“Đánh” Nga, EU tự làm mình tổn thương thế nào?

10:22, 10/02/2015
|

(VnMedia) - Liên minh Châu Âu (EU) đã phải gánh chịu tổn thất lên tới 21 tỉ euro giá trị xuất khẩu vì các biện pháp trừng phạt mà chính họ áp đặt lên Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Ngoại trưởng Tây Ban Nha hôm qua (9/2) đã thừa nhận như vậy khi ông này có cuộc gặp với những người đồng cấp Châu Âu để thảo luận về các đòn trừng pháp thêm nữa nhằm vào Nga.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh hoạ


"Các biện pháp trừng phạt đã khiến tất cả chúng ta đều phải trả giá đắt. Liên minh Châu Âu (EU) đến nay đã phải chịu tổn thất lên tới 21 tỉ euro (23,7 tỉ USD). Ở Tây Ban Nha, chúng tôi đã bị ảnh hưởng nặng nề cả trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch”, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Garcia-Margallo cho hay. Ông Garcia-Margallo là vị quan chức đầu tiên công bố con số tổn thất thực sự như vậy của EU trong “cuộc chiến” trừng phạt nhằm vào Nga.
 
EU đã ngày càng trở nên chia rẽ vì chính sách trừng phạt kinh tế mạnh tay nhằm vào Nga – một chính sách mà họ chính thức áp dụng từ hồi tháng 7 năm ngoái. Nhiều thành viên của EU đang thực sự lo ngại về việc mối quan hệ thương mại của họ với Moscow bị ảnh hưởng.
 
Hoạt động xuất khẩu của khối liên minh gồm 28 thành viên Châu Âu sang Nga năm 2013 đạt 119 tỉ euro, EU cho biết.
 
Ngày hôm qua, Ngoại trưởng các nước EU đã có cuộc họp để bàn thảo về việc tăng cường thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Tuy nhiên, EU đã bất ngờ quyết định trì hoãn việc áp đặt thêm đòn trừng phạt Nga để đợi kết quả cuộc đàm phán hoà bình 4 bên giữa Nga, Pháp, Đức và Ukraine vào ngày mai. Dấu hiệu này đủ thấy EU rất mong tìm được lối thoát cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine để họ có thể tránh việc phải gây tổn thất thêm cho mình bằng “cuộc chiến sứt đầu mẻ trán” với Nga.
 
EU hôm qua tuyên bố, họ sẽ cho Nga và lực lượng ly khai Ukraine thêm thời gian để tạo điều kiện cho kế hoạch hoà bình của Pháp và Đức có thể phát huy hiệu quả.
 
Lãnh đạo của 4 nước Nga, Đức, Pháp và Ukraine sẽ có cuộc đàm phán ở thủ đô Minsk của Belarus vào ngày mai trong một nỗ lực nhằm tìm kiếm một lệnh ngừng bắn mới cho miền đông Ukraine sau khi tình hình bạo lực rộ trở lại trong khu vực này suốt nhiều tuần qua.
 
Để khuyến khích tiến trình hoà bình trong khi vẫn duy trì đòn bẩy, Ngoại trưởng các nước EU đã thông qua việc thực thi lệnh phong toả tài sản và cấm cấp visa đối với 19 cá nhân và 9 tổ chức của Nga và lực lượng ly khai miền đông nhưng tuyên bố các đòn trừng phạt này sẽ chưa có hiệu lực cho đến ngày 16/2.
 
"Nguyên tắc của những biện pháp trừng phạt này vẫn còn nhưng việc thực hiện chúng phụ thuộc vào các kết quả trên thực tế”, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho các phóng viên biết.
 
Những cái tên mới được đưa vào danh sách trừng phạt sẽ có thể được xoá đi nếu mọi việc ở Minsk diễn ra tốt đẹp.
 
Theo Cao uỷ chính sách đối ngoại của EU – bà Federica Mogherini, quyết định trì hoãn việc thực thi các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga và lực lượng ly khai miền đông Ukraine đã được trì hoãn sau các cuộc họp cũng như những cuộc điện đàm giữa bà với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko trong vài ngày mới đây nhất “để hiểu rõ hơn về không gian nào cần thiết để cho phép các cuộc đàm phán diễn ra vào có thể đạt được cơ hội thành công cao nhất".
 
Quyết định của EU được đưa ra sau cuộc tranh cãi kéo dài 2 giờ đồng hồ giữa một bên là những người đòi thực thi ngay các đòn trừng phạt mới trong khi bên kia là những quan chức ủng hộ việc trì hoãn tung thêm các biện pháp trừng phạt, các nhà ngoại giao EU đã tiết lộ như vậy.
 
Những cái tên mới được đưa vào danh sách trừng phạt gồm có 14 quan chức của lực lượng ly khai miền đông Ukraine và 5 quan chức Nga trong khi chỉ có một tổ chức của Nga trong số 9 tổ chức bị trừng phạt lần này. Hiện EU đang giữ bí mật danh sách trên nhưng các nguồn tin ngoại giao tiết lộ, một trong những cái tên đáng chú ý trong danh sách trừng phạt mới nhất đợt này là Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov.
 
Trong cuộc gặp ngày hôm qua, EU chưa thảo luận về việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga nếu cuộc đàm phán vào ngày mai ở Minsk diễn ra tốt đẹp.
 
Một thoả thuận hoà bình là điều mà nhiều nước EU đang vô cùng khao khát. Nếu có được một thoả thuận hoà bình, các nước này rõ ràng đã trút được một gánh nặng bởi họ đang rất muốn tránh việc phải thắt chặt thêm các đòn trừng phạt nhằm vào Nga – nhà cung cấp năng lượng lớn nhất của EU cũng là đối tác thương mại hàng đầu của EU. Việc tiến xa thêm trong chính sách trừng phạt sẽ gây tổn hại đến chính nền kinh tế các nước EU.
 
Putin chỉ trích chính sách trừng phạt nhưng tuyên bố không muốn gây chiến tranh
 
Trước đó, hồi cuối tuần vừa rồi, Tổng thống Vladimir Putin tiếp tục lên tiếng chỉ trích gay gắt những đòn trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Tuy nhiên, ông Putin cũng khẳng định, Moscow không muốn gây chiến tranh với bất kỳ ai.
 
"Ơn Chúa, không có cuộc chiến tranh nào xảy ra. Tuy nhiên, chắc chắn là đang có một nỗ lực nhằm kiềm chế sự phát triển của chúng tôi”, ông Putin đã khẳng định chắc nịch như vậy tại một cuộc họp diễn ra hôm 7/2.
 
Ông chủ điện Kremlin chỉ trích mạnh mẽ và gay gắt những biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine, nói rằng “những đòn trừng phạt đó chắc chắn không thể có tác dụng trong việc chống lại một đất nước như đất nước chúng tôi dù cho chúng có gây ra những tổn thất nhất định và chúng tôi phải thừa nhận điều đó... Chúng tôi cần phải tăng cường chủ quyền của mình, ngay cả trong nền kinh tế”, ông Putin tuyên bố cứng rắn.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc