(VnMedia) - Gần đến thời hạn chót phải trả 200 triệu USD để chuộc 2 con tin người Nhật Bản, thế nhưng Tokyo vẫn chưa thể bắt được liên lạc với tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Điều đó khiến nhiều người lo ngại về sự an toàn của 2 con tin này.
Sự im lặng chết chóc
Gần 2 ngày trôi qua kể từ khi tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đăng tải đoạn clip bắt giữ và dọa hành hình 2 con tin người Nhật Bản nếu quốc gia này không trả cho chúng 200 triệu USD tiền chuộc, người ta vẫn chưa nhận được thêm bất cứ thông tin gì từ IS.
![]() |
Ông Yoshihide Suga khẳng định Nhật Bản đang chạy đua với thời gian để giải cứu 2 con tin bị IS bắt giữ |
Các quan chức Nhật Bản cho biết, họ đã nỗ lực tìm cách liên lạc với nhóm khủng bố này nhưng bất thành, trong khi thời gian ấn định 72 giờ của nhóm khủng bố không còn nhiều. Đến hôm nay (22/1), đích thân Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản - Yoshihide Suga xác nhận thông tin trên, đồng thời khẳng định họ không hề biết 2 con tin Kenji Goto và Haruna Yukawa còn sống hay không.
“Chúng tôi đang nỗ lực, chạy đua với thời gian để giải cứu họ càng sớm càng tốt”, ông Suga cho biết. Theo thời gian bọn khủng bố đề ra, dự kiến Tokyo chậm nhất phải trả 200 triệu USD cho chúng là vào lúc 12.50 trưa ngày mai (23/1, giờ Nhật Bản).
Thế nhưng khó khăn lớn nhất chính là việc Tokyo không có cách gì để liên lạc với nhóm khủng bố để thương thuyết hay thống nhất cách trả tiền chuộc. Tới lúc này, nhóm IS tuyệt nhiên không xuất đầu lộ diện qua các phương tiện truyền thông. Sự im lặng này khiến không ít người lo ngại cho sự an toàn của 2 con tin.
Trong lúc này, Chính quyền Thủ tướng Abe đang tìm cách nhờ Jordan đứng ra đóng vai trò là “người thương thuyết” với nhóm IS. Đáp lại quốc gia này khẳng định sẽ nỗ lực hết sức với công việc này nhưng tới nay họ cũng chưa thể kết nối với IS.
Bản thân Jordan, một trong những đồng minh A rập của Mỹ tham gia chiến dịch không kích nhóm IS, cũng đang đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn tương tự - giải cứu 1 công dân của mình bị IS bắt giữ. Hồi tháng trước một máy bay của Jordan gặp nạn rơi xuống Syria. Viên phi công đã bị IS khống chế và bắt giữ.
Về phía Nhật Bản, một mặt quốc gia này tìm kiếm sự giúp đỡ từ phía thứ 3, một mặt tái khẳng định sẽ không cử quân đội tham chiến chiến dịch tiễu trừ nhóm IS tại Trung Đông do Mỹ phát động. Động thái này nhằm trấn an IS nhưng cũng thầm nắn gân đối thủ nếu sát hại con tin sẽ khiến Nhật Bản tham gia vào chiến dịch này.
Liên quan tới việc Nhật Bản cam kết hỗ trợ khoản tiền lên tới 200 triệu USD dành cho những nước bị ảnh hưởng bởi những hoạt động của IS, Bộ trưởng Suga cũng cho biết, Nhật Bản đơn thuần chỉ hỗ trợ nhân đạo như giúp đỡ người tị nạn chứ không phải hậu thuẫn về quân sự.
Có thể thương thuyết tiền chuộc với IS?
Sau khi IS tung đoạn clip đe dọa giết hại con tin Nhật Bản để đòi tiền chuộc, một nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản cho hay trước đó vợ của Goto - một trong hai con tin - đã nhận được 1 bức thư đòi tiền chuộc từ IS.
![]() |
IS đòi Nhật Bản trả 200 triệu USD để đổi lấy mạng sống của 2 con tin |
Đáng chú ý là trong bức thư điện tử này, nhóm IS chỉ đòi tiền chuộc từ 8 tới 16 triệu USD, số tiền thấp hơn hàng chục lần so với yêu sách mới đây nhất của chúng.
Chính quyền Tokyo đang xác minh lại nguồn tin này. Nếu đúng bức thư trên xuất phát từ IS rất có thể Tokyo sẽ thương thuyết được để giảm số tiền chuộc lên tới 200 triệu USD.
Tuy nhiên, một câu hỏi khác lại được đặt ra. Liệu Nhật Bản có sẵn sàng trả tiền chuộc dù “chỉ” vài chục triệu USD. Sự lo ngại này xuất phát từ bài phát biểu cứng rắn của Thủ tướng Abe hôm qua (21/1).
Ông Abe đã phải cắt ngắt chuyến công du nước ngoài để trở về nước. Phát biểu trước báo giới, ông Abe tuyên bố lời đe dọa của IS là không thể chấp nhận được, đồng thời khẳng định cộng đồng thế giới sẽ không lui bước trước khủng bố.
Ngay dư luận trong nước cũng không ít người đồng tình với quan điểm cứng rắn của Thủ tướng Abe. Họ cho rằng nếu chấp thuận trả tiền chuộc sẽ khiến nhóm IS càng thực hiện nhiều hơn các vụ bắt cóc để uy hiếp Chính phủ các nước.
Ý kiến bạn đọc