Quân Kiev thua đau, Mỹ nhăm nhe hành động

11:01, 02/02/2015
|

(VnMedia) - Chiến sự ở miền đông Ukraine giữa quân chính phủ và lực lượng ly khai hôm qua (1/2) tiếp tục leo thang ác liệt. Quân đội trung thành với Kiev tiếp tục thua trận, hứng chịu những tổn thất nặng nề. Trong bối cảnh này, Mỹ bắt đầu nhăm nhe hành động.
 

Ảnh minh họa

Ngoại trưởng Kerry sắp thăm Ukraine để thể hiện sự ủng hộ cho Kiev


Quân đội Ukraine và lực lượng ly khai đang lao vào chiến đấu quyết liệt với nhau để tranh giành quyền kiểm soát một trung tâm giao thông chiến lược. Tình hình bạo lực leo thang này khiến thương vong tiếp tục tăng cao, trong bối cảnh vòng đàm phán hoà bình mới nhất đổ vỡ.
 
Ngày hôm qua, người ta liên tục nghe thấy tiếng pháo nổ váng trời ở khu vực thành phố Debaltseve nằm trong quyền kiểm soát của chính quyền Kiev. Debaltseve là một cứ điểm then chốt của chính phủ Ukraine, nằm giữa hai thành trì chính quan trọng nhất của lực lượng ly khai miền đông là Donetsk và Luhansk. Quân ly khai đang thắt chặt vòng vây quanh hàng nghìn lính Kiev ở chiến trường nóng bỏng này.
 
Giới chức địa phương cho biết dân thường đang được sơ tán ra khỏi Debaltseve khi điều kiện an ninh ở nơi đây ngày càng trở nghiêm trọng. "Mọi người đang phải tháo chạy khỏi thành phố bởi những vụ bắn phá liên tiếp diễn ra không ngừng nghỉ. Không có nước, không có điện và cũng không có cả nhiệt trong thành phố”, chỉ huy lực lượng cảnh sát địa phương - ông Yevgen Lukhaniv cho hay.
 
Phát ngôn viên quân đội Ukraine Volodymyr Polyovyi ở thủ đô Kiev cho biết, “những trận giao tranh liên tiếp” diễn ra ở xung quanh thành phố Debaltseve. Mặc dù đang bị quân ly khai bao vây, bóp nghẹt ở chiến trường Delbaltseve nhưng quân chính phủ tuyên bố sẽ không từ bỏ quyền kiểm soát con đường duy nhất còn lại nối với thành phố này.
 
Khi chiến sự leo thang, con số thương vong từ các vụ giao tranh, đụng độ giữa hai phe đối địch ở miền đông Ukraine đã tăng lên nhanh chóng. Quân đội Ukraine cho biết, 13 binh lính của họ đã thiệt mạng và 20 người khác bị thương trong 24 giờ qua, đưa con số thiệt mạng của phía quân Kiev trong 2 ngày qua lên con số 28.
 
Tuy nhiên, theo một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng nước cộng hoà nhân dân Donetsk tự xưng, quân Kiev đã mất 57 binh lính trong 24 giờ qua, chứ không phải là con số 13 như chính quyền Kiev công bố. Trước đó, có tin giới chức Kiev cấm các cơ quan chức năng công bố con số thương vong thực sự của quân đội Ukraine trong cuộc chiến ở miền đông Ukraine.
 
Ngoài tổn thất nặng nề về người, quân đội Ukraine còn phải hứng chịu tổn thất nặng nề về vũ khí, đạn dược. Cụ thể, phát ngôn viên của Donetsk cho rằng, quân đội đã mất 5 xe tăng, 7 xe bọc thép và 12 hệ thống pháo binh trong những trận giao tranh diễn ra trong 24 giờ qua. Lực lượng ly khai còn chiếm được 2 kho chứa đạn cho tên lửa Grad và đạn pháo thông thường.
 
Trong 16 ngày qua, quân đội Ukraine được cho là đã mất 136 xe tăng, 110 phương tiện chiến đấu bộ binh và xe bọc thép, 80 khẩu pháo và súng cối cùng 58 xe. Con số gây sốc nhất chính là 1.569 binh lính chính phủ đã thiệt mạng.
 
Tình trạng bạo lực leo thang cùng con số thương vong tăng cao chóng mặt diễn ra trong thời điểm mà một cuộc đàm phán hoà bình mới nhất ngày hôm qua lại đổ vỡ, khiến cho cuộc khủng hoảng ở Ukaine thêm bế tắc.
 
Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko hôm qua đã bày tỏ sự lấy làm tiếc về “thất bại của cuộc đàm phán hoà bình” mới nhất ở thủ đô Minsk của Belarus. 3 nhà lãnh đạo trên tiếp tục kêo gọi “ngừng bắn ngay lập tức”.
 
Cuộc chiến ở miền đông Ukraine kéo dài từ tháng 4 năm ngoái đến giờ đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 5.100 người.
 
Mỹ nhăm nhe can thiệp vào cuộc chiến ở miền đông Ukraine
 
Trước việc quân đội Ukraine thua trận liên tiếp ở chiến trường miền đông Ukraine, chính quyền của Tổng thống Obama đang tính chuyện can thiệp vào bằng cách xem xét cung cấp vũ khí và thiết bị phòng vệ cho quân đội Kiev. Đây là thông tin vừa được tiết lộ trên tờ New York Times số ra ngày hôm qua.
 
Tờ New York Times dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết Ngoại trưởng John Kerry và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu liên quân Mỹ Martin Dempsey đã công khai thảo luận về ý tưởng cấp vũ khí cho Kiev. Chỉ huy NATO - Tướng Philip Breedlove hiện giờ cũng ủng hộ việc cung cấp vũ khí gây sát thương cho chính quyền Ukraine.
 
Một quan chức Mỹ tiết lộ, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ - bà Susan Rice được cho là cũng đang cân nhắc việc xem xét lại sự phản đối trước đây của bà với việc cung cấp vũ khí gây sát thương cho Kiev.
 
Ngoại trưởng Kerry sẽ có chuyến thăm đến thủ đô Kiev vào thứ Năm tới (5/2) để hội đàm với Tổng thống Petro Poroshenko và các quan chức khác của Ukraine. Tổng thống Obama hồi tuần trước đã lên tiếng bày tỏ sự quan ngại về tình hình bùng phát giao tranh trở lại giữa quân chính phủ và lực lượng ly khai miền đông Ukraine. Ông Obama đã tuyên bố rằng chính quyền Mỹ đang xem xét mọi sự lựa chọn để cô lập nước Nga, ngoại trừ biện pháp quân sự.
 
Theo tiết lộ của tờ the New York Times, 8 cựu quan chức cấp cao của Mỹ cũng sẽ đưa ra một bản báo cáo độc lập trong ngày hôm nay (2/2) nhằm kêu gọi Washington gửi viện trợ trị giá 3 tỉ USD bằng vũ khí và thiết bị phòng vệ cho Ukraine, trong đó có tên lửa chống thiết giáp và các máy bay do thám không người lái.
 
Chưa rõ Mỹ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng như thế nào về việc cung cấp vũ khí gây sát thương cho chính quyền Kiev. Trước đây, Washington vẫn khăng khăng bác bỏ việc cung cấp vũ khí gây sát thương cho Ukraine vì sợ làm Nga nổi giận và tung ra hành động tương tự với lực lượng ly khai.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc