Pháp trả giá đắt vì đối đầu với Nga

20:33, 13/02/2015
|

(VnMedia) - Pháp sẽ phải trả một cái giá rất đắt khi không chịu bàn giao hai chiếc siêu tàu chiến lớp Mistral cho Nga theo hợp đồng mà hai nước đã ký kết.
 

Ảnh minh họa

Hợp đồng siêu tàu chiến lớp Mistral đang trở thành "chiếc dằm" gây khó chịu trong quan hệ giữa Nga và Pháp


Nếu hai chiếc tàu chiến lớp Mistral vẫn được giữ ở Pháp thì riêng việc duy trì, bảo quản và bảo vệ thứ vũ khí tối tân này cũng đã tốn của những người nộp thuế ở Pháp một khoản tiền rất lớn lên tới 5 triệu euro mỗi tháng. Ngoài những khoản tiền hàng tháng trên, Pháp còn có nguy cơ phải trả lại 890 triệu euro mà Nga đã thành toán trước cho hợp đồng cộng với khoản tiền phạt bàn giao tàu chiến chậm. Tổng cộng lại, cái giá cuối cùng mà Paris phải trả là quá cao để nước này không thể phớt lờ, người phụ trách chuyên mục quốc phòng của tờ L’Opinion - ông Jean-Dominique Merchet cho biết.
 
Đáng nói hơn là khoản tiền tổng cộng trên chỉ là một con số rất nhỏ so với khoản tiền phạt khổng lồ mà Pháp sẽ phải trả cho Nga nếu phá vỡ hợp đồng cung cấp siêu tàu chiến lớp Mistral, không chịu bàn giao cho Nga hai chiếc tàu Vladivostok và Sevastopol.
 
"Chúng tôi tuyệt đối không biết khoản tiền phạt đó sẽ phải lớn đến mức như thế nào nhưng chúng tôi tin rằng nó sẽ ở vào khoảng từ 500 triệu euro đến 5 tỉ euro”, ông Merchet cảnh báo. Đây là điều mà nhiều chuyên gia đã từng cảnh báo trước đó.
 
Ngoài ra, Nga còn có thể đòi bồi thường cho việc nước này phải đưa các thủy thủ sang Saint-Nazaire để tập huấn với tàu Mistral hoặc đòi trả lại khoản tiền mà Nga đã phải chi trả cho Hải quân của họ để chuẩn bị sẵn sàng đón nhận những chiếc siêu tàu chiến lớp Mistral.
 
Pháp vẫn chưa chịu giao tàu chiến Mistral cho Nga
 
Mặc dù tình hình Ukraine đã có tiến triển bằng việc các bên đạt được một thỏa thuận ngừng bắn mới nhất trong ngày hôm qua (12/2), Tổng thống Pháp Francois Hollande vẫn tuyên bố rằng, các điều kiện để Paris bàn giao siêu tàu chiến lớp Mistral cho Moscow vẫn chưa chín muồi.
 
"Các điều kiện để bàn giao tàu chiến lớp Mistral vẫn chưa được đáp ứng. Tôi hy vọng, một ngày nào đó, các điều kiện này sẽ chín muồi”, ông Hollande đã nói như vậy với cánh phóng viên sau một cuộc họp thượng đỉnh không chính thức giữa các nhà lãnh đạo EU ở thủ đô Brussels.
 
Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cũng thông báo rằng nước này tiếp tục trì hoãn việc thực hiện hợp đồng bàn giao tàu chiến Mistral cho Nga.
 
Nga đã ký hợp đồng mua 2 siêu tàu chiến lớp Mistral của Pháp với trị giá 1,2 tỉ euro (1,5 tỉ USD) từ hồi tháng 6 năm 2011. Theo hợp đồng, Pháp phải bàn giao chiếc tàu chiến đầu tiên được đặt tên là Vladivostok cho Nga vào ngày 14/11 vừa rồi trong khi chiếc thứ hai mang tên Sevastopol sẽ được bàn giao vào cuối năm 2015. Tuy nhiên, Paris đã không giao tàu chiến lớp Mistral cho Nga đúng như thời hạn hợp đồng đưa ra mặc dù công tác bàn giao đã sẵn sàng.
 
Pháp đã phải chịu sức ép rất mạnh mẽ từ các đồng minh phương Tây, đặc biệt là Mỹ, trong việc phải hủy bỏ hợp đồng bán siêu tàu chiến lớp Mistral cho Hải quân Nga.
 
Sau một thời gian dài chờ đợi với đủ những lời cảnh báo, đe dọa, Pháp vẫn chần chừ không chịu giao tàu chiến lớp Mistral đầu tiên cho Nga theo đúng như hợp đồng quy định. Điều này đã khiến Moscow hết kiên nhẫn. Giới chức Nga liên tục tuyên bố, Pháp phải lựa chọn trong 2 phương án: hoặc là giao tàu chiến hoặc là trả lại tiền và chấp nhận bồi thường.
 
Siêu tàu chiến Mistral có trọng tải tối đa 21.300 tấn, chiều dài tối đa là 210m, tốc độ là 18 hải lý và tầm hoạt động lên tới 11.000 dặm. Tàu có thể chuyên chở bốn sà lan đổ quân, 16 trực thăng hạng nặng, 32 trực thăng hạng nhẹ, 2 tàu đệm không khí, một tiểu đoàn 40 xe tăng hạng nặng Leclerc hoặc 70 phương tiện cơ giới. Tàu có thủy thủ đoàn gồm 160 người và có thể chở được 450 binh sỹ...
 
Tàu Mistral có thể thực hiện 4 nhiệm vụ cùng lúc gồm: tiếp nhận trực thăng, đổ bộ quân đồng thời đóng vai trò như một trung tâm chỉ huy và một bệnh viện nổi.
 
Nếu Pháp tiếp tục chần chừ không bàn giao siêu tàu chiến lớp Mistral cho Nga thì việc Moscow đòi lại tiền đã trả trước cho Paris cộng thêm khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng là điều không tránh khỏi. Trong tình huống như vậy, Paris sẽ phải chịu tổn thất nặng nề, không chỉ mất đi một hợp đồng vũ khí lớn nhất với Nga mà còn phải bồi thường một khoản tiền “khủng”. Chưa hết, điều này còn làm ảnh hưởng đến hàng nghìn lao động của Pháp và gây tổn hại đến uy tín của ngành quốc phòng Pháp.
 
Chính vì lý do trên, Pháp được cho là hoàn toàn không muốn hủy bỏ hợp đồng siêu tàu chiến lớp Mistral với Nga. Tuy nhiên, Paris cũng không muốn làm mất lòng Mỹ và các đồng minh Châu Âu. Vì vậy, một mặt Pháp tỏ ra cứng rắn với Nga để chiều lòng các đồng minh phương Tây. Mặt khác, chính quyền của Tổng thống Hollande ra sức nỗ lực thúc đẩy tiến trình đàm phán hòa bình ở Ukraine nhằm mở lối thoát cho họ trong tình thế bế tắc liên quan đến hợp đồng Mistral cũng như trong mối quan hệ với Nga.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc