Nga “chiếu tướng” phương Tây bằng nước cờ ngoạn mục

08:33, 18/02/2015
|

(VnMedia) - Nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin trong suốt năm qua đã phải chịu sự bủa vây, dồn ép tứ phía từ các cường quốc hàng đầu thế giới. Phương Tây ngỡ rằng với lực lượng hùng hậu toàn các nước lớn và được dẫn dắt bởi siêu cường số 1 thế giới là Mỹ, họ có thể dễ dàng “hạ gục” Nga. Tuy nhiên, ngược lại, Nga lại có thể “chiếu tướng” phương Tây bằng những nước cờ ngoạn mục.

Ảnh minh họa

Tổng thống Obama đang dẫn đầu một liên minh chống lại nước Nga của Tổng thống Putin


Cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc ở Ukraine bùng lên hồi đầu năm ngoái đã trở thành mồi lửa châm ngòi cho một cuộc đối đầu quyết liệt và dường như không cân sức giữa Nga và phương Tây.

Mỹ và Liên minh Châu Âu lao vào đổ lỗi, chỉ trích, cáo buộc Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng Ukraine, kích động cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông nam Ukraine. Dù Nga đã bác bỏ thẳng thừng mọi cáo buộc trên phương Tây vẫn không tha cho Nga.

Các cường quốc Châu Âu dưới sự dẫn dắt của Mỹ bắt đầu huy động lực lượng để cô lập, bủa vây nước Nga trên mọi mặt trận và ở mọi phía  Về chính trị, ngoại giao, phương Tây tìm cách lôi kéo các nước trên thế giới đứng về phía mình và họ đã đạt được thành công nhất định khi tập hợp được một đội ngũ đông đảo các nước chống lại Nga. Nhóm nước G8 bao gồm 8 nước phát triển hàng đầu thế giới đã loại bỏ Nga ra khỏi tổ chức. Một số thể chế, tổ chức quốc tế dưới sự kêu gọi của phương Tây cũng đã thực thi chính sách tẩy chay, phản đối Nga.

Trên mặt trận kinh tế, phương Tây đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm bóp nghẹt nền kinh tế Nga. Nhiều trong số các đòn trừng phạt Nga của phương Tây đang gây tổn thất lớn đến nền kinh tế Nga khi chúng nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng.

Trên mặt trận quân sự, liên minh quân sự phương Tây – NATO gia tăng mạnh mẽ sự hiện diện quân sự ở sát nách biên giới Nga bằng những hoạt động triển khai vũ khí, điều binh và tập trận. NATO còn lập hẳn một lực lượng phản ứng nhanh gồm hơn 30.000 quân để đối phó với Nga trong trường hợp khẩn cấp.

Những nước cờ đáp trả của Nga

Tất cả những bước đi của phương Tây nhằm cô lập, bủa vây nước Nga đều được chính quyền của Tổng thống Putin đáp trả bằng các “nước cờ” khôn ngoan. Nhờ đó, Moscow đã vô hiệu hóa hoặc giảm thiểu được tác động từ đòn trừng phạt của phương Tây.

Trong thế bị các nước Châu Âu và Mỹ cô lập, Nga đã quay ra tìm đến thắt chặt mối quan hệ với các nước phương Đông. Đầu tiên, Nga tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Hiện tại, mối quan hệ Nga-Trung được đánh giá là tốt nhất từ trước đến nay. Bắc Kinh đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ cho Nga trong bối cảnh Moscow bị các nước phương Tây dồn ép. Mối quan hệ phát triển mạnh mẽ giữa Nga và Trung Quốc trong giai đoạn này được thể hiện qua một hợp đồng khí đốt khổng lồ, sự gia tăng hợp tác trong lĩnh vực quân sự - điều không xảy ra trong thời gian trước đây, và “cái bắt tay” trong việc phá bỏ thế độc quyền của đồng đô la Mỹ trong các giao dịch quốc tế.

Tiếp đó, Nga tìm đến với người bạn truyền thống gắn bó là Ấn Độ. Mối quan hệ bền vững Nga-Ấn vượt qua được thử thách thời gian. Và trong bối cảnh Nga gặp khó khăn, Ấn Độ sẵn sàng chìa tay ra với người bạn lâu năm của mình. Điều này đã được thể hiện qua tuyên bố của Thủ tướng Ấn Độ rằng nước này sẽ không bao giờ bỏ rơi những người bạn gắn bó với họ trong thời kỳ Ấn Độ đang gặp khó khăn. Quan hệ Nga-Ấn đã được tăng cường ở mức hết sức mạnh mẽ trong chuyến thăm hồi cuối năm ngoái của Tổng thống Putin đến New Delhi. Hai nước đã ký khoảng 20 hợp đồng với trọng tâm hợp tác nhằm vào lĩnh vực năng lượng, vũ khí quân sự và hạt nhân.

Việc Nga củng cố được mối quan hệ hợp tác với hai cường quốc lớn nhất Châu Á và cũng là những cường quốc có tiềm lực phát triển hàng đầu thế giới đã khiến phương Tây không khỏi ngỡ ngàng, choáng váng. Hậu quả đầu tiên mà phương Tây phải hứng chịu chính là những tổn thất về kinh tế khi mất đi đối tác thương mại, kinh tế hàng đầu là Nga. Các nước EU rõ ràng không khỏi cảm thấy thẫn thờ lo ngại bởi việc tìm kiếm đối tác đã khó, việc xây dựng lại còn khó hơn nhiều. Một khi Nga đã tìm đến với phương Đông thì đương nhiên phương Tây sẽ mất đi bạn hàng, thị trường lớn.

Thứ hai, với mối quan hệ gắn bó chặt chẽ hơn với Trung Quốc và Ấn Độ, Nga đã làm suy yếu liên minh phương Tây chống lại Nga.

Ngoài ra, vốn là đối tác thương mại, kinh tế và năng lượng hàng đầu Châu Âu, Nga đã biết dùng đến lợi ích kinh tế để khoét sâu mâu thuẫn trong nội bộ liên minh phương Tây đang nhằm vào Nga. “Cuộc chiến” trừng phạt giữa Nga và phương Tây đang gây ra ảnh hưởng khác nhau đến chính các nước Châu Âu, một số nước chịu hậu quả nặng nề, một số nước chịu tác động nhẹ hơn. Đặc biệt, Mỹ - nước dẫn đầu và cũng là nước thúc ép các nước khác phải trừng phạt Nga, hầu như không bị hề hấn gì. Điều này đã khiến các nước phương Tây mâu thuẫn với nhau về chính sách đối với Nga. Nhiều nước đang đòi EU phải hủy bỏ chính sách trừng phạt Nga.

Ngay trong vấn đề năng lượng, Nga cũng khiến phương Tây mâu thuẫn vì dự án Dòng chảy Phía Nam. Việc Nga hủy bỏ dự án mà EU phản đối cũng gây ra sự bất đồng trong các nước thành viên EU. Một số nước ủng hộ dự án của Nga. Điều này càng khiến mâu thuẫn trong nội bộ EU thêm sâu sắc.

Chưa hết, Nga còn tăng cường quan hệ với Iran, Triều Tiên - hai nước đang được coi là mối đe dọa với phương Tây. Nước cờ này của Moscow khiến phương Tây "ăn không ngon, ngủ không yên".


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc