(VnMedia) - Một trong những lãnh đạo nước cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng – ông Denis Pushilin hôm qua (12/1) đã lên tiếng cáo buộc Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko là người “dối trá” khi tuyên bố cuộc xung đột ở miền đông có thể kết thúc chỉ trong vòng 2 tuần. Ông Pushilin cho rằng, Tổng thống Ukraine không thể làm thế vì không điều khiển được quân đội.
|
Ông Denis Pushilin |
Ông Denis Pushilin – một phó chủ tịch của Hội đồng Nhân dân (Quốc hội) nước cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng và cũng là đại diện chính thức của Donetsk tại các cuộc họp của Nhóm Tiếp xúc hôm qua đã không ngại ngần tố cáo ông Poroshenko là “dối trá, lừa bịp” khi tuyên bố có thể kết thúc cuộc xung đột ở miền đông Ukraine trong 2 tuần trong khi ông này không thể điều khiển được lực lượng quân đội.
“Đó hoàn toàn là một tuyên bố lừa gạt. Ông ấy chẳng kiểm soát thứ gì ở Donbass (vùng miền đông Ukraine). Ukraine không thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận Minsk và đây là thực tế. Chúng ta đang nói về điều gì? Chúng tôi thấy rằng họ đang tiếp tục bắn phá các khu dân cư. Giới tướng lĩnh, chỉ huy các tiểu đoàn của Ukraine công khai nói rằng họ sẽ không tuân theo lệnh của Tổng thống Poroshenko. Làm sao chúng ta có thể thực hiện được các thỏa thuận ở Minsk trong tình hình như vậy? Làm sao ông ấy có thể chắc chắn về điều đó trong hai tuần”, ông Pushilin cho biết.
Trước đó, cũng trong ngày hôm qua, Tổng thống Poroshenko đã mạnh mồm tuyên bố, cuộc xung đột ở miền đông Ukraine sẽ kết thúc trong vòng 2 tuần nếu các bên thực hiện nghiêm túc mọi điều khoản chính trong các thỏa thuận đạt được ở thủ đô Minsk của Belarus hồi năm ngoái. “Để ngăn chặn chiến tranh, chúng ta đơn giản chỉ cần tuân theo các thỏa thuận Minsk đã được ký kết hồi tháng 9 năm ngoái. Nhân tố then chốt trong những thỏa thuận đó là lệnh ngừng bắn, đóng cửa biên giới và rút toàn bộ quân nước ngoài”, ông Poroshenko đã nói như vậy trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình France 24.
Theo lời Nhà lãnh đạo Ukraine, khi những điều khoản chính trên được thực hiện nghiêm chỉnh, cuộc xung đột ở miền đông sẽ chấm dứt nhanh chóng chỉ trong vòng 2 tuần.
Ông Porohshenko cũng nói rằng, cuộc khủng hoảng ở Donbass “không chỉ là vấn đề đơn thuần của riêng người Ukraine mà còn là một mối đe dọa an ninh toàn cầu”. “Hệ thống hậu chiến tranh của an ninh toàn cầu dựa vào các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc không còn hiệu quả nữa và chúng ta cần phải tìm một cách khác để ngăn chặn khủng bố, ngăn chặn sự xâm lược”, Tổng thống Ukraine cho hay.
Lâu nay, Kiev cùng với các đồng minh phương Tây luôn đổ lỗi, cáo buộc cho Nga đã kích động và hậu thuẫn cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine gây ra cuộc chiến hiện nay.
Moscow kiên quyết bác bỏ mọi cáo buộc đồng thời luôn thể hiện sự tích cực trong việc tham gia vào các cuộc đàm phán nhằm sớm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Nga luôn nhấn mạnh đến biện pháp đối thoại, đàm phán giữa các phe phái đối địch ở Ukraine.
Đàm phán – con đường duy nhất đến hòa bình
Tiến trình chính trị ở Ukraine sẽ chỉ thành công nếu đại diện của nước cộng hòa nhân dân Donetsk và Luhansk tự xưng tham gia vào một cuộc đối thoại trực tiếp với chính quyền Kiev, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm qua đã nhấn mạnh như vậy.
"Người ta ngày càng hiểu thực tế rằng, nếu không có sự khởi động của một tiến trình hiến pháp toàn diện với sự tham gia của tất cả các khu vực và các lực lượng chính trị ở Ukraine thì sẽ khó để có thể nhất trí về các vấn đề khác”, ông Lavrov phát biểu sau một cuộc họp kín với người đồng cấp Đức, Pháp và Ukraine trong cuộc họp ở thủ đô Berlin ngày hôm qua (12/1).
Nhà ngoại giao hàng đầu của nước Nga nhấn mạnh, “tiến trình chính trị này chỉ có thể thành công nếu một cuộc đối thoại trực tiếp được tổ chức với sự tham gia của chính phủ Ukraine và đại diện của Donetsk, Luhansk”.
Theo ông Lavrov, hai nước cộng hòa Donetsk và Luhansk tự xưng ở miền đông Ukraine cần phải cảm thấy họ được đối xử như “những đối tác bình đẳng” trong tiến trình chính trị của đất nước.
Đại diện của Donetsk và Luhansk đã tham dự các cuộc họp của Nhóm Tiếp xúc về Ukraine cùng với các đại diện đến từ Nga, Kiev và Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE). Nhóm Tiếp xúc đã gặp nhau ở Minsk và đã đạt được nhiều thỏa thuận, trong đó có thỏa thuận ngừng bắn giữa các phe phái đối địch hồi tháng 9 năm 2014.
Ông Lavrov cho biết, sau một cuộc họp nữa của Nhóm Tiếp xúc về Ukraine trong những ngày sắp tới, bộ tứ Normandy gồm Nga, Đức, Pháp và Ukraine “sẽ lại gặp nhau về thảo luận về triển vọng cũng như thời điểm để tổ chức một hội nghị thượng đỉnh ở Astana nếu có thể”. Hội nghị thượng đỉnh về Ukraine dự kiến diễn ra trong tháng này.
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã lên tiếng xác nhận thông tin được đưa ra ở trên của Ngoại trưởng Nga. Theo đó, Ngoại trưởng 4 nước Nga, Đức, Pháp và Ukraine có thể gặp nhau một lần nữa vào tuần tới để thảo luận về nghị quyết cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine nếu một số bất đồng nhất định được giải quyết. Đây là những bước chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh ở Astana – nơi lãnh đạo cao nhất của 4 nước sẽ gặp nhau để tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Hollande từng tuyên bố sẽ không đến tham dự hội nghị ở Astana nếu không nhìn thấy khả năng tiến triển của tiến trình hòa bình ở Ukraine.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc