(VnMedia) - Iceland đang có dự định chính thức rút đơn xin gia nhập Liên minh Châu Âu (EU). Thủ tướng Iceland mới đây cho biết trên đài phát thanh quốc gia. Đây là một cú sốc, một đòn giáng mới nhằm vào EU khi mà liên minh này đang đối mặt với một loạt vấn đề đau đầu khác liên quan đến Anh, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.
|
Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson |
Theo Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson, ngoài việc muốn rút đơn xin gia nhập EU, Iceland còn muốn dỡ bỏ những kiểm soát về vốn mà Brussels đang áp đặt lên Iceland sau khi cuộc khủng hoàng tài chính tấn công nước này năm 2008.
Bất chấp việc người dân Iceland có thể biểu tình phản đối, Iceland vẫn sẽ lần thứ hai nỗ lực tìm cách rút đơn xin gia nhập Liên minh Châu Âu, ông Sigmundur Davið Gunnlaugsson cho biết như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn đài phát thanh Bylgjan hồi cuối tuần vừa rồi.
“Tham gia các cuộc đàm phán EU hiện giờ thực sự không còn giá trị”, Thủ tướng Gunnlaugsson nhấn mạnh.
“Vì cả những sự thay đổi trong Liên minh Châu Âu và bởi vì việc chấp nhận mọi thứ mà chính phủ tiền nhiệm sẵn sàng chấp nhận trước đó không phù hợp với các chính sách của chính phủ đương nhiệm. Do vậy, chúng tôi lại quay trở về điểm xuất phát ban đầu”, ông Gunnlaugsson cho biết hồi cuối tuần.
Các cuộc đàm phán gia nhập EU “lúc này đã trở lại điểm xuất phát bởi tất cả công việc được tiến hành trước kia giờ đây đã lỗi thời”, báo chí Iceland dẫn lời Thủ tướng cho biết.
Iceland nộp đơn xin gia nhập EU vào tháng 7 năm 2009, đúng thời điểm thế giới đang phải tháo gỡ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Vào tháng 2 năm 2010, Uỷ ban Châu Âu đã đưa ra một câu trả lời tích cực cho đơn xin gia nhập EU của Iceland và các cuộc đàm phán bắt đầu được khởi động vào tháng 7 cùng năm.
Tiến trình đàm phán gia nhập EU của Iceland rơi vào bế tắc hồi tháng 4 năm 2013 khi Đảng Cấp tiến theo đường lối ôn hoà và Đảng Độc lập theo đường lối bảo thủ của Iceland giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Khi ông Gunnlaugsson của Đảng Cấp tiến trở thành Thủ tướng, ông này đã đóng băng các cuộc đàm phán với EU vào tháng 5 năm 2013, phần lớn là do nguyên nhân EU đòi áp đặt hạn ngạch đánh bắt cá lên Iceland – một điều mà ngành công nghiệp thuỷ sản của Iceland sẽ không bao giờ chấp nhận.
Hiện tại, Iceland với dân số khoảng 325.000 đã có được vị thế “ứng cử viên gia nhập EU” và là thành viên của Khu vực Kinh tế Châu Âu (EEA), Hiệp hội Thương mại Tự do Châu Âu (EFTA), khu vực Schengen, và là một đối tác EU trong việc tăng cường sự hợp tác ở phía bắc Châu Âu. Tuy nhiên, Iceland chưa có quyền bỏ phiếu trong EU. 2/3 ngoại thương của Iceland được tiến hành với các nước thành viên EU.
Lần đầu tiên Iceland tìm cách rút đơn xin gia nhập EU là vào năm 2014. Nỗ lực này đã vấp phải các cuộc biểu tình của người dân và chính phủ buộc phải tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này. Tuy nhiên, ngay sau đó, một nghị quyết chống lại việc gia nhập EU đã được trình lên Quốc hội Iceland.
Ngoại trưởng Iceland Gunnar Bragi Sveinsson cho biết, ông muốn đóng vấn đề EU lại càng sớm càng tốt, nhấn mạnh rằng các cuộc biểu tình của dân chúng sau nỗ lực rút đơn đầu tiên sẽ không ảnh hưởng gì đến lập trường tiêu cực của ông trong vấn đề gia nhập EU của Iceland.
Ngày càng có nhiều nước không muốn gia nhập EU hoặc rút khỏi EU?
Ông Nigel Farage – Lãnh đạo của Đảng Độc lập UK cánh hữu của Anh (UKIP) và cũng là một đảng nổi tiếng vì lập trường chống EU, đã bình luận về bước đi mới nhất của Iceland rằng, “động thái của giới chức Iceland và sự phản đối ngày càng tăng của khu vực Địa Trung Hải đối với việc gia nhập EU cho thấy ý tưởng không thể không gia nhập EU đã bị phá vỡ”.
“Ngày càng có nhiều người trên khắp Châu Âu hoặc không còn muốn gia nhập EU hoặc muốn rời khu vực đồng euro như Hy Lạp”, ông Farage cho biết.
Theo quan điểm của giới lãnh đạo đảng UKIP, các nước thành viên EU như Hy Lạp và các quốc gia Địa Trung Hải “bị nhét vào một chiếc áo của một khu vực đồng euro không phù hợp và một liên minh chính trị thiếu tình thân ái do Đức thống trị” nên theo gương của Iceland.
“Hy Lạp nên tách riêng ra khỏi khu vực đồng euro, đánh thấp giá trị đồng tiền của họ và quay trở lại con đường phát triển thịnh vượng với xuất khẩu và du lịch”, ông Farage đã khuyến khích như vậy.
Việc Iceland thẳng thừng công khai tuyên bố ý định rút đơn xin gia nhập EU là một cú sốc, một cú giáng mới đối với Liên minh Châu Âu trong bối cảnh liên minh này đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề đau đầu như việc Anh doạ rút khỏi EU, Đức-Hy Lạp mâu thuẫn, Thổ Nhĩ Kỳ bất mãn với EU...
Thủ tướng Anh David Cameron hồi cuối tuần vừa rồi đã lên tiếng cảnh báo Brussels (nơi đặt trụ sở chính của EU) rằng, ông sẵn sàng rút Anh ra khỏi Liên minh Châu Âu nếu không đạt được mục đích tìm kiếm một vài sự thay đổi trong EU.
Cùng với Đức và Pháp, Anh là một trong những thành viên mạnh hàng đầu, có tiếng nói hàng đầu trong Liên minh Châu Âu. Vì thế, việc một thành viên như Anh doạ rút khỏi EU đã phơi bày thực tế về một mâu thuẫn khó hoá giải trong nội bộ của liên minh phương Tây này.
Ngoài vấn đề Anh, Hy Lạp – một thành viên khác của EU không khỏi chạnh lòng và có phần tức giận trước việc Thủ tướng Đức Angela Merkel có phát biểu ám chỉ sẵn sàng để Hy Lạp rút khỏi Liên minh Châu Âu và rằng điều này sẽ không gây ảnh hưởng gì nhiều đến EU.
Trước đó, hồi tháng 12 năm ngoái, Tổng thổng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng không ngại ngần tuyên bố EU không có quyền dạy dỗ ai về nền dân chủ và rằng liên minh này nên “soi gương lại chính mình”. Phát biểu này đã phơi bày rõ mâu thuẫn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU bất chấp việc Thổ Nhĩ Kỳ đang là ứng cử viên sáng giá để gia nhập vào liên minh phương Tây này. Thổ Nhĩ Kỳ đàm phán để gia nhập Liên minh Châu Âu từ năm 2005. Tuy nhiên, tiến trình này đang bị cản trở bởi cuộc tranh chấp liên quan đến đảo Cyprus và một số nước EU phản đối Ankara trở thành thành viên của liên minh vì cho rằng nước này thiếu dân chủ.
Vân Linh
Ý kiến bạn đọc