Bước ngoặt đột phá trong cuộc chiến Ukraine?

07:32, 13/02/2015
|

(VnMedia) - Cuộc chiến Ukraine được cho là sẽ bước sang bước ngoặt mang tính đột phá khi các cường quốc Châu Âu cùng Kiev đạt được một thỏa thuận nhằm chấm dứt sự thù địch ở Ukraine bắt đầu từ ngày 15/2. Thỏa thuận này đạt được sau những cuộc đàm phán tích cực giữa lãnh đạo 4 nước Nga, Pháp, Đức và Ukraine và nó đã được ký kết bởi lực lượng ly khai miền đông.
 

Ảnh minh họa

Bộ Tứ Normanydy đã đạt được một thỏa thuận mang đến hy vọng cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine


“Tôi tin rằng chúng ta đã đạt được một thỏa thuận lớn. Chúng ta đã nhất trí được về một lệnh ngừng bắn bắt đầu từ 00h00 ngày 15/2”, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cho báo chí biết như vậy sau khi cuộc đàm phán ở thủ đô Minsk của Belarus kết thúc.
 
"Nội dung chính mà chúng ta đạt được là từ ngày thứ Bảy (14/2) sang ngày Chủ nhật (15/2) một lệnh ngừng bắn toàn diện sẽ được tuyên bố mà không có bất kỳ điều kiện nào được đưa ra", Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho các phóng viên biết trong một tuyên bố riêng rẽ.
 
Các bên đã nhượng bộ và đi đến thỏa thuận về đường phân chia ranh giới. Đây là chướng ngại vật lớn nhất trong tiến trình đàm phán hòa bình 4 bên về Ukraine. Theo thỏa thuận đạt được, binh lính Kiev sẽ phải rút vũ khí hạng nặng ra khỏi chiến trường hiện nay. Lực lượng lyk hai sẽ phải rút khỏi đường ranh giới đã được vạch ra từ thỏa thuận ngừng bắn hồi tháng 9 năm ngoái.
 
Vùng an ninh chia giữa hai bên đối địch nhau phải rộng ít nhất 50km đối với những khẩu pháo có cỡ nòng hơn 100mm, 70km cho các bệ phóng rocket thông thường và 100km cho những vũ khí hạng nặng hơn có tầm bắn xa hơn như tên lửa đạn đạo Tochka-U.
 
Thỏa thuận mới cũng đòi hỏi, các bên phải rút vũ khí từ ngày Chủ nhật (15/2) và việc này phải được hoàn thành trong vòng không quá 14 ngày. Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) sẽ chịu trách nhiệm thực hiện lệnh ngừng bắn trên thực tế và sẽ sử dụng phi đội máy bay không người lái để giám sát sự tuân thủ lệnh ngừng bắn của các bên.
 
Thỏa thuận đạt được ngày hôm qua cũng yêu cầu rút toàn bộ “binh lính, vũ khí và lính đánh thuê nước ngoài” ra khỏi Ukraine dưới sự giám sát của OSCE. “Những nhóm vũ trang bất hợp pháp” sẽ được giải giáp nhưng giới chức địa phương trong tương lai sẽ được phép có những đơn vị dân quân hợp pháp.
 
Ngoài ra, việc trao đổi toàn bộ tù nhân sẽ được hoàn tất trong vòng 19 ngày. Kiev sẽ tuyên bố lệnh ân xá cho lực lượng ly khai miền đông.
 
Cũng theo thỏa thuận mới nhất, quyền kiểm soát của chính phủ Kiev đối với khu vực biên giới giữa Donetsk và Luhansk sẽ được khôi phục hoàn toàn một ngày sau các cuộc bầu cử thành phố. Những cuộc bầu cử này sẽ được tổ chức ở hai khu vực miền đông như  một phần của một cải cách hiến pháp toàn diện.
 
Các nước tham gia cuộc đàm phán 4 bên ở thủ đô Minsk cũng nhất trí với nhau về việc cần có một cuộc cải cách chính trị ở Ukraine để đảm bảo có sự phân quyền và một quy chế đặc biệt cho các khu vực của lực lượng ly khai. Điều này đòi hỏi Ukraine phải thông qua một dự luật đặt ra những ưu tiên, đặc quyền cố định cho hai khu vực Luhansk và Donetsk hiện đã tự xưng là hai nước cộng hòa nhân dân. Tiến trình đó phải được thực hiện trước cuối năm nay.
 
Dự luật nói trên còn phải bao gồm quyền tự quyết về ngôn ngữ, mối quan hệ xuyên biên giới với Nga cũng như việc chính quyền địa phương có quyền bổ nhiệm các công tố viên, thẩm phán của khu vực.
 
Các vấn đề về kinh tế, nhân đạo cũng đã được đề cập đến trong thỏa thuận. Kiev sẽ khôi phục lại các mối quan hệ kinh tế cũng như các hoạt động chi trả xã hội mà họ đã cắt đứt ở những vùng nằm trong quyền kiểm soát của lực lượng ly khai trước đây. Một cơ chế giám sát quốc tế có thể được thiết lập đối với những hoạt động chi trả này.
 
Trong giai đoạn chuyển tiếp, một cơ chế viện trợ nhân đạo cho những vùng bị ảnh hưởng bởi chiến tranh sẽ được thiết lập và cơ chế này chịu sự giám sát bởi quốc tế.
 
Cần những cuộc đối thoại trực tiếp
 
Tổng thống Nga Putin cho rằng việc Kiev không chịu ngồi lại đối thoại trực tiếp với đại diện của hai nước cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Luhansk là một trong những lý do khiến cho các bên mất nhiều thời gian để đạt được một thỏa thuận.
 
“Họ có thể không được công nhận nhưng chúng ta phải đối diện với cuộc sống thực ở đây và nếu tất cả mọi người muốn tìm được tiếng nói chung và muốn duy trì mối quan hệ bền vững thì các cuộc tiếp xúc trực tiếp là cần thiết”, ông Putin nhấn mạnh.
 
Nhà lãnh đạo Nga cũng nói thêm rằng, “Bộ Tứ Normandy” mong các bên liên quan đến cuộc xung đột hãy thể hiện sự kiềm chế thậm chí ngay cả trong những ngày trước khi lệnh ngừng bắn chính thức có hiệu lực.
 
Thỏa thuận mới nhất vừa đạt được ở thủ đô Minsk của Belarus đang đem lại hy vọng về sự tháo ngòi căng thẳng trong cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông Ukraine mặc dù thỏa thuận này đòi hỏi nỗ lực lớn nhằm xây dựng mối quan hệ tin tưởng giữa các bên liên quan. Thỏa thuận ngừng bắn trước đã đổ vỡ vì cả chính quyền Kiev lẫn lực lượng ly khai đều không tuân thủ nghiêm túc thỏa thuận. Vì vậy, người ta vẫn quan ngại về khả năng bạo lực tiếp tục bùng phát ở Ukraine nếu các bên đối địch không tin tưởng nhau.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc