Thua bẽ bàng, quân Kiev khiến Tổng thống nguy khốn

07:24, 23/02/2015
|

(VnMedia) - Quân đội trung thành với Kiev vừa phải hứng chịu trận thua tan tác nhất, thảm bại nhất và bẽ bàng nhất. Trận thua cay đắng đó đã trở thành một cú giáng chí tử vào giới lãnh đạo quân sự và chính trị ở Ukraine, đặc biệt là Tổng thống Petro Poroshenko.
 

Ảnh minh họa

Tổng thống Poroshenko trong cuộc gặp với những người lính mệt mỏi, rệu rã và nhụt chí của mình.


Sau trận thua liểng xiểng ở Debaltseve, câu hỏi đã được đặt ra là liệu sự thất thủ của thành phố quan trọng có tính chiến lược đó có gây ảnh hưởng gì đến giới lãnh đạo Ukraine hay không. Câu trả lời là có. Vấn đề là ảnh hưởng đó lớn như thế nào.
 
Tổng thống Poroshenko cố tìm cách miêu tả sự rút lui của hàng ngàn binh lính Ukraine ra khỏi chiến trường Debaltseve như là một cuộc rút lui mang tính chiến thuật và “có trật tự”. Tuy nhiên, trên thực tế, đó thực ra là một cuộc tháo chạy trong tan tác của lực lượng chính phủ Ukraine trước sức tấn công mạnh mẽ và quyết liệt của quân ly khai miền đông.
 
Cũng có thể cuộc rút lui của binh lính Ukraine là nhằm để tránh một trận thảm bại lớn hơn, gây nhiều tổn thất hơn trận thua cay đắng và bẽ bàng ở chiến trường Ilovaysk hồi mùa hè năm ngoái khi quân Ukraine bị lực lượng ly khai bao vây và mai phục trên đường chạy trốn, khiến số lượng binh lính thiệt mạng rất cao. Cho đến nay, con số chết trận chính thức ở Ilovaysk vẫn bị che giấu nhưng có một điều không thể chối cãi rằng từ trận thua đau đớn và mất mặt đó, Tổng thống Poroshenko đã phải xuống nước, cuống cuồng tìm kiếm một lệnh ngừng bắn với quân ly khai.
 
Phần lớn ảnh hưởng chính trị từ trận thua ở Debaltseve mới đây sẽ phụ thuộc vào việc tổn thất ở chiến trường này của quân đội lớn đến mức này. Cho đến thời điểm hiện tại, chính phủ Kiev vẫn công bố con số thương vong là 13 binh lính thiệt mạng, 157 binh lính bị thương, 90 người bị bắt giữ và 82 người mất tích.
 
Tuy nhiên, con số thực sự được cho là phải cao hơn rất nhiều. Và một yếu tố gây tổn hại đến hình ảnh, uy tín của chính quyền Kiev chính là cách thức rút quân đầy hỗn loạn, bừa bãi mà thực chất giống một cuộc tháo chạy nhiều hơn khi binh lính chân trần chạy trốn sau khi xe của họ bị phá hủy và bỏ lại một lượng lớn vũ khí, đạn dược và xe thiết giáp.
 
Nội bộ căng thẳng, mâu thuẫn
 
Tình trạng bất bình, bất mãn trong dân chúng đã xảy ra. “Tôi đã chứng kiến bằng đôi mắt của mình, trên trận chiến và trong trụ sở chỉ huy quân đội về cách thức những hành động quân sự được lên kế hoạch và được thực thi", ông Semyon Semenchenko – chỉ huy tiểu đoàn tình nguyện Donbass – một đội quân của Kiev chiến đấu trên chiến trường miền đông Ukraine, cho biết.
 
Theo lời ông Semenchenko, "tôi có thể bảo đảm với các bạn rằng, chúng tôi thất trận ở Debaltseve không phải vì lợi thế quân sự của Nga mà bởi vì các tướng lĩnh của chúng tôi từ chối đảm nhận trách nhiệm”.
 
Ông Semenchenko đã đề xuất một cơ chế phối hợp “song song” cho các tiểu đoàn tình nguyện chiến đấu ở miền đông. Đến nay, có 13 chỉ huy tiểu đoàn tham gia, trong đó có thủ lĩnh Dmytro Yarosh của nhóm Cánh Hữu theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
 
Ông Semenchenko nhấn mạnh, cơ chế trên không phải để thay thế mà để giúp bộ chỉ huy chung của quân đội trong việc “trao đổi thông tin, lên kế hoạch, trợ giúp các hoạt động hậu cần và tạo điều kiện cho hoạt động tập hợp lực lượng”.
 
Tuy nhiên, thông báo của ông Semenchenko đã gây lo ngại. 8 chỉ huy tiểu đoàn đã từ chối tham gia, kêu gọi ông Semenchenko "chấm dứt những phát biểu mang tính PR và mỵ dân được đưa ra hàng ngày”.
 
Tổng thống Poroshenko dường như đã nắm chặt quyền lực ở Kiev và nhiều người Ukraine từng tin rằng ông này đang làm điều tốt nhất trong tình hình kinh tế và chính trị khủng khiếp như hiện nay. Tuy nhiên, uy tín của Nhà lãnh đạo Ukraine bắt đầu suy giảm.
 
Một cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, tỉ lệ ủng hộ ông Poroshenko đã giảm từ 57% xuống còn 45%, với 46% người dân Ukraine thẳng thừng nói rằng Tổng thống của họ đang làm việc rất tồi. Số người trả lời “không biết” là 9%.
 
Trận thua thảm hại ở Debaltseve được cho là sẽ còn gây ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn nữa đến Tổng thống Ukraine. Câu hỏi được đặt ra là tại sao Thủ tướng Đức Angela Markel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã thúc đẩy mạnh mẽ như vậy cho một thỏa thuận hòa bình nếu không phải là mọi sự đã rõ tại bàn đàm phán là Debaltseve sẽ thất thủ và điều đó là suy yếu đồng minh của họ - Tổng thống Poroshenko.
 
Về phần phương Tây, người ta tin rằng lực lượng này cũng có ảnh hưởng và sức mạnh hạn chế trước Nga. Hiện tại, Kiev, Brussels và Washington được cho là không có đủ những “củ cà rốt” cần thiết để ve vãn Nga và lực lượng ly khai đến bàn đàm phán cũng như không có “cây gậy” đủ lớn để bắt họ phải tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn.
 
Tình hình trở nên phức tạp trước thực tế rằng Tổng thống Poroshenko có thể cảm thấy ông ấy cần phát động một chiến dịch quân sự nào đó để củng cố vị thế của ông này và của chính đất nước Ukraine.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc