Lo con tin bị sát hại, Jordan giục IS thương thuyết

11:02, 02/02/2015
|

(VnMedia) - Gió đang đổi chiều trong vụ trao đổi con tin. Chính quyền Amman hôm qua (1/2) đã thúc giục tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trao đổi phi công Maaz al-Kassasbeh lấy nữ khủng bố Sajida al-Rishawi.
 
IS đang thắng thế trên mặt trận đàm phán?

 
Kể từ khi IS đưa ra đề xuất trao đổi con tin, Jordan lần đầu tiên sốt sắng thúc giục tổ chức này sớm thực hiện ý tưởng trên. Mohammed al-Momeni - người phát ngôn của Chính phủ Jordan hôm qua (1/2) cho biết, nước này đang làm hết sức mình để đảm bảo mạng sống cho phi công Maaz al-Kassasbeh đang bị IS bắt giữ.

  Ảnh minh họa

 Việc IS sát hại con tin Kenji Goto đã khiến Jordan phải xuống nước đề nghị trao đổi con tin


“Jordan đang huy động mọi nguồn lực để kiểm chứng liệu Maaz al-Kassasbeh có còn sống hay không. Nếu anh ấy vẫn đang bị IS giam giữ, chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để đưa Maaz al-Kassasbeh về đoàn tụ với gia đình. Jordan đã sẵn sàng trao đổi con tin”, ông Mohammed al-Momeni tuyên bố.
 
Thực chất Jordan không muốn thương thuyết với IS để phóng thích một kẻ nguy hiểm như Sajida al-Rishawi. Nữ khủng bố này hiện đang bị giam tại Jordan, sau khi tòa tuyên án ả tử hình vì tội đánh bom khủng bố 3 khách sạn tại Amman năm 2005, khiến hơn 60 người thiệt mạng.
 
Tuy nhiên, cuối cùng Jordan đã buộc phải xuống nước sau khi phải chịu rất nhiều sức ép từ truyền thông trong nước, người dân và đặc biệt là gia đình, bạn bè của Maaz al-Kassasbeh. Sự lo lắng về tính mạng của Maaz al-Kassasbeh lên tới đỉnh điểm sau khi tổ chức IS công bố đoạn clip hành hình con tin Nhật Bản Kenji Goto. Nhóm khủng bố này tuyên bố, Chính phủ của Thủ tướng Abe phải chịu trách nhiệm cho các chết của Goto vì không chấp thuận yêu sách phóng thích con Sajida al-Rishawi.
 
Có con tin bị IS giam giữ nhưng Chính phủ Nhật Bản lâm vào thế khó khi họ không có quyền tự quyết trong vụ trao đổi này. Nữ khủng bố Sajida al-Rishawi mà IS yêu cầu trả tự do lại đang bị Jordan giam cầm nên tất cả những gì Nhật Bản có thể làm là đề nghị quốc gia này phối hợp và cân nhắc khả năng trao đổi con tin.
 
Ngay sau khi thời hạn 24 giờ mà IS đưa ra để phóng thích con tin, nhóm khủng bố này đã xử tử Kenji Goto và quy trách nhiệm cho Chính phủ Nhật Bản. Động thái trên đã gián tiếp gây sức ép lên Chính quyền Amman trước khả năng con tin Maaz al-Kassasbeh cũng sẽ chịu chung số phận, buộc nước này phải bước vào cuộc đàm phán với IS, đúng với kế hoạch ban đầu của nhóm này. Nó cũng cho thấy dường như Goto chỉ là một “con tốt” trong bàn cờ trao đổi con tin của IS.
 
Liên quan tới việc con tin Nhật Bản bị sát hại, ông Mohammed al-Momeni khẳng định, Jordan đã làm hết sức mình để đưa Goto làm 1 phần của cuộc đàm phán trao đổi con tin với nữ khủng bố nhưng bất thành. “Nhóm IS liên tục từ chối hợp tác trao trả tự do cho Goto. Jordan và Nhật Bản đã làm hết sức mình nhưng không đạt được kết quả như mong muốn”.
 
Viên phi công Moaz al-Kasasbeh đã bị IS bắt giữ sau khi chiếc F-16 do anh lái gặp sự cố và rơi xuống phía bắc Syria hồi năm ngoái. Anh cũng là thành viên duy nhất của liên quân rơi vào tay phiến quân IS cho tới nay.
 
Jordan cam kết tiếp tục hỗ trợ liên quân
 
Bất chấp sức ép từ dư luận trong nước cũng như lời đe dọa từ IS, Chính quyền Amman tuyên bố sẽ tiếp tục tham gia chiến dịch tiễu trừ IS tại Trung Đông do Mỹ dẫn đầu.

  Ảnh minh họa

  Chịu nhiều sức ép từ dư luận trong nước nhưng Jordan tuyên bố không từ bỏ chiến dịch tiễu trừ IS


Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Ngoại giao Jordan - Minister Nasser Judeh tuyên bố, Jordan nhận thấy việc tham gia chiến dịch loại trừ IS là việc làm đúng đắn và góp phần đem lại sự bình yên cho khu vực Trung Đông và thế giới.
 
Vua Abdullah II trước đó cũng lên tiếng bảo vệ việc làm của Jordan đối với IS, đồng thời tuyên bố những người Hồi giáo ôn hòa cần tham gia chiến dịch này để loại bỏ những kẻ có tư tưởng lệch lạc và ác độc đang xúc phạm tới Hồi giáo.
 
“Đây là cuộc chiến của chúng ta để chống lại những kẻ đang làm xấu mặt đạo Hồi. Lực lượng an ninh và cả tôi không lúc nào ngưng nghỉ nỗ lực giải cứu con tin và tiêu diệt IS”, Vua Abdullah II tuyên bố trong cuộc họp với bô lão các bộ lạc của Jordan.
 
Tuyên bố của Vua Abdullah II được đưa ra sau khi nổ ra một số cuộc biểu tình trong nước, yêu cầu Chính phủ phải rút khỏi cuộc chiến chống IS do lo ngại sự trả đũa của tổ chức khủng bố này.
 
Với Chính quyền Amman, việc tham gia chiến dịch tiêu diệt IS do Mỹ dẫn đầu cũng chính là cách để bảo vệ sự bình yên của đất nước này. Jordan từng là mục tiêu tấn công của tổ chức khủng bố Al-Qaeda. Điển hình nhất là một loạt vụ đánh bom khách sạn năm 2005 khiến 60 người thiệt mạng.
 
Chính vì lẽ đó, Jordan lần đầu tiên gửi hàng loạt máy bay chiến đấu tới Syria tham chiến diệt IS, thay vì chỉ cung cấp thông tin tình báo và hỗ trợ hậu cần như mọi khi.

Trong lúc này, gia đình và bạn bè của Maaz al-Kassasbeh đang yêu cầu Chính phủ Jordan cần cung cấp thông tin nhiều hơn cho họ về tình hình sức khỏe của phi công này, cũng như mọi thông tin liên quan tới việc trao đổi con tin với IS.


Minh Quang - (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc