(VnMedia) - Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin CNN ngày hôm qua (1/2), Tổng thống Barack Obama đã đưa ra một lời thú nhận sốc chưa từng có về vai trò của Mỹ trong cuộc đảo chính đầy bất ngờ hồi tháng 2 năm ngoái ở Ukraine. Vụ đảo chính này đã lật đổ Tổng thống Yanukovich và dựng lên một chính quyền thân phương Tây.
|
"Ông Putin đã đưa ra quyết định về Crimea, và Ukraine không phải là do một chiến lược to lớn nào cả mà chủ yếu là do ông ấy bị bất ngờ bởi làn sóng biểu tình ở Maidan, và sau đó là vụ chạy trốn khỏi đất nước của Tổng thống Viktor Yanukovych, sau khi chúng tôi đứng ra làm trung gian cho một thỏa thuận chuyển giao quyền lực ở Ukraine”, ông Obama đã thừa nhận như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn.
Trước khi xem xét đến những phát biểu gây sốc trên của ông Obama và cách mà cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát, chúng ta hãy nhớ lại những gì diễn ra vào tháng 11/2013, khi Tổng thống Ukraine lúc đó là ông Yanukovich khiến các nước Châu Âu choáng váng bằng tuyên bố tạm hoãn kế hoạch ký thỏa thuận hợp tác với Liên minh Châu Âu.
Ngay sau đó, hàng ngàn người Ukraine đã đột ngột đổ ra khắp các đường phố ở thủ đô Kiev để tiến hành biểu tình phản đối quyết định của ông Yanukovych. Một phản ứng nhanh tức thì như vậy thực ra không phải là điều gì gây ngạc nhiên. Rốt cuộc, một loạt cơ quan chính phủ của Mỹ - đáng chú ý là USAID, đã hoạt động ở Ukraine từ khi Liên Xô sụp đổ và đã đầu tư hàng tỉ USD cho dự án “dân chủ” mới nhất này.
Đây không phải là thuyết âm mưu. Ngày 13/12/2013, một thứ trưởng Ngoại giao Mỹ đã từng thừa nhận về việc nước này đầu tư hơn 5 tỉ USD để giúp Ukraine đạt được các mục đích của họ.
Khi trả lời phỏng vấn kênh CNN, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề Châu Âu và Á – Âu - bà Victoria Nuland đã lên tiếng thừa nhận, Washington đã chi 5 tỷ USD hỗ trợ “nền dân chủ” của Ukraine. Bà Nuland nêu rõ: "Số tiền đó đã được chi để hỗ trợ nguyện vọng của người dân Ukraine về một chính phủ mạnh mẽ hơn, dân chủ hơn, đại diện cho lợi ích của họ"
Mặc dù nhiều không không muốn tin vào điều đó nhưng các chính phủ thường không chi ra một số tiền lớn như vậy ở một nước ngoài trừ phi họ mong muốn nhận lại được một điều gì đó xứng đáng (trong trường hợp này, có thể là sự trung thành của Kiev).
Đáng chú ý là không chỉ tiền thuế của người dân Mỹ được chi ra để hậu thuẫn cho cuộc đảo chính ở Ukraine. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn khác với hãng tin CNN, tỉ phú George Soros hồi tháng 5 năm ngoái cũng đã thừa nhận: “Tôi thành lập một quỹ ở Ukraine trước khi Ukraine độc lập với Nga. Và quỹ đó đã hoạt động liên tục kể từ đó và đóng một vai trò quan trọng trong các sự kiện đang diễn ra ở Ukraine hiện nay”.
Ngoài ra, trong một bài báo được đăng tải trên tờ Bild của Đức hồi tháng 5 năm ngoái, người ta đã tiết lộ thông tin về việc có nhiều mật vụ Mỹ đang hậu thuẫn cho chính quyền lâm thời ở Kiev trong cái gọi là “cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức” ở miền đông nam Ukraine.
Dẫn lời những nguồn tin an ninh giấu tên của Đức, tờ Bild am Sonntag tiết lộ, các mật vụ của CIA và FBI đang giúp Kiev chấm dứt cuộc bạo loạn ở miền đông nam Ukraine và thiết lập một cấu trúc an ninh hoạt động hiệu quả.
Kể từ sau khi cuộc khủng hoảng Ukraine bùng lên hồi cuối năm 2013, Nga với Mỹ và phương Tây liên tục chỉ trích, đổ lỗi cho nhau về tình hình bất ổn ở quốc gia Đông Âu này. Cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine được châm ngòi từ sự kiện chính phủ của Tổng thống Yanukovych hồi cuối năm 2013 bất ngờ hủy bỏ việc ký kết các thỏa thuận chính trị, thương mại mang tính lịch sử với Liên minh Châu Âu (EU) chỉ vài ngày trước khi sự kiện này chính thức diễn ra. Thay vào đó, Kiev chọn con đường thiết lập quan hệ gắn bó hơn với Moscow.
Lực lượng biểu tình ở Kiev sau đó đã lật đổ Tổng thống Yanukovych và lên cầm quyền. Điều đáng chú ý là chính quyền mới ở Kiev đã quyết liệt theo đuổi chính sách thân phương Tây và bài Nga rõ rệt.
Người ta tin rằng, những diễn biến ở Ukraine trong thời gian vừa qua được xem là “cuộc đấu” giữa Nga với Mỹ và Châu Âu nhằm tranh giành quốc gia Đông Âu. Các khu vực phía tây của đất nước Ukraine muốn có mối quan hệ gắn bó, thân thiết với EU. Trong khi đó, khu vực phía đông Ukraine - chiếm phần lớn sản lượng kinh tế của đất nước, lại thiên về hướng thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga.
Cuộc khủng hoảng ở Ukraine chứng kiến cuộc đối đầu Đông-Tây nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh đến giờ.
Mỹ và phương Tây liên tục đổ lỗi cho cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở Ukraine cũng như tình hình bất ổn ở miền đông Ukraine hiện giờ. Các nước này đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga đồng thời tung ra không ít lời cảnh báo, đe dọa nhằm vào giới lãnh đạo ở Moscow vì vấn đề Ukraine.
Đáp lại, Moscow thẳng thừng bác bỏ mọi lời cáo buộc trên. Nga cũng cáo buộc chính Kiev cùng với Mỹ và phương Tây là các lực lượng phải chịu trách nhiệm về tình hình rối loạn, bất ổn ở miền đông nam Ukraine hiện tại.
Mặc dù Mỹ chối bỏ việc can thiệp vào tình hình Ukraine, nhưng một số thông tin được tiết lộ trong thời gian qua đã khiến Mỹ khó “vô can” trong cuộc khủng hoảng ở quốc gia Đông Âu.
Không ít các chính khách, các nhà phân tích phương Tây đã từng lên tiếng “vạch mặt” Mỹ và phương Tây trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Giới phân tích chỉ ra rằng, những gì đang diễn ở Ukraine xảy ra theo đúng mong muốn của Mỹ và phương Tây.
Về phần mình, Moscow tin rằng, việc Mỹ và phương Tây gây bất ổn ở Ukraine nằm trong chiến lược bao vây, kiềm chế Nga của các cường quốc này.
Kiệt Linh -
(theo RT, RIA)
Ý kiến bạn đọc