Thót tim chờ số phận Ukraine được định đoạt

07:13, 12/02/2015
|

(VnMedia) - Cả thế giới dường như đang nín thở dõi theo cuộc đàm phán 4 bên của Bộ Tứ Normandy gồm Nga, Đức, Pháp và Ukraine diễn ra ở thủ đô Minsk của Belarus, bởi người ta tin rằng đây là cơ hội cuối cùng cho nền hòa bình ở Ukraine...

Nếu không đạt được kết quả gì, cuộc khủng hoảng ở Ukraine rất có thể bùng nổ, vượt ra khỏi tầm kiểm soát và có thể dẫn đến cuộc đối đầu ở quy mô rộng lớn hơn. Rõ ràng, đây là viễn cảnh đáng sợ nhất mà lâu nay nhiều người vẫn lo ngại.

 

Ảnh minh họa

Cuộc đàm phán 4 bên giữa Nga, Pháp, Đức và Ukraine đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận và báo chí


Nguyên thủ của 4 nước gồm Nga, Đức, Pháp và Ukraine đã tụ hội về thủ đô Minsk của Belarus trong cuộc đàm phán được chờ đợi và kỳ vọng rất nhiều. Cuộc đàm phán này cũng được xem như là nỗ lực cuối cùng và cũng là nỗ lực cao nhất của cộng đồng quốc tế nhằm ngăn chặn bạo lực ở miền đông Ukraine . Nó diễn ra trong bối cảnh tình hình giao tranh ở quốc gia Đông Âu đang rộ trở lại với mức độ ác liệt chưa từng có và số thương vong tiếp tục chồng chất.

 

Với tính chất quan trọng như vậy của cuộc đàm phán hòa bình giữa Bộ Tứ Normandy, không có gì là ngạc nhiên khi sự kiện này thu hút sự quan tâm cực kỳ lớn của người dân thế giới và báo chí truyền thông. Được biết, có đến 400 phóng viên báo chí trên khắp thế giới đến đưa tin về cuộc họp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Ukraine Petro Porsohenko.

 

Sở dĩ nói cuộc đàm phán lần này giữa 4 nước Nga, Đức, Pháp và Ukraine là cơ hội cuối cùng cho nền hòa bình ở Ukraine là vì cuộc họp này được thúc đẩy trong thời điểm phương Tây đang tranh cãi gay gắt về việc cung cấp vũ khí sát thương cho chính quyền Kiev. Hiện tại, các nước phương Tây phản đối việc cung cấp vũ khí hiện đại cho quân đội Ukraine với lý do điều đó chỉ làm cho cuộc khủng hoảng ở quốc gia Đông Âu này thêm đẫm máu và nghiêm trọng hơn.

 

Tuy vậy, giới phân tích tin rằng, nếu cuộc đàm phán mới nhất ở Minsk tiếp tục thất bại và không đem lại bất kỳ kết quả lạc quan nào thì phe ủng hộ cung cấp vũ khí cho Kiev trong lực lượng phương Tây do Mỹ dẫn đầu sẽ thắng thế. Một khi Mỹ và các nước đồng minh Châu Âu thực hiện việc cung cấp vũ khí cho Ukraine thì rõ ràng cuộc nội chiến ở nước này sẽ càng thêm ác liệt, càng thêm căng thẳng và khó có thể tháo gỡ. Chính vì lẽ đó, người ta mới hồi hộp chờ đợi kết quả của cuộc đàm phán của Bộ Tứ Normand. Số phận của Ukraine đang thực sự mong manh và có thể nói, nó sẽ được định đoạt trong cuộc đàm phán 4 bên lần này.

 

Thực tế, cuộc đàm phán đang diễn ra ở Minsk đem lại hy vọng thực sự về việc chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Ukraine . Một nguồn tin ngoại giao từ Nga tiết lộ, có đến 70% khả năng lãnh đạo các nước Nga, Pháp, Đức và Ukraine đạt được thỏa thuận trong cuộc họp lần này. Các chuyên gia đã làm việc cật lực và đã có những tiến triển thực sự.

 

Cả Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Pháp Hollande và nữ Thủ tướng Đức Merkel đều đã đến tham dự cuộc họp ở Normandy . Trước đó, Tổng thống Pháp Hollande và Thủ tướng Merkel từng tuyên bố sẽ xem xét những tiến bộ đạt được trong các cuộc đàm phán ngay trước đó và đánh giá khả năng đạt được thành công của cuộc đàm phán ở thủ đô Minsk của Belarus lần này trước khi chính thức quyết định tham gia cuộc họp mặt quan trọng đó hay không. Sự có mặt của tất cả nguyên thủ 4 nước Nga, Pháp, Đức và Ukraine cho thấy, họ đã nhìn thấy điều gì đó để có thể hy vọng và kỳ vọng.

 

Người ta càng có thêm hy vọng vào nỗ lực mới nhất của các cường quốc Châu Âu khi lãnh đạo của các nước này đến tham gia cuộc đàm phán với quyết tâm rất cao trong việc tìm được một thỏa thuận nào đó nhằm tháo gỡ tình hình khủng hoảng ở Ukraine . Phía Nga tuyên bố, Tổng thống của họ không đến cuộc đàm phán “mà không có lý do”. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Hollande khẳng định, ông cùng với nữ Thủ tướng Đức Merkel sẽ “nỗ lực hết sức” và quyết tâm tìm kiếm được một lối thoát cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

 

Các nước phương Tây có lý do để khát khao tìm được một giải pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng Ukraine đang gây tổn hại rất nhiều và đang có nguy cơ đe dọa gây ra thêm nhiều tổn hại kinh khủng hơn rất nhiều nếu nó không được ngăn chặn.

 

Vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine, các nước Châu Âu, cụ thể là các nước thành viên của Liên minh Châu Âu (EU), đang áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt hà khắc nhằm vào Nga – đối tác thương mại hàng đầu cũng là nhà cung cấp năng lượng hàng đầu của Châu Âu. Những đòn trừng phạt này đã gây ảnh hưởng thực sự đến Nga. Tuy nhiên, điều đáng nói là các nước Châu Âu cũng đang hứng chịu tổn thương từ chính những đòn trừng phạt mà họ tung ra với Nga. Nhiều nước EU đang sốt ruột muốn hủy bỏ chính sách trừng phạt nhằm vào Nga và vì thế họ rất muốn đạt được tiến triển nhất định nào đó trong tiến trình giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng ở Ukraine để họ có thể dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Nga.

 

Quan trọng hơn, các nước EU không hề muốn phải đối mặt với kịch bản Mỹ ép họ phải cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev với lý do các nỗ lực hòa bình đều thất bại. Một khi viễn cảnh này thực sự xảy ra thì hậu quả là khó lường. Cuộc chiến ở Ukraine sẽ lan rộng ra xung quanh mà nạn nhân đầu tiên phải hứng chịu chắc chắn là những nước Châu Âu.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc