Bị NATO "thọc sườn", Nga "nhảy dựng"

16:22, 06/02/2015
|

(VnMedia) - Các bộ trưởng quốc phòng NATO hôm qua (5/2) đã nhất trí thiết lập một mạng lưới trung tâm chỉ huy ở Đông Âu và tăng gấp đôi quy mô lực lượng phản ứng nhanh để bảo vệ khu vực này trước mọi mối đe dọa từ Nga.  
 
Tổng Thư ký NATO - ông Jens Stoltenberg trả lời các phóng viên trước cuộc họp: “Bạo lực đang diễn biến tồi tệ ở Ukraine và khủng hoảng cũng ngày càng trầm trọng thêm. Còn Nga vẫn tiếp tục coi thường các điều luật quốc tế, hỗ trợ cho lực lượng ly khai”.

Ảnh minh họa

 


Bởi vậy, ông Stoltenberg cho biết, NATO đã quyết định sẽ tăng lực lượng phản ứng nhanh lên đến hơn 30.000 quân, hơn gấp đôi so với số lượng hiện có là 13.000. Hầu hết các binh sĩ nói trên sẽ được phân bổ tại vị trí sát nách biên giới nước Nga.
 
Bên cạnh đó, NATO cũng sẽ thành lập 6 căn cứ quân sự tại Đông Âu và lực lượng phản ứng cực nhanh gồm 5.000 binh sỹ đối phó nguy cơ khủng hoảng.  Lực lượng này luôn sẵn sàng để triển khai chỉ trong vòng 48 giờ khi tình huống cấp bách xảy ra. Sau đó, 25.000 quân lính dự bị còn lại sẽ được bổ sung trong tuần này.
 
Theo ông Stoltenberg, Anh, Pháp, Đức, Italy, Ba Lan và Tây Ban Nha sẽ luân phiên chỉ huy lực lượng đầu não này. Cụ thể, NATO sẽ thiết lập một sở chi huy khu vực đông bắc mới ở Ba Lan và một sở chỉ huy nhỏ đông nam ở Romania.
 
Bên cạnh đó, 6 trung tâm chỉ huy do các sỹ quan NATO và nước sở tại điều hành sẽ được thiết lập ở Ba Lan, Romania, Bulgary và 3 quốc gia Baltic để tổ chức các cuộc tập trận củng cố lực lượng cho các quốc gia này khi cấp bách.

“Đó là những gì chúng tôi đã làm ngày hôm nay. Chúng tôi đã chuyển các yếu tố quan trọng của kế hoạch đó thành hiện thực”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói và cho biết thêm đây là đợt 'củng cố khả năng phòng thủ tập thể lớn nhất' của khối kể từ Chiến tranh Lạnh cách đây 25 năm.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenber nhấn mạnh: “Đây chính là hành động đáp trả cho những gì mà Nga đã làm trong một thời gian dài, và điều này cũng chính là nghĩa vụ quốc tế mà chúng tôi phải thực thi”
 
Trong khi đó, Tư lệnh hàng đầu của NATO - Tướng Không quân Mỹ Philip Breedlove cũng khẳng định rằng, Mỹ sẽ hỗ trợ trong khả năng có thể, bao gồm tình báo, giám sát, hậu cần và vận chuyển bằng đường hàng không.
 
Về phần mình, mới đây, nước Anh cũng đã công bố kế hoạch triển khai 1000 binh sĩ và 4 phi cơ chiến đấu đa năng Typhoon tham gia vào Lực lượng phản ứng nhanh tại Đông Âu.
 
Trước đó, hồi tháng 9/2014, các nước Ukraine, Ba Lan và Litva đã thống nhất thành lập một lực lượng quân đội chung (LitPolUkrBrig) cùng tham gia huấn luyện năm 2015. Quốc hội Ukraine cũng đã phê chuẩn kế hoạch này ngày 4/2.
 
Lữ đoàn khoảng 4.500 quân nhân trên dự kiến sẽ trở thành lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc và Liên minh châu Âu (EU) hoặc một nhóm chiến đấu của NATO ở khu vực biên giới giáp Nga.
 
Trong một diễn biến liên quan khác, Đại sứ Ukaine tại NATO Igor Dolgov cho biết, trong bối cảnh cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine đang tiến triển phức tạp, Kiev đã buộc phải cầu cứu sự viện trợ quân sự bổ sung từ Mỹ và các nước thành viên NATO. Tuy nhiên, NATO đã không thể đáp ứng thỉnh cầu này vì họ là tổ chức chính trị quân sự.
 
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko trả lời phỏng vấn với tờ báo Die Welt của Đức rằng: “Chúng tôi đang rất cần nguồn cung cấp vũ khí tiên tiến từ các quốc gia đồng minh, nhất là từ Mỹ và các nước NATO”.
 
Ông nhấn mạnh: 'Ukraine muốn hòa bình thì Kiev cần đội quân mạnh mẽ với các vũ khí hiện đại, để quét sạch khủng bố khỏi miền Đông đồng thời bảo về đất nước'. Kiev thường dùng từ khủng bố để nói đến lực lượng ly khai miền đông Ukraine.
 
Sau đó 1 ngày, hôm nay (6/2), Đặc phái viên Nga tại NATO – ông Alexander Grushko vừa đưa ra nhận định, nói rằng, mối quan hệ giữa Nga và NATO “gần như đã đóng băng”. 
 
“Chúng tôi quan ngại về việc NATO đang thực hiện quyết định được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh Wells (diễn ra từ 4-5/9/2014) nhằm bảo vệ sườn phía đông của khối liên minh này khỏi các mối đe dọa từ phía đông. Tại hội nghị ngày 5/2, các quyết định của NATO đã khẳng định xu hướng đó, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh của châu Âu, dưới hình thức hoạch định quân sự và triển khai bằng súng đạn”, ông nhấn mạnh.
 
Bện cạnh đó, ông Grushko cũng thêm rằng, NATO đang có những thay đổi lớn về quân sự và chính trị, mà trước hết là dọc các đường biên giới của Nga. Điều này sẽ đòi hỏi Nga phải thực hiện những điều chỉnh trong công tác hoạch định sách lược quân sự để bảo vệ hiệu quả những lợi ích an ninh chính đáng của mình.

Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng diễn ra ở Ukraine hiện nay đang chứng kiến cuộc đối đầu đầy căng thẳng giữa Nga và NATO. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Nga kiên quyết bác bỏ điều này. Tuy nhiên, kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát, NATO đã gia tăng sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia. Động thái của NATO khiến Nga không thể ngồi yên, và cũng thường xuyên có các hành động đáp trả, như tăng cường các chuyến bay tuần tra trên bầu trời châu Âu, tăng cường các cuộc tập trận sát vách NATO.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc