Ớn lạnh lời nói cuối cùng của phi công gặp nạn

13:00, 14/01/2015
|

(VnMedia) - Lắng nghe những lời nói cuối cùng của phi hành đoàn máy bay gặp nạn luôn là thử thách về tinh thần rất lớn với các điều tra viên. Công việc đó sẽ còn khó khăn hơn khi cơ trưởng Iriyanto trên chuyến bay QZ8501 còn là người thân quen với họ!
 

“Thần kinh thép” của điều tra viên
 
Sau nhiều ngày quần thảo trên vùng biển Java, cuối cùng 2 hộp đen của chiếc máy bay A320 mang số hiệu QZ8501 đã được tìm thấy và trục vớt lên bờ an toàn. Ngay lập tức chúng được chuyển về thành phố Jakarta để các chuyên gia tải dữ liệu xuống và tìm hiểu nguyên nhân đã dẫn tới vụ tai nạn thảm khốc khiến 162 người thiệt mạng.

  Ảnh minh họa
Cơ trưởng Iriyanto trên chuyến bay QZ8501

  Ảnh minh họa
Hộp đen sẽ giúp giải mã nguyên nhân tai nạn


2 chiếc hộp đen cung cấp cho các chuyên gia dữ liệu của chuyến bay cùng với toàn bộ các cuộc hội thoại của phi hành đoàn với đài không lưu và trong cabin. Việc cần làm đầu tiên trong quá trình điều tra chính là nghe lại mọi lời đối thoại của phi công. Công việc tưởng chừng như không có gì khó khăn nhưng sự thật đó là trải nghiệm khiến ngay cả những điều tra viên giàu kinh nghiệm cũng phải lạnh người.
 
Điều tra viên Nurcahyo Utomo được chỉ định là người sẽ nghe lại toàn bộ cuộc hội thoại trên chuyến bay QZ8501. Trong lúc chờ đợi tải dữ liệu từ chiếc hộp đen thứ hai, dự kiến mất khoảng 2 tuần, ông Nurcahyo Utomo cho biết, công việc này đòi hỏi người điều tra phải có tinh thần thép thực sự.
 
“Chúng tôi phải nghe đi nghe lại rất nhiều lần thông tin từ hộp đen. Hiển nhiên đó không giống như nghe nhạc hay một cuộc hội thảo. Đó là thời khắc trước khi xảy ra tai nạn. Cứ như là tôi có thể cảm nhận thấy họ trước giây phút từ trần. Cảm giác đó đeo bám chúng tôi và khiến không ít người bị khủng hoảng tâm lý, hoảng loạn.”, ông Nurcahyo Utomo nói.
 
Vị điều tra viên này cho biết, ông luôn cảm thấy “sởn da gà” mỗi khi nghe thấy những lời cầu nguyện cuối cùng của phi hành đoàn. “Tôi luôn ớn lạnh mỗi khi nghe thấy từ “Allahuakhbar” – Chúa trời tối cao. Đó thường là câu nói sau cùng trước khi máy bay gặp nạn”.
 
Là người được đánh giá có tinh thần “thép” trong đội điều tra viên nhưng  Nurcahyo Utomo thừa nhận, ông vẫn cảm thấy lo sợ khi phải lắng nghe những lời cuối cùng của cơ trưởng Iriyanto vốn là người quen biết và dạy ông bay trước đây. Đó là cảm giác đau đớn về mất mát khó diễn tả thành lời.
 
“Dù rất lo lắng nhưng chúng tôi không còn cách nào khác buộc phải lắng nghe thông tin từ cơ trưởng Iriyanto. Chỉ có nắm rõ thông tin trao đổi giữa cơ trưởng và cơ phó trước khi máy bay rơi chúng ta mới biết được chính xác điều gì đã xảy ra”, ông Nurcahyo Utomo nói.
 
Bên cạnh việc nghe thông tin từ cabin, hộp đen thứ 2 sẽ cung cấp cho các chuyên gia những thông số quan trọng như hoạt động của động cơ, tốc độ bay, lộ trình… Thông tin tổng hợp từ 2 hộp đen sẽ giúp đưa ra chính xác nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn.
 
Air Asia không mập mờ trong việc bồi thường cho hành khách
 
Theo thông tin mới nhất từ Indonesia, hãng hàng không Air Asia đã chấp thuận chi trả bồi thường thêm 100.000 USD cho gia đình mỗi nạn nhân thiệt mạng trong vụ rơi máy bay. Trước đó, Air Asia công bố khoản bồi thường ban đầu 24.000 USD cho mỗi nạn nhân.

  Ảnh minh họa

  Ảnh minh họa
Nhiều gia đình vẫn hy vọng người thân của mình may mắn thoát nạn


Tuy nhiên, điều đáng nói là chỉ có một số ít gia đình nạn nhân nhận được số tiền này. Sự việc dẫn tới những nghi ngờ Air Asia cố tình mập mờ trong việc bồi thường thiệt hại cho các hành khách.
 
Giám đốc Air Asia phụ trách an toàn bay khẳng định không có chuyện Air Asia mập mờ trong việc bồi thường. “Chúng tôi biết rất nhiều gia đình vẫn hy vọng người thân của mình còn sống và cố gắng chờ đợi một phép màu xảy ra. Tôn trọng tâm nguyện đó, Air Asia chỉ tiến hành bồi thường tạm thời cho những hành khách thiệt mạng đã xác định được danh tính”.
 
Cơ quan điều tra hiện nghi ngờ các quan chức hàng không Indonesia nhận hối lộ để các hãng bí mật tăng và đổi lộ trình bay mà không hề được cho phép. 7 nhân viên của AirNav – cơ quan giám sát và điều phối bay Indonesia – đã bị tạm thôi việc để phục vụ cho công tác điều tra.
 
Trước đó, chiếc máy bay mang số hiệu QZ8501 của Air Asia không hề được cấp phép hoạt động trong ngày chủ nhật (28/12/2014). Thế nhưng không rõ vì sao nó vẫn thực hiện lộ trình quen thuộc của mình từ thành phố Surabaya tới Singapore.
 
Cụ thể, hãng Air Asia được phép khai thác đường bay từ Surabaya tới Singapore 4 ngày/tuần nhưng không hề có ngày bay vào cuối tuần. Vụ việc chỉ vỡ lở khi QZ8501 gặp nạn.
 
Bộ trưởng Giao thông vận tải Indonesia - Ignatious Jonan đã gọi đây là một “vi phạm vô cùng nghiêm trọng” trong ngành hàng không. “Tôi không hiểu vì sao QZ8501 có thể cất cánh? Ai đã cấp phép cho máy bay này. Chắc chắn là QZ8501 phải nhận được sự chấp thuận của cơ quan quản lý sân bay hoặc đài kiểm soát không lưu. Đó là một vi phạm cực kỳ nghiêm trọng”.
 
Cũng theo Bộ trưởng Ignatious Jonan, Air Asia sẽ phải đối mặt với lệnh cấm bay hoặc thậm chí ngừng hoạt động. “Án phạt nặng hay nhẹ với Air Asia sẽ phụ thuộc vào những chứng cứ thu thập được trong cuộc điều tra tới đây”, ông Ignatious Jonan nói.


Minh Quang - (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc