(VnMedia) - Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ hôm qua (24/2) vừa phóng thử thành công hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo trên biển Aegis từ các tàu chiến USS Carney, USS Gonzalez và USS Barry.
Thông cáo của Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA) cho biết 3 quả tên lửa đã được các thủy thủ trên 2 tàu khu trục Aegis BMD phóng đi và theo dõi.
“Vào khoảng 2h30 sáng 24/2, 3 quả tên lửa đạn đạo tầm ngắn đã gần như được phóng đi cùng một lúc từ căn cứ Wallops ở Virginia. Hai tàu khu trục Aegis BMD đã tìm diệt được đúng mục tiêu”, Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ cho hay trong một thông cáo.
Thông cáo thêm rằng: “Đây là cuộc thử nghiệm đầu tiên nhằm đánh giá năng lực của hệ thống vũ khí Aegis BMD 4.0 dưới kịch bản tham gia các cuộc tấn công đột kích vào ba mục tiêu riêng rẽ sử dụng tên lửa đạn đạo tầm ngắn".
Ngoài ra, một tàu khu trục khác cũng được triển khai để phối hợp tham gia chiến dịch. Sử dụng dữ liệu thu thập được, các chuyên gia sẽ tiến hành phân tích đánh giá để quyết định tàu nào là điểm phóng hiệu quả nhất. Theo đó có thể giảm được chi phí đồng thời vẫn đảm bảo khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo.
Hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo Aegis là hệ thống vũ khí hải quân được triển khai di động trên biển, do Cơ quan radar mặt đất và tên lửa của Mỹ phát triển, hiện do Tập đoàn Lockheed Martin sản xuất. Aegis được thiết kế để tiêu diệt các tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm xa, cho phép các chiến hạm của Mỹ bắn hạ các tên lửa đạn đạo của đối phương khi các tên lửa này vẫn đang trên không trung.
Hải quân Mỹ thử thành công tên lửa Trident II D5
Trong một diễn biến khác, Hải quân Mỹ cũng vừa tiến hành vụ thử thành công đối với tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Trident II D5 lần thứ 155.
“Các cuộc thử nghiệm mới nhất này chứng minh được độ tin cậy của tên lửa D5 cũng như sự sẵn sàng của toàn bộ hệ thống vũ khí chiến lược Trident trong từng phút từng ngày”, Mathew Joyce, Phó Chủ tịch các chương trình tên lửa đạn đạo Lockheed Martin hôm qua (24/2) cho hay.
Tập đoàn Lockheed Martin cũng cho biết, cuộc thử nghiệm tiến hành ở biển Thái Bình Dương hôm 22/2 bằng một bộ dụng cụ kiểm tra với cấu hình đặc biệt.
Hải quân Mỹ thường xuyên tiến hành các cuộc thử nghiệm phi vũ trang đối với tên lửa D5 thuộc hệ thống tên lửa hạt nhân phóng đi từ tàu ngầm Trident của Mỹ.
SLBM Trident được phát triển bởi tập đoàn Lockheed Martin và đưa vào sử dụng trong Hải quân Mỹ từ năm 1979 thay thế cho tên lửa UGM-73 Poseidon. Theo cách phân loại vũ khí của Mỹ, chữ U đứng đầu được chỉ định cho các loại vũ khí phóng ngầm từ dưới nước, chữ L đứng đầu chỉ định cho các loại tên lửa phóng từ mặt đất, chữ A là vũ khí phóng từ trên không, chữ R chỉ các vũ khí phóng từ tàu mặt nước…
SLBM Trident được phát triển với 2 biến thể, biến thể UGM-96A Trident-I và UGM-113 Trident-II. Trident-I phóng thử nghiệm thành công lần đầu tiên vào ngày 18/1/1977 và được phóng lần cuối vào ngày 18/12/2001 trước khi được thay thế hoàn toàn bằng Trident-II.
SLBM Trident-II có chiều dài 13,41m, đường kính 1,85m, trọng lượng phóng 58,5 tấn. Đây là tên lửa nhiên liệu rắn 3 giai đoạn với tầm bắn thiết kế 11.000km. Tên lửa có khả năng mang theo 8 đầu đạn hạt nhân W88 với đương lượng nổ 475 Kt/đầu đạn hoặc 12 đầu đạn hạt nhân W76 với đương lượng nổ 100 Kt/đầu đạn.
Thân tên lửa được làm bằng nguyên liệu tổng hợp từ sợi carbon gia cố bằng polymer làm cho trọng lượng tên lửa nhẹ hơn nhiều so với người tiền nhiệm. Chính nhờ ưu điểm trọng lượng nhẹ, độ chính xác cao, uy lực tấn công lớn, tính tin cậy tuyệt đối nên Trident-II đã biến biên đội tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio Mỹ trở thành nguy hiểm nhất thế giới.
Theo số liệu mới nhất của quốc hội Mỹ, tính đến hết tháng 3 năm nay, hải quân Mỹ đang đã triển khai trên các tàu ngầm hạt nhân chiến lược tổng cộng 232 quả tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Trident II D5, 176 quả còn lại hiện đang được cất trữ trong kho, không triển khai trên tàu ngầm. Hiện nay, Trident II D5 là một nhân tố cấu thành quan trọng nhất trong kho vũ khí răn đe hạt nhân của hải quân Mỹ.
Tên lửa đạn đạo Trident II D5 thế hệ đầu tiên được triển khai trên các tàu ngầm lớp Ohio của Hải quân Mỹ và tàu ngầm của Hải quân Hoàng gia Vanguard, Vương quốc Anh, vào năm 1990.
Các tên lửa D5 có thể phóng đi gần 6500 km và mang cùng lúc nhiều đầu đạn hạt nhân.
Các hệ thống tên lửa đạn đạo hạt nhân tàu ngầm Trident được triển khai từ những năm 1950, là yếu tố quan trọng trong chiến thuật đánh chặn vũ khí hạt nhân của Mỹ.
Các vụ phóng thử đối với loại tên lửa này đa phần đều được tiến hành ở tây Thái Bình Dương bởi 1 tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo (SSBN) lớp Ohio. Đây là loại tàu ngầm hạt nhân chiến lược tiên tiến nhất, có lượng giãn nước 19.000 tấn, sử dụng lò phản ứng hạt nhân và 2 động cơ Tuabin 30.000Hp.
Tàu ngầm Ohio được trang bị hệ thống vũ khí mạnh nhất thế giới, bao gồm: 24 quả tên lửa đạn đạo Trident D5 hoặc 154 quả tên lửa hành trình BGM-109 Tomahawk.
Ngoài việc đứng đầu trong hàng ngũ những tên lửa đạn đạo đáng tin cậy nhất thế giới, Trident-II-D5 còn được coi là tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) chính xác nhất và có sức mạnh khủng khiếp nhất. Nó đồng thời cũng đứng thứ 6 trong số 10 dự án quân sự tốn kém nhất của Mỹ năm 2012 (tính theo tổng chi phí đầu tư trong năm), với 54 tỷ USD.
Ý kiến bạn đọc