Vì Ukraine, Đức quyết ép Nga đến cùng?

14:23, 12/01/2015
|

(VnMedia) - Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 10/1 đã thẳng thắn cảnh báo Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko rằng, bà này sẽ không tham gia vào hội nghị thượng đỉnh 4 bên về tình hình Ukraine sắp tới nếu không nhìn thấy cơ hội về những tiến triển thực sự có thể đạt được trong cuộc họp này. Trước đó, bà Merkel cũng tuyên bố thẳng thừng rằng các biện pháp trừng phạt Nga chỉ được dỡ bỏ khi nguyên nhân của việc áp dụng chúng được xoá bỏ hoàn toàn.
 

Ảnh minh họa

Nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Ukraine (bên phải)


Lãnh đạo của 4 nước Đức, Nga, Ukraine và Pháp đang lên kế hoạch tiến hành hội nghị thượng đỉnh về tình hình khủng hoảng Ukraine ở Astana, Kazakhstan vào ngày 15/1 tới. Nhưng văn phòng của nữ Thủ tướng quyền lực của nước Đức vào tối muộn ngày 10/1 đã ra tuyên bố nói rằng, không rõ liệu cuộc họp dự kiến trên có diễn ra hay không.
 
Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Poroshenko, bà Merkel đã nhấn mạnh, để cuộc họp sắp tới thành công, cần phải có những tiến triển đạt được trong việc thực thi thoả thuận hoà bình mà các bên đã đạt được ở thủ đô Minsk của Belarus hồi tháng 9 năm ngoái. Nữ Thủ tướng Đức khăng khăng khẳng định, tất cả mọi điểm trong thoả thuận đó cần phải được thực hiện nghiêm túc.
 
Phát ngôn viên chính phủ Đức Steffen Seibert tiết lộ, bà Merkel còn nói riêng với Tổng thống Putin rằng Nga cần phải gây sức ép hơn nữa đối với lực lượng ly khai miền đông Ukraine để họ tôn trọng các điều khoản trong thoả thuận ngừng bắn.
 
Trước đó, Tổng thống Pháp Hollande cũng liên tục tuyên bố, ông này sẽ chỉ đến Astana với điều kiện cuộc họp sắp tới có cơ hội đạt được những tiến bộ. Một quan chức hàng đầu của văn phòng Tổng thống Pháp hôm qua (11/1) đã nói rằng, hội nghị thượng đỉnh Astana hiện vẫn còn là một dấu hỏi chưa có lời đáp.
 
Dự kiến, Ngoại trưởng của 4 nước Đức, Nga, Pháp và Ukraine sẽ có cuộc gặp gỡ ở thủ đô Berline trong ngày hôm nay (12/1) để bàn thảo về tình hình Ukraine.
 
Không chỉ ép Nga phải đạt được tiến triển trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine trước khi ngồi vào bàn đàm phán Thủ tướng Merkel hồi tuần trước còn lên tiếng đe doạ rằng, các biện pháp trừng phạt Nga chỉ được xoá bỏ khi nguyên nhân dẫn đến các biện pháp trừng phạt đó được xoá bỏ. Có vẻ như Đức đang quyết liệt ép “bạn thân” đến cùng để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
 
“Có những lý do nhất định dẫn đến việc tại sao các biện pháp trừng phạt phải được áp đặt lên Nga. Chúng chỉ được dỡ bỏ khi các nguyên nhân dẫn đến việc áp đặt chúng bị xoá bỏ”, bà Merkel tuyên bố tại một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Ukraine Arseny Yatsenyuk hôm 8/1.
 
Kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát, Đức từ chỗ là người bạn thân thiết hàng đầu của Nga ở Châu Âu đã quay sang quyết liệt gây sức ép, đòi Moscow phải giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Điện Kremlin nhiều lần khẳng định, họ không hề can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine như những cáo buộc mà Kiev và phương Tây đưa ra. Nga tích cực tham gia vào các cuộc đàm phán hoà bình để giải quyết, tháo gỡ cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Tuy nhiên, điều đó vẫn không làm phương Tây hài lòng. Phương Tây cho rằng Nga có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến lực lượng ly khai miền đông Ukraine và muốn Nga gây sức ép hết mức để lực lượng này phải tuân theo những gì phương Tây muốn.
 
Khủng hoảng Ukraine – xung đột đẫm máu nhất Châu Âu
 
Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang trở thành một trong những cuộc xung đột đẫm máu nhất ở Châu Âu trong nhiều thập kỷ qua khi có đến hơn 4.700 người thiệt mạng kể từ khi giao tranh bắt đầu bùng phát từ hồi tháng 4 năm ngoái.
 
Theo con số của Liên Hợp Quốc, cuộc xung đột ở miền đông Ukraine cũng đã khiến hơn 1,2 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, chạy đi sống tị nạn khắp nơi. Nga trở thành điểm đến chính của những người tị nạn sau khi họ phải tháo chạy ra khỏi các khu vực như Donetsk và Luhansk để trốn tránh mưa bom, đạn lửa.
 
Ngoài ra, 1,4 triệu người ở vùng xung đột cũng đang sống trong tình trạng rất dễ bị tổn thương và cần vô cùng sự giúp đỡ. Liên Hợp Quốc cho biết, ngoài những khó khăn về tài chính, người dân ở những vùng xung đột còn không có đủ những mặt hàng thiết yếu nhất cho cuộc sống của mình như lương thực, thuốc men và họ đang phải sống chật vật, khổ sở “trong điều kiệt giá rét khắc nghiệt” của mùa đông.
 
Nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về tình hình Ukraine, nói rằng miền đông Ukraine đang trên bờ vực của một thảm hoạ nhân đạo. Trong khi đó, các cuộc giao tranh, đụng độ vẫn không ngừng diễn ra.
 
Hai phe đối địch ở Ukraine đã đồng ý với một thoả thuận ngừng bắn hôm 5/9/2014 nhưng cả hai bên liên tiếp vi phạm lệnh ngừng bắn. 12 điểm trong thoả thuận ngừng bắn được ký kết giữa Kiev và lực lượng ly khai miền đông chưa bao giờ được thực hiện đầy đủ và các cuộc giao tranh đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.300 người kể từ khi lệnh ngừng bắn được thực hiện.
 
Các nỗ lực quốc tế đang được tái khẳng định nhằm tìm kiếm một lệnh ngừng bắn lâu dài, bền vững ở Ukraine. Tuy nhiên, giới quan chức và giới phân tích tỏ ra rất thận trọng về triển vọng thành công của các cuộc đàm phán sắp tới.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc