Nga "tát nước lạnh" vào phương Tây

07:07, 08/02/2015
|

(VnMedia) - Moscow sẽ không bao giờ chấp nhận một trật tự thế giới mà ở đó ưu tiên việc ngăn chặn sự phát triển của Nga. Đó là tuyên bố vừa được  Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra hôm qua (7/2).
 
 “Ơn Chúa, chưa có một ai khuấy động một cuộc chiến chống lại đất nước chúng ta,  nhưng chắc chắn đang tồn tại những âm mưu nhằm ngăn chặn sự phát triển của chúng ta không bằng cách này thì cách khác”, Tổng thống Putin phát biểu  tại Đại hội lần thứ 9 của Liên đoàn Thương mại Độc lập Nga.

Ảnh minh họa

Ông khẳng định, Nga sẽ không bao giờ chấp nhận một trật tự thế giới như vậy, đồng thời chỉ ra rằng, Nga không bao giờ muốn chiến tranh với bất cứ quốc gia nào và luôn sẵn sàng hợp tác.
 
Tổng thống Putin nhấn mạnh, các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga sẽ không bao giờ đạt được kết quả như mong muốn, mặc dù nó thực sự có tác động tiêu cực đến nền kinh tế của nước này.
 
“Chúng ta phải thừa nhận điều này và nỗ lực hết sức mình để củng cố chủ quyền, trong đó có lĩnh vực kinh tế”, ông nói.
 
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng từng cáo buộc Mỹ khiến thế giới trở nên nguy hiểm hơn khi áp đặt "hành động độc tài đơn phương" trong ngoại giao quốc tế. Tổng thống Nga cho rằng "hành động độc tài đơn phương" của Mỹ đang phản tác dụng.
 
Ông Putin cho rằng, các cách tiếp cận cuộc khủng hỏa Ukraine của Mỹ không những không giúp xung đột được giải quyết mà còn khiến nó leo thang, các nước có chủ quyền không được ổn định, thay vào đó là tình trạng hỗn loạn gia tăng, không có dân chủ, mà chỉ có sự ủng hộ cho những kẻ đáng ngờ, từ những người theo chủ nghĩa phát xít mới tới những kẻ Hồi giáo cực đoan.
 
Ông Putin cũng cáo buộc Washington tạo ra "những kẻ thù bên ngoài" để tăng cường ảnh hưởng trên toàn cầu.
 
"Hóa ra một thế giới đơn phương không dễ chịu và khó kiểm soát đối với người tự gọi mình là lãnh đạo", tổng thống Nga nói, ám chỉ chính sách đối ngoại của người đồng cấp Mỹ Barack Obama.
 
Moscow đang  phải hứng chịu một loạt lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu và Mỹ liên quan tới những cáo buộc cho rằng Nga đang nhúng tay vào cuộc khủng hoảng đang ngày một leo thang ở Ukraine.
 
Tuy nhiên, Nga đã nhiều lần lên tiếng bác bỏ việc can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine và kêu gọi giải quyết cuộc xung đột ở nước này bằng biện pháp hòa bình.
 
Các lệnh trừng phạt của phương Tây và Mỹ nhằm vào lĩnh vực ngân hàng, tài chính, năng lượng của Nga, cũng như một số cá nhân có tầm ảnh hưởng của Nga. Điều này được cho là một trong  những yếu tố khiến cho nền kinh tế Nga hiện đang lao dốc, đặc biệt là giá dầu.
 
Hồi tuần trước, các ngoại trưởng EU đã quyết định sẽ gia hạn them lệnh trừng phạt đối với Nga đến tận tháng 9/2015, tức là thêm 6 tháng so với kế hoạch ban đầu. Các nước thành viên EU đã không thể áp đặt thêm lệnh trừng phạt mới với Nga vì không được sự đồng ý của Hy Lạp.

NATO đang phá hoại an ninh châu Âu
 
Cùng ngày, Ngoại trường Nga Sergei Lavrov cũng tuyên bố rằng, việc NATO tăng cường lực lượng quân sự gần các đường biên giới với Nga sẽ khiến đối đầu càng thêm căng thẳng và phá hoại nền an ninh của châu Âu.
 
Hôm qua (7/2), ông Lavrov  đã có cuộc gặp với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg bên lề Hội nghị An ninh Munich để thảo luận về mối quan hệ giữa Nga và NATO.
 
 “Việc NATO đẩy mạnh tiềm năng quân sự và mở rộng sự cơ sợ hạ tầng cũng như sự hiện diện quân sự ở “sườn đông” của khối này và việc nước này tăng cường các cuộc tập trận gần khu vực biên giới Nga sẽ khiến căng thẳng gia tăng, kích động sự đối đầu và phá hoại toàn bộ hệ thống an ninh châu Âu-Đại Tây Dương”, Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh.
 
Ngoài ra, trong cuộc gặp, hai bên cũng thảo luận về xung đột giữa chính quyền Kiev và hai nước cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Luhansk ở miền đông Ukraine.
 
“Ông Lavrov nhấn mạnh rằng, sự hỗ trợ của NATO đối với các hoạt động quân sự của Kiev ở miền đông Ukraine đã làm phương hại tới nỗ lực tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc nội chiến ở Ukraine”, Bộ Ngoại giao Nga trích dẫn lời ông Lavrov cho hay.
 
Về phần mình, Tổng thư ký NATO giải thích rằng, tất cả các biện pháp mà NATO đang tiến hành đều chỉ nhằm mục đích phòng thủ và cam kết sẽ luôn duy trì một kênh đối thoại mở với Moscow.
 
Trước đó, hôm 5/2, NATO đã quyết định sẽ tăng lực lượng phản ứng nhanh lên đến hơn 30.000 quân, hơn gấp đôi so với số lượng hiện có là 13.000 ở Đông Âu, đặc biệt tại các khu vực sát nách biên giới nước Nga.
 
Bên cạnh đó, NATO cũng sẽ thành lập 6 căn cứ quân sự tại Đông Âu và lực lượng phản ứng cực nhanh gồm 5.000 binh sỹ đối phó nguy cơ khủng hoảng.  Lực lượng này luôn sẵn sàng để triển khai chỉ trong vòng 48 giờ khi tình huống cấp bách xảy ra. Sau đó, 25.000 quân lính dự bị còn lại sẽ được bổ sung trong tuần này.
 
Theo ông Stoltenberg, Anh, Pháp, Đức, Italy, Ba Lan và Tây Ban Nha sẽ luân phiên chỉ huy lực lượng đầu não này. Cụ thể, NATO sẽ thiết lập một sở chi huy khu vực đông bắc mới ở Ba Lan và một sở chỉ huy nhỏ đông nam ở Romania.
 
Bên cạnh đó, 6 trung tâm chỉ huy do các sỹ quan NATO và nước sở tại điều hành sẽ được thiết lập ở Ba Lan, Romania, Bulgary và 3 quốc gia Baltic để tổ chức các cuộc tập trận củng cố lực lượng cho các quốc gia này khi cấp bách.
 
Ngay sau khi quyết định trên được đưa ra, đặc phái viên của Nga tại NAT – ông Alexander Grushko đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ, cho rằng quyết định trên sẽ gây ra mối hiểm họa lớn cho Nga, đặc biệt, cảnh báo rằng việc  này sẽ biến Baltic trở thành một khu vực của đối đầu quân sự.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc