành một cường quốc biển là một mục tiêu quốc gia. Trung Quốc cũng đang tích cực phát triển một quân đội có khả năng sẵn sàng chiến đấu hơn với năng lực tầm xa nhằm quyết liệt tranh giành một khu vực lớn ở Biển Đông, chồng lấn đến các vùng lãnh thổ, lãnh hải của các quốc gia láng giềng.

 

Trong những năm gần đây, căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng Đông Nam Á, đặc biệt là Philippines, đã leo thang nhanh chóng vì những hành động hung hăng, quyết liệt của Bắc Kinh trong tranh chấp chủ quyền biển đảo. Trước tình hình này, Manila đã quyết định kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế - một động thái khiến Bắc Kinh nổi giận đùng đùng.

 

Để thực thi tham vọng độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc đã mở rộng hoạt động tuần tra của Hải quân ra gần như khắp vùng Biển Đông rộng lớn, nhiều nguồn tin báo chí cho hay. Chính phủ ở thủ đô Bắc Kinh tuy vậy vẫn liên tục phủ nhận sẽ thiết lập một vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông giống như họ đã làm ở biển Hoa Đông trước đây.

 

Ngoài những cuộc tranh chấp quyết liệt với các nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông, Trung Quốc còn có cuộc tranh chấp nóng bỏng, gay gắt với Nhật Bản về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Việc chính phủ Tokyo hồi tháng 9 năm 2012 quyết định quốc hữu hóa quần đảo trên đã khiến Trung Quốc nổi giận. Người Trung Quốc ồ ạt kéo ra đường biểu tình, tấn công vào các công ty của Nhật Bản. Những cuộc đối đầu giữa tàu thuyền và máy bay hai nước thường xuyên diễn ra ở khu vực biển Hoa Đông, khiến cộng đồng thế giới nhiều phen thót tim vì viễn cảnh xảy ra cuộc đối đầu quân sự giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á cũng là hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới.

 

Sự nổi lên của Trung Quốc cùng với chính sách, lập trường cứng rắn trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông gây lo ngại không chỉ cho các nước trong khu vực mà cả các nước bên ngoài, trong đó có Mỹ. Mỹ được cho là đang ra sức giúp các đồng minh như Nhật Bản và Philippines để đối phó lại với Trung Quốc. Bắc Kinh tin rằng, Washington đang tìm cách thiết lập một vòng vây xung quanh họ để tìm cách kiềm chế sự phát triển của họ.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc