Tổng thống Ukraine mang vũ khí đến bàn đàm phán?

10:44, 12/02/2015
|

(VnMedia) - Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko khiến nhiều người không khỏi sốc khi mang đến bàn đàm phán ở thủ đô Minsk của Belarus một phần của hệ thống pháo phản lực đa nòng hạng nặng Smerch. Đây là hành động được đánh giá là không có lợi cho cuộc đàm phán hoà bình đang rất được chờ đợi và kỳ vọng của Bộ Tứ Normandy.
 

Ảnh minh họa

Đây là bằng chứng mà Tổng thống Poroshenko dùng để tố cáo Nga và lực lượng ly khai miền đông Ukraine tại cuộc đàm phán hoà bình


Văn phòng báo chí của Tổng thống Ukraine hôm qua (11/2) cho biết, Nhà lãnh đạo Poroshenko đã đến tham dự cuộc đàm phán hoà bình ở thủ đô Minsk của Belarus mang theo một thứ hoàn toàn bất ngờ. Đó là một phần của hệ thống pháo phản lực đa nòng hạng nặng BM-30 Smerch đã được sử dụng.  Ông Poroshenko muốn trưng ra bộ phận tên lửa này cho đại diện của các nước tham dự đàm phán xem để làm bằng chứng chứng minh cho cáo buộc của ông này về việc lực lượng ly khai sử dụng vũ khí chống lại dân thường.
 
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Poroshenko đã đến thăm thành phố Kramatorsk. Đây là nơi diễn ra cuộc bắn phá ác liệt của quân ly khai hôm 10/2. Ông Poroshenko đã đến thị sát nơi này trước khi lên đường đến tham dự cuộc đàm phán hoà bình 4 bên ở Minsk.
 
"Đây là những bằng chứng về việc sử dụng vũ khí bừa bãi chống lại dân thường ở trung tâm thành phố Kramatorsk. Trong tay tôi hiện giờ là hệ thống pháo phản lực đa nòng hạng nặng BM-30 Smerch.… Tôi sẽ đưa ra bằng chứng này ở hội nghị Minsk và tại phiên họp của Hội đồng Liên minh Châu Âu (EU)”, cơ quan báo chí của Tổng thống Ukraine dẫn lời ông này cho hay.
 
Theo Nhà lãnh đạo Poroshenko, thứ ông có trong tay sẽ là bằng chứng chứng tỏ vũ khí được sử dụng ở miền đông Ukraine được sản xuất và được sử dụng bởi Nga.
 
Hệ thống BM-30 Smerch ("Cơn lốc") ra đời từ năm 1987 và hiện vẫn đang phục vụ trong quân đội Nga. Hệ thống này bao gồm 12 ống phóng đạn tên lửa cỡ 300 mm được đặt trên khung xe 8x8. BM-30 có thể phóng hết 12 quả đạn của mình trong 38 giây và bắn loạt thứ hai sau 36 phút. Đạn của BM-30 có loại dài tới 7,6m, do đó tầm bắn được nâng lên đáng kể. Biến thể Smerch-M có tầm bắn tối đa lên tới 90km, vượt xa so với hầu hết các loại pháo binh truyền thống.
 
Bên cạnh tính cơ động, khả năng chế áp, những cải tiến không ngừng về đạn giúp nâng độ chính xác, mở rộng nhiệm vụ của pháo phản lực, uy thế của hệ thống vũ khí BM-30 Smerch ngày càng cao.
 
Lâu nay, Tổng thống Poroshenko vẫn đổ lỗi cho lực lượng ly khai về các cuộc tấn công xảy ra ở miền đông Ukraine. Lần này, quân ly khai tiếp tục khẳng định, họ không hề bắn bất kỳ thứ vũ khí nào về hướng Kramatorsk.
 
Chính quyền của Tổng thống Poroshenko cũng cáo buộc Nga hậu thuẫn mạnh mẽ cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine bằng cách cung cấp vũ khí và binh lính cho đội quân này. Với cái được gọi là bằng chứng về hệ thống vũ khí BM-30 Smerch, Kiev được cho là sẽ tìm cách thuyết phục các nước tham dự hội nghị hoà bình ở Minsk tin rằng Nga đã cung cấp thứ vũ khí này cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine.
 
Moscow kiên quyết bác bỏ mọi cáo buộc kiểu như trên của chính quyền Kiev. Bản thân lực lượng ly khai cũng lên tiếng khẳng định nhiều lần rằng họ không nhận được bất kỳ nguồn cung cấp vũ khí nào từ Nga mà chủ yếu vũ khí họ có được trong tay là do chiếm được từ quân đội Kiev. Quân đội Ukraine trên thực tế có sở hữu trong tay những hệ thống BM-30 Smerch có từ thời Liên Xô và đây được xem là một trong những phương tiện hiệu quả nhất để Kiev chống lại quân ly khai miền đông Ukraine. Thêm một thực tế nữa là lực lượng ly khai cũng nhiều lần chiếm được các kho vũ khí của quân đội Kiev.
 
Vì thế, những lời cáo buộc của Tổng thống Poroshenko vẫn chưa thể xác thực. Trong khi đó, việc ông này mang vũ khí đến bàn đàm phán để tố cáo lực lượng ly khai và Nga được cho là sẽ không có lợi khi mà các bên đang tìm cách gạt bỏ bất đồng, cùng có những nhượng bộ, thoả hiệp nhất định để đạt được một thoả thuận nhằm chấm dứt, hoặc ít nhất là gỡ rối dần cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở Ukraine.
 
Cuộc họp 4 bên giữa Nga, Đức, Pháp và Ukraine đang rất được kỳ vọng khi các cường quốc Châu Âu đều có sự quyết tâm rất cao nhằm chặn đứng tình trạng bạo lực đang leo thang chóng mặt ở miền đông Ukraine.
 
Mỹ bị tố ngầm giúp quân Kiev chống lực lượng ly khai
 
Cuộc khủng hoảng ở Ukraine chứng kiến tình trạng các bên liên tục đổ lỗi cho nhau, từ các bên trực tiếp đến các bên gián tiếp. Kiev và lực lượng ly khai đổ lỗi cho nhau về các vụ bắn phá, tấn công. Trong khi đó, Nga và phương Tây đổ lỗi cho nhau về các hành động hậu thuẫn, trợ giúp, cung cấp vũ khí cho một bên nào đó.
 
Phương Tây đổ lỗi Nga cung cấp vũ khí cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine thì Nga cũng cáo buộc phương Tây cung cấp vũ khí cho quân đội Kiev. Hồi cuối tháng 1 từng có tin cho rằng, người ta đã phát hiện ra những thi thể mặc quân phục của NATO và một số lượng lớn vũ khí Mỹ tại đống đổ nát của vùng chiến sự ác liệt nhất - sân bay Donetsk .
 
Cuộc khủng hoảng ở Ukraine chứng kiến một cuộc đối đầu Đông-Tây gay gắt chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh với một bên đứng về phía Kiev và bên kia ủng hộ cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc