Phương Tây bỏ Mỹ theo Nga?

15:56, 09/02/2015
|

(VnMedia) - Trong khi cuộc chiến ở miền đông Ukraine vẫn đang leo thang từng ngày thì ở một nơi rất xa so với những con đường đầy máu và đống đổ nát ở quốc gia Đông Âu này là một cuộc đối đầu giữa những “ông lớn” đang diễn ra. Điều đáng nói ở đây là cuộc đối đầu giữa Mỹ và các đồng minh Châu Âu về một viễn cảnh thời hậu Chiến tranh Lạnh.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh hoạ


Đã 70 năm trôi qua kể từ khi cuộc Chiến tranh Thế giới thứ II kết thúc và 1/4 thế kỷ đã trôi qua kể từ sau khi Bức tường Berlin sụp đổ cũng như sự tan vỡ của nhà nước Xô-viết và sự tái hợp của một nước Đức từng bị chia rẽ.
 
Tuy nhiên, những bài học được rút ra từ một thời lịch sử chung đau đớn đó đang được các nhà lãnh đạo vẫn còn nhớ về thời kỳ đó ở Mỹ và Châu Âu sử dụng để đưa ra các quan điểm, lập trường đối lập nhau về cách thức đối phó với Nga trong cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở Ukraine.
 
Vấn đề gây tranh cãi giữa Mỹ và các đồng minh Châu Âu thân thiết hiện nay chính là việc: có nên trang bị vũ khí cho Ukraine hay không? Vấn đề nóng bỏng này đã trở thành chủ đề trọng tâm tại Hội nghị An ninh Munich – một hội nghị được khởi động từ năm 1963 và đã trở thành diễn đàn toàn cầu chủ chốt cho việc giải quyết hoà bình các cuộc xung đột trên thế giới.
 
Khi số thương vong trong cuộc chiến ở miền đông Ukraine mỗi lúc một tăng cao, người ta bắt đầu thực sự lo ngại về viễn cảnh cuộc xung đột kéo dài gần một năm qua ở Ukraine có thể vượt ra khỏi tầm kiểm soát và lan rộng sang các nước đang và sẽ là thành viên của Liên minh Châu Âu (EU) cũng như Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO).
 
Hàng loạt hình ảnh về những thi thể bị bỏ lại trên các đường phố ở miền đông Ukraine cùng với những cáo buộc về việc Nga đang hậu thuẫn cho lực lượng ly khai trong cuộc chiến chống Kiev đã làm dấy lên cuộc tranh cãi nóng bỏng giữa những cường quốc đồng minh thân thiết nhất về việc có nên cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine hay không.
 
Vũ trang hay không vũ trang cho Ukraine?
 
Trong cuộc tranh cãi này, Mỹ được cho là đang đứng một mình trong khi các cường quốc Châu Âu vốn luôn ủng hộ Mỹ lại có quan điểm trái ngược. Washington đang có xu hướng ủng hộ cho việc cung cấp vũ khí sát thương cho chính quyền Kiev. Ngược lại, các cường quốc Châu Âu như Pháp, Đức lại không ủng hộ quan điểm này.
 
Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 7/2 đã nhắc đến tuổi thơ của mình sau Bức màn Sắt để giải thích cho quan điểm phản đối quyết liệt việc “đổ thêm dầu vào lửa” trong cuộc chiến ở miền đông Ukraine bằng quyết định cung cấp thêm vũ khí sát thương cho Kiev.
 
"Hãy nhìn xem, tôi đã lớn lên ở nước Cộng hoà Dân chủ Đức. Tôi là một bé gái 7 tuổi khi Bức tường Berlin được dựng lên", bà Merkel cho hay.
 
"Không ai tin rằng cần phải có một sự can thiệp quân sự để bảo vệ những người dân ở miền Đông Đức và toàn bộ khối miền đông. Và tôi không thể đổ lỗi cho bất kỳ ai. Đó là một quan điểm thực tế, ngay sau khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ II", nữ Thủ tướng quyền lực của nước Đức cho biết.
 
Cuối cùng, bà Merkel cho hay, những nguyên tắc và giá trị của Châu Âu sẽ chiến thắng. Điều này cho thấy trong thời kỳ biến động ban đầu của nền dân chủ trẻ, Ukraine cần phải kiên nhẫn.
 
Nữ Thủ tướng quyền lực của nước Đức được cho là sẽ đem theo thông điệp không vũ khí đến Washington để gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama trong ngày hôm nay (9/2).
 
Những phát biểu cứng rắn trên của Thủ tướng Merkel đã gây ra phản ứng tức giận từ phía những đại diện Mỹ - những người cảm thấy rằng Mỹ đã đổ máu trong thế chiến II để đảm bảo cho một Châu Âu “tự do, hoà bình” và không muốn để Kiev chờ đợi. Họ đang vận động cho việc cung cấp vũ khí sát thương cho chính quyền Kiev.
 
"Đó chắc chắn không phải là quan điểm của tôi về lịch sử”, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hoà John McCain vốn nổi tiếng về quan điểm cứng rắn cho hay. Ông này đang tích cực kêu gọi Mỹ cung cấp vũ khí hạng nặng cho Kiev.
 
Với việc Đức quyết liệt nói không với việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine, Mỹ khó lòng có thể thuyết phục các đồng minh của họ đi theo con đường của họ trong lần này. Trong cuộc đối đầu này, Đức và các nước Châu Âu ủng hộ quan điểm của Nga là theo đuổi biện pháp chính trị để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine chứ không làm cho tình hình thêm nghiêm trọng bằng việc cung cấp vũ khí cho một bên nào đó trong cuộc chiến.
 
Trong khi Mỹ và các đồng minh Châu Âu đang mâu thuẫn về vấn đề cung cấp vũ khí cho  Kiev thì Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tiếp tục lên tiếng kêu gọi phương Tây hậu thuẫn về quân sự cho Kiev.
 
Phát biểu tại diễn đàn an ninh ở Munich, Nhà lãnh đạo Ukraine cho rằng cuộc khủng hoảng ở nước ông này sẽ không thể được giải quyết nếu Kiev không nhận được sự hậu thuẫn về kinh tế, chính trị, quân sự từ các đồng minh Châu Âu và xa hơn nữa.
 
"Vấn đề Ukraine sẽ tiếp tục bế tắc chứng nào người dân và các chính khách ở Châu Âu cũng như toàn thế giới không cung cấp sự ủng hộ thiết thực và chắc chắn cho nền độc lập ở Ukraine – sự ủng hộ về kinh tế, chính trị và quân sự”, Tổng thống Poroshenko khẩn thiết kêu gọi.
 
"Chúng tôi là một quốc gia độc lập và chúng tôi có quyền bảo vệ người dân của mình. Trong suốt quá trình diễn ra cuộc tấn công, chúng tôi đã chứng minh mình là lực lượng có trách nhiệm và chúng tôi sẽ không sử dụng các vũ khí phòng vệ để tấn công”, ông Poroshenko đã nói như vậy.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc