Mỹ “dựng tóc gáy” vì đe dọa mới của Triều Tiên

07:17, 05/02/2015
|

(VnMedia) - CHDCND Triều Tiên hôm qua (4/2) đã thẳng thừng bác bỏ việc nối lại đối thoại với một nước Mỹ mà họ miêu tả như “kẻ găngxtơ” đồng thời còn thề sẽ đáp trả bất kỳ hành động gây hấn nào của Mỹ bằng một cuộc chiến hạt nhân hoặc chiến tranh mạng.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Tuyên bố đầy thách thức trên được đưa ra từ cơ quan quân sự quyền lực hàng đầu Triều Tiên - Ủy ban Quốc phòng (NDC). Nó được đưa ra sau khi có tin Washington và Bình Nhưỡng đang có bước đi nhằm khôi phục lại các cuộc đàm phán 6 bên về phi hạt nhân hóa bị đình trệ bao lâu nay.
 
Tuyên bố của Triều Tiên cũng được đưa ra trước thềm cuộc tập trận chung hàng năm được tổ chức vào đầu tháng 3 giữa Hàn Quốc và Mỹ. Những cuộc tập trận chung như thế này luôn khiến Triều Tiên nổi giận và thường kéo theo tình trạng gia tăng căng thẳng quân sự cao độ trên bán đảo Triều Tiên.
 
Lời đe dọa của Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên rõ ràng là một phản ứng nhằm vào những phát biểu gần đây của Tổng thống Mỹ Barack Obama về việc chính quyền Triều Tiên “cuối cùng rồi cũng sụp đổ”. Ông chủ Nhà Trắng miêu tả Triều Tiên là “quốc gia bị cô lập nhất trên Trái đất”.
 
Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên đã dùng những lời lẽ rất gay gắt và mạnh mẽ để chỉ trích chính quyền Obama, nói rằng những phát biểu của ông chủ Nhà Trắng chẳng khác nào một lời đe dọa của Mỹ về việc lật đổ chính quyền Bình Nhưỡng.
 
"Bởi vì đế quốc Mỹ giống một kẻ găngxtơ đã công khai tuyên bố sẽ kéo đổ đất nước Triều Tiên... quan đội và nhân dân Triều Tiên tuyên bố với chính quyền Obama rằng Triều Tiên không cần phải ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ nữa”, Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên nhấn mạnh.
 
Chiến tranh hạt nhân hay chiến tranh mạng?
 
Sau tuyên bố bác bỏ khả năng đàm phán, đối thoại, Triều Tiên còn đưa ra một cảnh báo đáng sợ hơn rất nhiều. Theo đó, Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên cho rằng, “đế quốc Mỹ cuối cùng cũng sẽ phải đối mặt với sự diệt vong” và rằng Triều Tiên sẵn sàng đáp trả bất kỳ hành động gây hấn, xâm lược nào của Mỹ bằng một cuộc chiến tranh thông thường, chiến tranh hạt nhân hay chiến tranh mạng.
 
Triều Tiên có thể sử dụng biện pháp đáp trả cứng rắn nhất để phản ứng lại các hành động thù địch của chính quyền Tổng thống Obama, Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên cho biết trong tuyên bố được đăng tải trên hãng thông tấn chính thức KCNA ngày hôm qua.
 
Bình Nhưỡng sẵn sàng “đáp trả Mỹ bằng bất kỳ cuộc chiến tranh nào, trong đó có cả chiến tranh hạt nhân”, Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên nhấn mạnh.
 
Cơ quan quân sự cấp cao hàng đầu của Bình Nhưỡng còn cảnh báo, Washington nên biết rằng, trong bất kỳ cuộc đối đầu nào với Mỹ, Triều Tiên có thể sử dụng các phương tiện vũ khí chính xác hoặc vũ khí hạt nhân, bộ binh, hải quân, lực lượng ngầm dưới nước, không quân và cả phương tiện chiến tranh mạng.
 
Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên do Chủ tịch Kim Jong Un đứng đầu nhấn mạnh, quân đội của họ sẽ sử dụng chiến lược và chiến thuật Juche (tự túc tự cường) cũng như các phương pháp hành động quân sự chưa từng có để đối phó với Mỹ.
 
Từ những ngày cuối cùng của năm 2014, thế giới đã phải chứng kiến bán đảo Triều Tiên nóng bỏng trở lại khi Bình Nhưỡng và Washington đối đầu nhau vì vấn đề nhân quyền và tấn công mạng. Việc Mỹ công khai lên án vấn đề nhân quyền ở Triều Tiên cũng như đổ lỗi cho Triều Tiên gây ra vụ tấn công mạng nhằm vào hãng Sony Pictures đã khiến Bình Nhưỡng nổi đóa thực sự. Triều Tiên không ngần ngại đưa ra lời đe doạ đáng sợ về một cuộc tấn công nhằm thẳng vào đất Mỹ, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc. Trong khi đó, Washington tuyên bố cân nhắc khả năng đưa Triều Tiên trở lại danh sách những nước tài trợ cho khủng bố.
 
Trong thông điệp đầu năm mới 2015 của mình, Chủ tịch Kim Jong Un đã một lần nữa thể hiện sự phản đối mạnh mẽ đối với các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn Quốc.
 
Tháng trước, Bình Nhưỡng đã đưa ra đề nghị về việc nước này sẽ tạm ngừng thử hạt nhân để đổi lấy việc Mỹ và Hàn Quốc hủy bỏ kế hoạch tập trận chung. Tuy nhiên chính phủ Mỹ đã thẳng thừng bác bỏ đề xuất trên.
 
Bình Nhưỡng luôn xem những cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn là những cuộc tập dượt cho một cuộc tấn công nhằm vào Triều Tiên. Trong khi đó, Seoul và Washington khăng khăng khẳng định các cuộc tập trận của họ chỉ mang tính chất phòng vệ.
 
Với sự khác biệt rất xa nhau về quan điểm như trên, Mỹ và Triều Tiên khó có thể ngồi lại đối thoại với nhau dù mới đây một quan chức Mỹ tiết lộ hai bên đang bí mật bàn thảo với nhau về việc nối lại các cuộc đàm phán nhưng chưa đạt được kết quả thực tế nào.
 
Ông Hong Hyun-Ik - một nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Sejong ở thủ đô Seoul, cho biết cả Triều Tiên lẫn Mỹ dường như đều không thực sự chân thành mong muốn nối lại các cuộc đối thoại.
 
Mỹ cần một Triều Tiên “gây rối” để tập hợp sự ủng hộ từ các đồng minh cho chiến lược tối cao là kiểm soát, kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, ông Hong nhận định.
 
Đồng thời, với nền kinh tế đang phát triển tốt hơn, Triều Tiên cảm thấy “chưa cần thiết phải khẩn cấp” nối lại đàm phán.
 
"Trong bối cảnh như vậy, cả Bình Nhưỡng và Washington đều không mong muốn hay thiết tha gì với việc tìm kiếm một bước đột phá”, nhà phân tích Hong nói thêm. Kết quả là bán đảo Triều Tiên tiếp tục duy trì tình trạng kéo dài căng thẳng.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc