Trung Quốc “mất ăn mất ngủ” vì láng giềng Nhật Bản

15:59, 14/01/2015
|

(VnMedia) - Trung Quốc chắc chắn sẽ cảm thấy bất an, “mất ăn mất ngủ” khi biết tin Nhật Bản vừa thông qua khoản ngân sách quốc phòng lớn nhất từ trước đến nay cho năm tài chính tới. Giới phân tích tin rằng, đây là hành động quyết liệt tiếp theo của Tokyo nhằm đối phó với Bắc Kinh.

 

Ảnh minh họa

Ảnh minh hoạ


Nhật Bản hôm nay (14/1) đã chính thức thông qua khoản ngân sách quốc phòng lớn nhất từ trước đến nay cho năm tài chính tới, trong đó có các khoản dành cho việc mua máy bay do thám, máy bay không người lái và chiến đấu cơ tối tân F-35 để giúp Tokyo đối phó với Trung Quốc khi nước này đang ngày càng tỏ ra hung hăng, quyết liệt trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải trong khu vực.

 

Theo ngân sách vừa được phê chuẩn, trong năm tài chính kéo dài đến tháng 3 năm 2016, Tokyo sẽ dành tới 4,98 nghìn tỉ Yên (41,97 tỉ USD) cho quốc phòng. Đây là năm thứ ba liên tiếp Nhật Bản tăng chi tiêu cho quốc phòng. Và “cũng là mức ngân sách lớn nhất từ trước đến nay”, một quan chức quốc phòng Nhật Bản cho hay đồng thời nói thêm rằng mức chi tiêu quân sự lớn nhất trước đây của Nhật Bản là vào năm 2002 với 4,96 nghìn tỉ Yên.

 

Động thái trên được tung ra trong bối cảnh Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang hướng tới mục tiêu tăng cường hoạt động giám sát ở vùng lãnh hải – nơi Tokyo đang có cuộc tranh chấp nóng bỏng với Bắc Kinh.

 

Xu hướng tăng chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản phản ánh mong muốn, nguyện vọng của Thủ tướng Abe trong việc xây dựng một quân đội chủ động hơn, tích cực hơn. Đây là mục tiêu mà giới phân tích tin là hành động nhằm phản ứng trước việc Trung Quốc đang gây căng thẳng trong cuộc tranh chấp ở biển Hoa Đông với Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

 

Nhật Bản đang ngày càng lo ngại về nước láng giềng Trung Quốc. Gần đây, Bắc Kinh đang gây lo ngại cho nhiều nước láng giềng xung quanh vì thái độ, lập trường quyết liệt và hung hăng trong các cuộc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

 

Kể từ khi lên cầm quyền, đúng thời điểm các cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước láng giềng ở Biển Đông và biển Hoa Đông đang căng lên, Thủ tướng Shinzo Abe đã thể hiện một lập trường rất cứng rắn đối với Trung Quốc. Ông Abe đã nỗ lực tìm cách củng cố sức mạnh của quân đội Nhật Bản. Một trong những bước đi khiến Trung Quốc “nhảy dựng” lên vì tức giận là việc Thủ tướng Abe thể hiện mong muốn thay đổi hiến pháp hoà bình theo hướng nới lỏng những hạn chế đối với lực lượng vũ trang Nhật Bản. Cụ thể, quân đội Nhật Bản sẽ được phép đến trợ giúp cho đồng minh của mình trong trường hợp có một cuộc tấn công xảy ra.

 

Trong số những vũ khí có tên trong danh sách mua sắm trong năm tài chính sắp tới của quân đội Nhật Bản có 20 chiếc máy bay tuần tra hàng hải "P-1" với tổng trị giá lên tới 350 tỉ Yên. Nhật Bản cũng sẽ mua 5 chiếc V-22 "Osprey" và 6 chiếc máy bay chiến đấu tàng hình tối tân F-35A.

 

Bộ Quốc phòng Nhật Bản còn đang tính đến việc mua một phi đội máy bay không người lái "Global Hawk" trong 5 năm tới và một phần của hợp đồng này sẽ lấy từ ngân sách của năm tài chính tới. Ngoài ra, Nhật Bản cũng mua 30 phương tiện lội nước và 1 máy bay cảnh báo sớm E-2D.

 

Ngân sách quốc phòng mới cũng sẽ được dành cho việc đóng một tàu khu trục Aegis và cấp chi phí cho hoạt động triển khai các đơn vị do thám, giám sát quanh các đảo và quần đảo.

 

Nhật tăng ngân sách quốc phòng vì Trung Quốc?

 

Nội các của Thủ tướng Abe từ hồi cuối năm 2013 đã quyết định để riêng một khoản ngân sách lên tới 24,7 nghìn tỉ Yên từ năm 2014 đến 2019 cho việc mua sắm một loạt vũ khí gồm máy bay không người lái, tàu ngầm, chiến đấu cơ và các phương tiện lội nước.

 

Nhật Bản và Trung Quốc đang có cuộc tranh chấp quyết liệt chưa từng có ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Trung Quốc được cho là đang tìm mọi cách thay đổi thế nguyên trang ở quần đảo tranh chấp – nơi đang thuộc quyền quản lý hành chính của Tokyo . Trong thời gian gần đây, Bắc Kinh liên tiếp đưa tàu thuyền và máy bay vào vùng tranh chấp dể thử thách phản ứng của phía Nhật Bản.

 

Các tàu hải quân và máy bay quân sự Trung Quốc đang ngày càng tăng cường hiện diện quân sự ở vùng tranh chấp với Nhật Bản và đây được xem là lý do chính khiến Tokyo ra sức tăng cường sức mạnh cho lực lượng của mình. Ngoài ra, Tokyo còn đề phòng một Triều Tiên khó dự đoán khi nước này liên tiếp bắn thử tên lửa về phía biển Nhật Bản cũng như tiến hành các vụ thử hạt nhân.

 

Thủ tướng Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 11 năm ngoái đã lần đầu tiên có cuộc gặp mặt trực tiếp kể từ khi hai ông lên cầm quyền. Cuộc gặp này được cho là nhằm để tháo ngòi căng thẳng sau khi mối quan hệ Trung-Nhật “lao dốc không phanh” suốt một thời gian dài vì cuộc tranh chấp ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

 

Mặc dù vậy, quan hệ Trung-Nhật vẫn chưa thể xoá bỏ được sự căng thẳng và sự đề phòng lẫn nhau. Thủ tướng Abe tiếp tục theo đuổi chính sách của mình, tiếp tục tăng cường sức mạnh quốc phòng cho Nhật Bản và tiếp tục củng cố các mối quan hệ đồng minh, liên minh với các nước khác, đặc biệt là những nước ở khu vực Đông Nam Á trong một nỗ lực nhằm đối phó với một Trung Quốc ngày càng quyết liệt.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc