Iran "diệt" tàu sân bay Mỹ trong chớp mắt

13:37, 27/02/2015
|

(VnMedia) - Hôm qua (26/2), Iran đã khai hỏa một cuộc tập trận hải quân tại một vùng lãnh hải quan trọng, trong đó có một cuộc tấn công nhằm vào một tàu chiến giả của Mỹ. Cuộc tập trận do Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran tiến hành, mang tên Prophet 9.
 
Cuộc tập trận có sự tham gia của hàng chục tàu chiến, tạo thành một vòng vây bao quanh một bản sao của tàu sân bay lớp Nitmiz của Mỹ trước khi dội một đợt tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình phá hủy nó. Các trực thăng của Iran cũng tham gia oanh tạc tàu sân bay dài 202 mét này bằng 2 quả tên lửa hành trình.

Ảnh minh họa
Hình ảnh tên lửa Iran phá tàu sân bay giả định của Mỹ

“Tàu sân bay của Mỹ là kho chứa đạn dược rất lớn, trong đó có nhiều loại tên lửa, rocket, ngư lôi và nhiều thứ khác”, Tư lệnh Hải quân Iran - Đô đốc Ali Fadavi cho biết trên đài truyền hình quốc gia.
 
Trong khi đó, Chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran - Tướng Mohammad Alo Jafari cũng cho biết, tàu sân bay trên được dựng lên từ tháng 4 năm ngoái chỉ để phá hủy trong cuộc tập trận này.
  
“Người Mỹ và toàn thế giới nên hiểu rằng, Hải quân Mỹ là một trong những mục tiêu lớn của chúng ta, và chúng ta chỉ mất có 50 giây để phá hủy mọi tàu chiến của Mỹ”, ông Jafari nhấn mạnh thêm.

Chỉ huy Vệ binh Cộng hòa cũng nói rằng cuộc diễn tập gửi đi “thông điệp về sức mạnh của Iran” tới các “cường quốc bên ngoài” - ngụ ý nhằm tới Mỹ.
 
Bên cạnh đó, tàu chiến của Iran cũng tiến hành một số cuộc diễn tập khác trong cuộc tập trận, như bắn hạ máy bay không người lái, gài mìn dưới đáy biển.. Một số nguồn tin còn cho biết, Tehran đã bắn tên lửa đất đối hải, có tầm bắn hơn 5 km và có thể tránh sự phát hiện của radar trong cuộc tập trận. Ngoài ra, trong cuộc tập trận lớn này, Iran sẽ bắn thử 20 loại tên lửa mới. 

Iran thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận hải quân tại khu vực này, tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Iran tiến hành tập trận phá hủy một bản sao như thật của tàu sân bay Mỹ.

Lãnh đạo tối cáo của Iran - ông Ayatollah Ruhollah Khomeini từng tuyên bố rằng: “Nếu người Mỹ muốn bị chôn vùi dưới đáy biển Vịnh Ba Tư - họ sẽ được toại nguyện”.
 
Tehran đã nhiều lần nói rằng học thuyết quốc phòng của họ được dựa trên sự răn đe và không gây ra mối đe dọa đối với các nước khác. Ông Ali Larijani, chủ tịch Hạ viện Iran cho biết, Iran vẫn đang tiếp tục tăng ngân sách quân sự để thúc đẩy khả năng phòng thủ của mình.
 
“Vì tình hình hiện nay trong khu vực, chúng tôi đã và đang mở rộng đáng kể ngân sách quốc phòng để đảm bảo cho sự ổn định an ninh của khu vực”, ông Larijani cho biết tại một hội nghị diễn ra trước thềm cuộc tập trận.

Iran xem Eo biển Hormuz và Vịnh Ba Tư là sân sau của mình. Tehran luôn muốn củng cố tầm ảnh hưởng của mình ở khu vực này. Tehran đã không ít lần tuyên bố sẽ đóng cửa Eo biểu Hormuz nếu bị tấn công.
 
Vịnh Ba Tư và Eo biển Hormuz có tầm quan trọng chiến lược về kinh tế. Bất cứ một sự thay đổi nào ở đây cũng khiến giá dầu tăng cao và ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế thế giới. Được biết, khoảng 25% lượng dầu mỏ của thế giới đều được trung chuyển qua vùn biển này.  
 
Trước đó, hồi tháng 12 vừa qua, Iran cũng đã tiến hành tập trận kéo dài 6 ngày tại eo Hormuz, với sự tham gia của tàu chiến, tàu ngầm, máy bay không người lái tự huỷ, có khả năng đánh phá mục tiêu trên mặt đất và trên không.

Mỹ không thể nhượng bộ Iran

Phản ứng trước động thái trên của Iran, ngày 26/2, Thượng nghị sĩ Mỹ Mark Kirk tuyên bố rằng Mỹ sẽ không nhượng bộ Iran trong vấn đề hạt nhân sau khi nước này tiến hành cuộc tập trận phá hủy một tàu sân bay và đoàn thủy thủ mặc dù là giả định của Mỹ.

"Iran đã thực hiện một cuộc tập trận quân sự với kịch bản nhằm phá hủy một tàu sân bay của Mỹ. Nếu chính quyền Mỹ tiếp tục nhượng bộ trong cuộc đàm phán hạt nhân với Iran, thì điều này sẽ hết sức nguy hiểm”, ông Kirk nói trong một tuyên bố ngày 25/2.

Chương trình hạt nhân của Tehran từ lâu đã là mối lo ngại của Mỹ và cộng đồng quốc tế. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và một số quốc gia đã áp đặt nhiều đợt cấm vận Iran,và buộc tội nước này phát triển vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Iran cũng nhiều lần bác bỏ những cáo buộc trên và khẳng định rằng, chương trình làm giàu uranium của nước này chỉ nhằm mục đích hòa bình.
 
Iran và nhóm P5 +1, bao gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức, đã tổ chức nhiều vòng đàm phán nhằm đạt được một thỏa thuận về chương trình hạt trong những năm gần đây.  

Từ hôm 20/2, các nhà đàm phán Mỹ và Iran đã gặp song phương ở thành phố Geneva của Thụy Sĩ, trong khi các nhà đàm phán P5+1 cũng gặp nhau tại đây trong ngày 22/2 để thúc đẩy tiến trình đàm phán. Hai bên hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận khung vào tháng tới và thỏa thuận cuối cùng vào tháng Sáu năm nay. Theo dự kiến, các bên tham gia đàm phán sẽ phải đưa ra được các quan điểm chính trị chung cho thỏa thuận cuối cùng vào cuối tháng tới để ký thỏa thuận đầy đủ trong ngày 31/3.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc