Thảm kịch Ukraine thứ hai tái diễn ở Hungary?

16:39, 02/02/2015
|

(VnMedia) - Hàng ngàn người Hungary hôm qua (1/2) đã kéo đến bên ngoài trụ sở của Quốc hội để tiến hành biểu tình đòi chính quyền của Thủ tướng Viktor Orban phải đi theo hướng thân phương Tây. Những dấu hiệu đầu tiên cho thấy một kịch bản Ukraine thứ hai có thể tái diễn ở đất nước Hungary và nó diễn ra đúng một ngày trước khi Thủ tướng Đức Angela Merkel có chuyến thăm đến Hungary.
 

Ảnh minh họa

Hình ảnh cuộc biểu tình ở Hungary


Khoảng 3.000 người đã tham dự cuộc biểu tình mang tên “Mùa Xuân đến, Orban đi” ở  bên ngoài trụ sở Quốc hội Hungary. Đảng Fidesz của Thủ tướng Orban đã dễ dàng giành chiến thắng trong 3 cuộc bầu cử hồi năm ngoái nhưng hiện tại ông này đang phải đối mặt với tình trạng mâu thuẫn giữa một bên muốn chạy theo phương Tây và một bên đòi thân Nga.
 
Phương Tây đang dõi theo đất nước Hungary với ánh mắt đầy lo ngại khi chính quyền của Thủ tướng Orban có xu hướng tiến lại gần Nga hơn ở vào thời điểm mà cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang leo thang nghiêm trọng. Hai tuần sau chuyến thăm của Thủ tướng Merkel, Tổng thống Nga Vladimir Putin được cho là cũng sẽ đến Budapest.
 
Những người biểu tình đã giơ cao các tấm biển hiệu và hô vang những khẩu hiệu đòi Hungary phải ở trong vòng tay của Liên minh Châu Âu (EU) và tránh xa quỹ đạo của điện Kremlin. Những người biểu tình cũng đòi Thủ tướng Orban từ chức với cáo buộc ông này làm xói mòn nền tự do dân chủ, tham nhũng và gây ra xung đột ngoại giao với phương Tây.
 
"Chúng tôi không muốn một nền dân chủ có định hướng như ông Putin đã xây dựng ở Nga và đây là hướng mà chính phủ của ông Orban đang đi theo”, một người biểu tình có tên là Jozsef Bruck tuyên bố. Bruck còn nói: “Các chính khách Châu Âu đang nhìn đi nơi khác và họ có thể làm điều đó bởi các cử tri của họ không quan tâm. Chúng tôi đang cố gắng thay đổi điều đó”.
 
Những người biểu tình còn đem theo các tấm biển hiệu có chữ tiếng Đức nhằm gửi thông điệp trực tiếp đến cho bà Merkel. Một tấm biển ghi: “bà Angela của chúng tôi! Xin hãy cứu chúng tôi khỏi kẻ xấu. Chúng tôi muốn là các công dân của EU”.
 
Một người biểu tình có tên là Vilmos Torok thì giơ lên dòng chữ: “Chúng ta với người Đức là anh em ở Châu Âu. Tôi mong bà hãy nói ông Orban dừng lại, cư xử theo cách Châu Âu hơn”.
 
Một số người biểu tình kêu gọi nữ Thủ tướng Đức Merkel “đừng đàm phán với mafia” khi bà chuẩn bị có các cuộc hội đàm với Thủ tướng Orban. Những người biểu tình mang theo cờ EU.
 
"Chúng tôi muốn thể hiện rằng đất nước Hungary không giống với ông Orban, rằng đa số người dân không ủng hộ chính sách kết thân với Nga của ông ấy. Đa số người dân muốn ở trong EU", nhà tổ chức biểu tình - Balazs Gulyas phát biểu.
 
Với một đảng đối lập yếu, Thủ tướng Orban vẫn nắm chắc quyền kiểm soát và lãnh đạo đất nước Hungary. Đảng của ông Orban đã dẫn dắt Hungary trong hầu hết lịch sử 27 năm của nước này và ông Orban không phải đối mặt với một cuộc bầu cử mới cho đến năm 2018.
 
Khi mà Mỹ và Châu Âu đang tìm cách cô lập Moscow bằng mọi giá và đang tính đến chuyện tung thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga với lý do tình hình ở Ukraine không có gì thay đổi thì Thủ tướng Orban đang khiến phương Tây lo ngại khi ông này đang thiết lập một mối quan hệ ngày càng gắn bó với Nga.
 
Thủ tướng Orban, 51 tuổi, từng chỉ trích EU “đã tự bắn vào chân mình” khi áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Và trong những bước đi thể hiện quan điểm mạnh mẽ của mình, trái hoàn toàn với mong muốn của Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU), Thủ tướng Orban đã ký một thỏa thuận để Moscow xây nhà máy điện hạt nhân cho họ. Ông này cũng ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraine và ủng hộ mạnh mẽ cho dự án Dòng chảy Phía Nam (South Stream) của Nga bất chấp sự phản đối kịch liệt của EU.
 
Mỹ cùng với các đồng minh Châu Âu gần đây tỏ ra bực bội, tức tối ra mặt với việc Thủ tướng Hungary Orban có xu hướng ngả dần về phía Nga. Phương Tây cáo buộc chính phủ của Thủ tướng Orban đang thể hiện một sự “coi thường” đối với các giá trị của họ khi ngày một trượt dần vào quỹ đạo của điện Kremlin.
 
Kịch bản Ukraine thứ hai tái diễn?
 
Thủ tướng Hungary đang phải đối mặt với một bên là những thành phần đòi chạy theo phương Tây và một bên là những người muốn ngả về nước láng giềng Nga. Giới phân tích tin rằng, ông Orban sẽ sớm phải đưa ra lựa chọn đứng về bên nào.
 
Thủ tướng Đức Merkel sẽ đến Budapest trong ngày hôm nay (2/2) và đây là chuyến thăm đầu tiên của bà kể từ khi ông Orban lên cầm quyền cách đây 5 năm. Ukraine được cho là sẽ trở thành một trong những vấn đề trọng tâm trong cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Merkel và Orban.
 
Hai tuần sau sẽ đến lượt Tổng thống Nga Vladimir Putin đến thăm Budapest. Hai nhà lãnh đạo Putin và Orban được cho là sẽ thảo luận về một loạt thỏa thuận hợp tác.
 
Hungary đã gia nhập EU năm 2004 nhưng dưới thời của Thủ tướng Orban, chính quyền Hungary bắt đầu xa cách với Brussels và ngả dần về phía Moscow.
 
Thủ tướng Orban hiện được xem là một trong những đồng mình Châu Âu thân thiết nhất của Tổng thống Putin.
 
Phương Tây được cho là đang chật vật tìm cách duy trì sự thống nhất, đoàn kết của các nước thành viên EU trong chính sách với Nga nhưng việc này trở nên khó khăn khi mà nhiều nước gần đây lên tiếng thể hiện sự phản đối đối với chính sách trừng phạt của EU nhằm vào Nga, gây tổn thương cho chính họ.
 
Giới phân tích tin rằng, nếu có bất kỳ nước Châu Âu nào có thể thuyết phục Hungary đi theo phương Tây thì đó chỉ có thể là Đức. Đức có ảnh hưởng với Hungary bởi Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Hungary. Tuy nhiên, không rõ liệu Thủ tướng Merkel hay Tổng thống Putin sẽ thắng trong cuộc chiến giành giật Hungary này.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc