Pháp cuống cuồng làm lành với Nga

07:23, 06/01/2015
|

(VnMedia) - Tổng thống Pháp Francois Hollande đang rất lo ngại về ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế ở Nga lên Châu Âu. Vì thế, ông này đã bất ngờ kêu gọi dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga càng sớm càng tốt ngay khi có được tiến triển trong cuộc đàm phán hòa bình về tình hình Ukraine.
 

Ảnh minh họa

Tổng thống Pháp Hollande


“Nếu Nga rơi vào một cuộc khủng hoảng, điều này đương nhiên là không có lợi cho Châu Âu”, Tổng thống Holland đã thừa nhận như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn kéo dài 2 giờ đồng hồ với đài phát thanh France Inter. “Tôi không ủng hộ chính sách đạt được các mục tiêu bằng việc làm cho mọi thứ tồi tệ đi. Tôi cho rằng, các biện pháp trừng phạt cần phải dừng lại ngay lúc này”.
 
Nhà lãnh đạo Hollande cho biết, ông muốn chắc chắn rằng có tiến triển trong các cuộc đàm phán về tình hình ở Ukraine trước khi Châu Âu dỡ bỏ lệnh trừng phạt với Nga.
 
Ông Hollande bày tỏ hy vọng sẽ được chứng kiến những dấu hiệu của sự hiểu biết chung tại cuộc đàm phán về tình hình Ukraine dự kiến diễn ra vào ngày 15/1 tới ở Astana, Kazakhstan. Cuộc họp này sẽ có sự tham dự của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Đức Angela Merkel và nhiều quan chức khác.
 
Moscow liên tục khẳng định nước này đang làm mọi việc có thể trong quyền hạn và năng lực của mình để tạo điều kiện cho tiến trình hòa bình ở miền đông Ukraine, trong đó bước đột phá trong các cuộc đàm phán hòa bình ở Minsk hồi tháng 9 năm ngoái có sự góp phần của Nga.
 
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã miêu tả một cách đầy mỉa mai rằng những biện pháp trừng phạt mà phương Tây tung ra nhằm vào Moscow hồi tháng 9 là “một phần thưởng” cho vai trò của Nga trong các thỏa thuận ở Minsk và nói chung hơn nữa là cho sự góp phần của Nga trong việc tổ chức ra các cuộc đàm phán hòa bình đó”.
 
Một vòng đàm phán hòa bình khác đã diễn ra ở thủ đô Minsk của Belarus hồi tháng 12. Các cuộc đàm phán này bị phủ bóng đen bởi việc Quốc hội Ukraine hủy bỏ quy chế “không liên minh, không liên kết” để mở đường cho mối quan hệ gắn bó hơn với NATO và cuối cùng là gia nhập vào liên minh quân sự này. Cuộc đàm phán hồi tháng 12 đã không đem lại một kết quả đột phá nào.
 
Tổng thống Hollande cho biết, ông hiểu rất rõ rằng việc Kiev tìm cách gia nhập vào NATO hầu như không đóng góp gì cho tiến trình hòa bình.
 
“Ông Putin không muốn sáp nhập miền đông Ukraine. Tôi chắc chắn về điều đó. Ông ấy cũng nói với tôi như vậy. Điều ông ấy muốn là ảnh hưởng. Điều ông Putin muốn là Ukraine không trở thành thành viên của NATO. Ý tưởng của ông Putin là không có một quân đội được đặt ở biên giới của Nga”, Tổng thống Hollande đã nói như vậy trên đài phát thanh France Inter.
 
Moscow không có ý định xâm lược Ukraine mà chỉ muốn Kiev không gia nhập vào Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương, Nhà lãnh đạo Pháp nhấn mạnh.
 
Đại sứ Nga tại NATO – ông Alexander Grushko cáo buộc liên minh quân sự phương Tây đang lợi dụng cuộc khủng hoảng ở Ukraine như một cái cớ để thúc đẩy sự hiện diện quân sự dọc biên giới Nga. Theo ông Grushko, quyết định của Quốc hội Ukraine rõ ràng là một cú giáng vào nền an ninh Châu Âu.
 
Tổng thống Pháp nhắc lại yêu cầu của phương Tây đối với Moscow trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine. “Chúng tôi muốn gì ở ông Putin? Điều chúng tôi muốn là ông ấy phải tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Điều chúng tôi muốn là không ấy không được ủng hộ lực lượng ly khai.... Đây là điều mà chúng tôi đã tìm kiếm trong nhiều tháng nay để đạt được một thỏa thuận”, ông Hollande cho biết.
 
Tuy nhiên, Moscow kiên quyết bác bỏ cáo buộc về việc nước này có dính líu đến cuộc xung đột ở miền đông Ukraine, miêu tả những cáo buộc đó là vô căn cứ, không có cơ sở. Bộ Quốc phòng Nga khẳng định họ không cung cấp vũ khí, đạn dược hay bất kỳ sự giúp đỡ về mặt quân sự nào cho miền đông Ukraine.
 
Vì sao Pháp muốn dàn hòa với Nga?
 
Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã gây ra một cuộc đối đầu Đông-Tây nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Dưới sức ép của Mỹ và các đồng minh trong Liên minh Châu Âu (EU), Pháp sau một thời gian chần chừ cũng đã phải đưa ra quyết định tạm hoãn bàn giao tàu chiến lớp Mistral cho Nga dù Paris thực tâm không hề mong muốn điều này.
 
Paris hoàn toàn không muốn hủy hợp đồng tàu chiến Mistral với Nga. Vì giá trị kinh tế to lớn của hợp đồng này, Pháp đang bị rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu thỏa mãn mong muốn của các đồng minh, Pháp sẽ phải hứng chịu tổn thất cực kỳ lớn vì phá hợp đồng với Nga. Không chỉ phải trả lại khoản tiền lớn của hợp đồng mà Nga thanh toán trước cho Pháp, Paris còn phải trả khoản tiền phạt khổng lồ lên tới hơn 10 tỉ euro (13 tỉ USD) vì không tuân thủ hợp đồng với Nga. Đây được xem là một thảm họa đối với cả nền kinh tế Pháp lẫn uy tín của ngành công nghiệp vũ khí Pháp. Ngoài ra, hành động đó còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng nghìn lao động đang trực tiếp tham gia vào dự án đóng tàu lớp Mistral.
 
Trong khi đó, Moscow sau một thời gian dài chờ đợi với đủ những lời từ thuyết phục đến cảnh báo, đe dọa, Pháp vẫn chần chừ không chịu giao tàu chiến lớp Mistral đầu tiên cho Nga theo đúng như hợp đồng quy định. Điều này đã khiến Moscow hết kiên nhẫn. Giới chức Nga gần đây liên tục kêu gọi Pháp trả lại tiền, điều đó cho thấy Moscow đã chán siêu tàu chiến lớp Mistral của Pháp. Hơn nữa, Nga đang gặp khủng hoảng về kinh tế do các biện pháp trừng phạt của phương Tây nên vào thời điểm này Nga tin rằng minh cần tiền hơn là tàu chiến Mistral.
 
Có vẻ như khi Moscow quyết tâm đòi lại tiền mà không còn cần đến tàu chiến lớp Mistral thì Paris lại thực sự hoảng. Pháp được tin là chỉ có ý định “dền dứ” để tránh bị phương Tây chỉ trích chứ trong tương lai nước này không thể không giao tàu chiến cho Nga. Những phát biểu mới nhất ngày hôm qua của Tổng thống Hollande cho thấy, Pháp dường như đang mong mỏi tiến bộ trong các cuộc đàm phán hòa bình về Ukraine hơn bao giờ hết, mong mỏi dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga hơn bao giờ hết.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc