(VnMedia) - Các nhà ngoại giao Moscow và Kiev hôm qua (21/1) đã nhất trí được với nhau về một đường ranh giới mà ở đó hai phe đối địch nhau trong cuộc xung đột ở miền đông Ukraine sẽ rút vũ khí hạng nặng. Đây là một bước ngoặt bất ngờ trong cuộc chiến ở Ukraine bởi trước đó chỉ vài ngày, Kiev đã thẳng thừng từ chối kế hoạch rút vũ khí hạng nặng mà Moscow đề xuất.
Diễn biến mới nhất trên diễn ra trong bối cảnh quân Kiev đang bị lực lượng ly khai đánh cho thua tơi tả và nó cũng diễn ra chỉ vài giờ sau khi lực lượng ly khai triển khai thêm nhiều vũ khí và nhân lực đến một điểm nóng ở miền đông Ukraine.
|
Ảnh minh họa |
Ngoại trưởng Đức - người chủ trì hội nghị 4 bên gồm Nga, Pháp, Đức và Ukraine, cho biết, tất cả các bên đều nhất trí với đường ranh giới được xác định trong thoả thuận Minsk hồi năm ngoái. Đây sẽ là cơ sở để các bên rút vũ khí. Theo kế hoạch, Ukraine và lực lượng ly khai sẽ rút vũ khí hạng nặng ra khỏi khu vực đường ranh giới 15km về phía mình. Tuy nhiên, chưa có thoả thuận nào đạt được về việc rút quân.
"Ngày hôm nay, chúng tôi cuối cùng đã nhất trí được với nhau về việc đường ranh giới được đưa ra trong thoả thuận Minsk sẽ là điểm mốc để các bên rút vũ khí hạng nặng ra khỏi đó", Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho các phóng viên biết sau cuộc họp ở thủ đô Berlin.
Theo Ngoại trưởng Steinmeier, thoả thuận trên là “một công việc khó khăn” và các cuộc đàm phán ngày hôm qua, diễn ra sau một vòng đàm phán không có kết quả hồi tuần trước, là “sự một thử thách đối với lòng kiên nhẫn của tất cả các bên có liên quan”. Các bên cũng nhất trí với nhau rằng Nhóm Tiếp xúc gồm Nga, Ukraine và Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) nên gặp nhau càng sớm càng tốt với mục đích là để đạt thêm nền móng cho một cuộc gặp cấp cao ở thủ đô Astana của Kazakhstan giữa lãnh đạo cao nhất của các nước có liên quan nhằm tìm kiếm một giải pháp lâu dài, ổn định cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho hay, “sự ủng hộ mạnh mẽ” cho việc rút vũ khí hạng nặng là kết quả quan trọng nhất trong cuộc họp ngày hôm qua. Ông Lavrov cũng cho biết, ngoại trưởng các nước không thảo luận về các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine, nói rằng: “Các biện pháp trừng phạt không phải là vấn đề của chúng tôi, đó là vấn đề của những nước áp dụng chúng và bây giờ đang không biết làm cách nào để gỡ chúng ra...”
Trước đó, cùng ngày, Ngoại trưởng Lavrov đã lên tiếng kêu gọi thực hiện các biện pháp nhằm kiềm chế tình hình bạo lực, giao tranh rộ lên hiện nay ở miền đông Ukraine. Tuy nhiên, ông Lavrov không đề cập đến việc lực lượng ly khai phải trao trả lại những khu vực lãnh thổ mà họ giành được trong những cuộc giao tranh với quân chính phủ trong mấy ngày vừa qua. Chính quyền Kiev tố cáo, lực lượng ly khai dưới sự hậu thuẫn của Nga đã vượt qua đường ranh giới được thoả thuận trước đó giữa các bên.
Tình hình giao tranh, đụng độ bắt đầu bùng phát dữ dội trở lại ở miền đông Ukraine từ hồi tuần trước, đặc biệt là ở khu vực sân bay chiến lược Donetsk. Cả Kiev và lực lượng ly khai đều tố lẫn nhau về việc nổ súng trước.
Quân ly khai giành thế thượng phong
Trong những cuộc giao tranh gần đây, lực lượng ly khai đang giành lợi thế trước quân chính phủ. Lực lượng ly khai đã giành lại quyền kiểm soát khu vực sân bay ở Donetsk. Trên đà chiến thắng, quân ly khai tiếp tục tiến lên ở chiến trường phía tây bắc Luhansk. Donetsk và Luhansk là hai thành trì lớn nhất và quan trọng nhất của lực lượng ly khai. Cuộc chiến ở Luhansk tập trung chủ yếu ở hai chốt an ninh nằm dọc trên một tuyến đường cao tốc chiến lược.
Theo Bộ Quốc phòng Ukraine, quân ly khai dường như đã được chuẩn bị rất tốt để giành lợi thế trong cuộc chiến ở miền đông.
Quân ly khai được cho là được trang bị rất nhiều vũ khí hiện đại. Phương Tây và Kiev cho rằng, việc quân ly khai sở hữu trong tay một số lượng lớn vũ khí hạng nặng tinh vi là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy có sự can dự trực tiếp của Nga vào cuộc chiến ở miền đông nam Ukraine.
Phát biểu trong chuyến thăm đến Kiev, Tư lệnh quân đội Mỹ ở Châu Âu – Trung tướng Ben Hodges cáo buộc, số lượng vũ khí Nga cung cấp cho lực lượng ly khai đã tăng gấp đôi kể từ hồi tháng 9 đến tháng 12 năm ngoái.
Tuy nhiên, Nga bác bỏ mọi cáo buộc trên. Moscow nhiều lần đòi Kiev và phương Tây cung cấp bằng chứng thuyết phục để chứng minh cho những cáo buộc đó nhưng không có bằng chứng nào được đưa ra.
Moscow tin rằng, tình trạng bạo lực bùng phát trở lại ở miền đông Ukraine xuất phát từ nguyên nhân là do hai bên không tuân thủ nghiêm túc thoả thuận ngừng bắn. Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây đã viết thư cho người đồng cấp Petro Poroshenko trong đó đưa ra lời đề nghị sử dụng đường ranh giới ban đầu để rút vũ khí hạng nặng. Tuy nhiên, ông Poroshenko đã thẳng thừng bác bỏ lời đề nghị này.
Việc ngày hôm qua Kiev nhất trí rút vũ khí hạng nặng được cho là một tín hiệu tích cực cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine dù con đường phía trước để giải quyết cuộc khủng hoảng này vẫn còn rất dài.
Ý kiến bạn đọc