Triều Tiên xuất "chiêu độc" né đòn phương Tây

12:32, 26/02/2015
|

(VnMedia) - CHDCND Triều Tiên đã “né” được lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhằm vào công ty tàu chủ chốt của nước này bằng cách đổi tên hầu hết các tàu nhằm che giấu nguồn gốc. Thông tin trên vừa được Liên Hợp Quốc đưa ra hôm qua (25/2) trong một báo cáo. 
 
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã đưa công ty Quản lý Hàng hải Đại dương (OMM) của Triều Tiên vào danh sách đen từ tháng 7 năm ngoái vì cáo buộc công ty này chuyển vũ khí từ Cuba sang Triều Tiên.

Ảnh minh họa

“Cho đến nay, khoảng 13 trong số 14 tàu do OMM quản lý đã được đổi tên, quyền sở hữu của chúng cũng được chuyển cho các công ty chủ quản khác…và việc điều hành các tàu này cũng được chuyển sang hai công ty khác”, báo cáo cho biết.
 
Theo đó, công ty trên đã được "xóa bỏ" hoàn toàn khỏi cơ sở dữ liệu do Tổ chức Hàng hải Quốc tế lưu trữ. Trong đó 12 tàu "vẫn lui tới hoặc bị phát hiện gần các cảng ở nước ngoài".
 
“Sự thay đổi này có thể là một chiến lược nhằm tránh né việc phong tỏa tài sản của các quốc gia thành viên (Liên Hợp Quốc)”, báo cáo nhận định thêm.
  
Báo cáo trên cho biết, công ty OMM đã duy trì được hoạt động trên ít nhất 10 quốc gia thông qua các trung gian tại Brazil, Trung Quốc, Ai Cập, Hy Lạp, Nhật Bản, Malaysia, Peru, Nga và Singapore và Thái Lan,  bất chấp lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
 
Ủy ban trừng phạt thuộc UN thời điểm đó cho rằng OMM vi phạm lệnh cấm vận vũ khí mà họ áp đặt lên Triều Tiên bởi chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này. Vì thế, OMM bị đóng băng tài sản toàn cầu và không thể hoạt động trên phạm vi quốc tế.

Bản báo cáo cũng cho biết thêm các nhà ngoại giao, quan chức và đại diện thương mại của Triều Tiên vẫn tiếp tục "đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy buôn bán các mặt hàng bị cấm, trong đó có vũ khí và các trang thiết bị có liên quan tới tên lửa đạn đạo".

Công ty Quản lý Hàng hải Đại Dương (OMM), có trụ sở tại thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên.
 
Tháng 7/2013, con tàu chở hàng mang tên Chong Chon Gang do công ty OMM quản lý đã bị phát hiện trở theo vũ khí trong đó có, 2 chiến đấu cơ, các hệ thống tên lửa đất đối không và các bệ phóng tên lửa khi nó neo đậu tại Kênh đào Panama. Lô vũ khí trên được giấu dưới 200.000 bao đường.

Triều Tiên tập trận "tấn công" đảo Hàn Quốc

Trong một diễn biến khác, Triều Tiên vừa tiến hành một cuộc tập trận “mô phỏng một cuộc tấn công lên đảo của Hàn Quốc” trong bối cảnh quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc lại trở nên căng thẳng.
 
Cơ quan truyền thông của Bình Nhưỡng đưa tin, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã giám sát một cuộc tập trận quân sự mô phỏng một cuộc tấn công và chiếm đóng một hòn đảo của Hàn Quốc.
 
Cuộc tập trận diễn ra khi quan hệ giữa hai nước Triều Tiên và Hàn Quốc trở nên căng thẳng khi Mỹ và Hàn Quốc dự kiến sẽ khai hỏa cuộc tập trận chung vào tháng tới bất chấp sự phản đối kịch liệt của Bình Nhưỡng.
 
Hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên KCNA cho biết, các đơn vị pháo binh cũng tham gia vào buổi tập trận diễn ra trên các đảo Mu và Jangjae “nằm tại điểm nóng nhất trên chiến trường Tây Nam”,
 
Lực lượng được điều động đến đảo Mu được cho là đã nã pháo vào đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc vào năm 2010, làm bốn dân thường thiệt mạng và được coi là hành động đáp trả các đợt diễn tập của Hàn Quốc tại gần biên giới trên biển Hoàng Hải.
 
Trước đây, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã từng đến thăm đảo Mu và Jangjae vào năm 2012 và đã khen tặng các đơn vị đóng tại các đảo này. Năm 2013, ông cũng đi thị sát các đảo ở gần biên giới với Hàn Quốc.
 
Trong khi đó, hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc cũng dẫn lời một quan chức chính phủ giấu tên cho biết, các loại tên lửa chống hạm Silkworm và tên lửa đất đối không đã được phóng đi cùng với rất nhiều loại vũ khí khác trong cuộc tập trận hôm 20/2 này.
 
Theo KCNA, Chủ tịch Kim Jong-un thường xuyên kêu gọi toàn bộ lực lượng quân đội nước này hãy nâng cao huấn luyện để “đưa cuộc đấu tranh chống Mỹ tới hồi kết bằng cách tiêu diệt chúng nếu đối phương tiến hành xâm lược nước CHDCND Triều Tiên”.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc