(VnMedia) - Nội bộ của Liên minh Châu Âu (EU) – một trong những liên minh được cho là bền chặt nhất, gắn kết nhất thế giới, đang phải đối mặt với tình trạng mâu thuẫn, chia rẽ trầm trọng chưa từng có. Thủ tướng Anh mới đây cảnh báo khả năng rút ra khỏi EU trong khi Thủ tướng Đức tuyên bố sẵn sàng với khả năng Hy Lạp không còn là thành viên của liên minh...
|
Ảnh minh họa |
EU trước nguy cơ mất một thành viên mạnh
Cùng với Đức và Pháp, Anh là một trong những thành viên mạnh hàng đầu, có tiếng nói hàng đầu trong Liên minh Châu Âu. Vì thế, việc một thành viên như Anh doạ rút khỏi EU đã phơi bày thực tế về một mâu thuẫn khó hoá giải trong nội bộ của liên minh phương Tây này.
Thủ tướng Anh David Cameron hồi cuối tuần vừa rồi đã lên tiếng cảnh báo
Thủ tướng Cameron được cho là đã khởi đầu chiến dịch vận động cho cuộc tổng tuyển cử bằng một bài trả lời phỏng vấn độc quyền tờ The Mail hôm Chủ nhật (3/1). Trong bài phát biểu này, ông Cameron đã tuyên bố rằng “Nếu tôi không đạt được những gì mình cần thì tôi không loại trừ bất kỳ khả năng nào”, ám chỉ đến khả năng rút ra khỏi EU. Phát biểu này được đưa ra chỉ vài ngày trước cuộc họp của ông Cameron với nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Ông Cameron đã cam kết sẽ nỗ lực hết sức để đạt được các mục tiêu nếu tái đắc cử trong cuộc bầu cử vào tháng 5 tới, trong đó có cả mục tiêu đòi hỏi EU phải thay đổi nếu muốn Anh tiếp tục là thành viên của liên minh này.
Thủ tướng Cameron ám chỉ rằng chính phủ sẽ tìm cách thúc đẩy việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc EU có nên tiếp tục là thành viên của EU hay không. Điều này cho thấy, ông Cameron quyết tâm không để vấn đề Châu Âu trở thành chủ đề thống trị trong nhiệm kỳ hai nếu ông đắc cử chức Thủ tướng trong cuộc bầu cử sắp tới.
Ông Cameron cam kết sẽ tiến hành cuộc trưng cầu dân ý vào cuối năm 2017 nếu đảng Bảo thủ của ông thắng cử trong cuộc bầu cử vào tháng 5. Ông này nói rằng, ông sẽ “rất vui” nếu giải quyết được vấn đề trước hạn định đặt ra.
“Cuộc trưng cầu dân ý phải diễn ra trước cuối năm 2017. Nếu chúng ta có thể đẩy kế hoạch được sớm hơn thì tôi sẽ rất vui”, ông Cameron đã nói như vậy với đài BBC.
Trước những dự đoán ở Westminster về tương lai chính trị của ông Cameron nếu ông không giành chiến thắng thuyết phục trong cuộc bầu cử vào tháng 5 hay nếu ông bị hạ gục bởi đối thủ không hài lòng về chiến lược tổ chức cuộc thăm dò dư luận về EU vào năm 2017, Thủ tướng Cameron cho biết, ông quyết tâm ở lại Phố Downing cho đến năm 2020: “Chúng ta sẽ phải chứng kiến việc đó diễn ra”, Thủ tướng Anh nhấn mạnh.
Thủ tướng Cameron cho biết, ông sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Đức Angela Merkel vào ngày mai (7/1) và hai bên sẽ thảo luận về cái gọi là “những lằn ranh đỏ” – những phần chính sách mà ông Cameron đòi hỏi cần phải được trả về cho chính phủ Anh quyết định nếu người dân Anh vẫn quyết định ở lại EU.
Trước đó, hồi tháng 10, Thủ tướng Cameron từng tuyên bố sẽ khởi động chiến dịch vận động để đưa Anh rút ra khỏi Liên minh Châu Âu (EU) nếu liên minh này cố tình ngăn cản ông trong nỗ lực hạn chế khả năng tiếp cận của những người nhập cư EU vào hệ thống phúc lợi xã hội của nước Anh. Nhà lãnh đạo Cameron cho biết, ông muốn lao động nhập cư vào Anh cần phải làm việc ở nước này đủ 5 năm trước khi muốn được tiếp cận vào quỹ phúc lợi xã hội của Anh và những người nhập cư thất nghiệp của EU sẽ không được quyền hưởng bất kỳ lợi ích nào từ hệ thống phúc lợi xã hội của nước Anh.
Tuy nhiên, đòi hỏi của Anh dường như không nhận được sự ủng hộ của nhiều nước EU, cụ thể là Đức – một trong những nước có tiếng nói hàng đầu trong liên minh. Một phát ngôn viên của nữ Thủ tướng Merkel từng tuyên bố, Đức luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của nguyên tắc đi lại tự do trong Liên minh Châu Âu.
Đức-Hy Lạp mâu thuẫn?
Ngoài vấn đề Anh doạ rút ra khỏi EU thì một vấn đề khác liên quan đến Hy Lạp cũng đang làm đầu giới chức của Liên minh Châu Âu.
Thủ tướng Đức Merkel đã phải đối mặt với sự chỉ trích sau khi bà này hôm Chủ nhật (4/1) đã có phát biểu trên một tạp chí, trong đó ám chỉ rằng bà sẵn sàng để Hy Lạp rút ra khỏi EU nếu một đảng cực tả giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Hy Lạp.
Tờ tin tức hàng tuần Der Spiegel dẫn lời các nguồn tin chính phủ Đức nói rằng, Berlin xem việc Hy Lạp rút ra khỏi khu vực đồng euro như là một điều gì đó “gần như không tránh khỏi” nếu đảng Syriza cực tả giành chiến thắng trong cuộc bầu cử và từ bỏ các chương trình khắc khổ đang được Athens thực hiện hiện nay.
Cả Thủ tướng Merkel và Bộ trưởng Tài chính của bà – ông Wolfgang Schaeuble đều cho rằng, việc Hy Lạp rút ra khỏi Liên minh Châu Âu là điều “có thể xử lý được”.
Sự phục hồi đang diễn ra ở những nền kinh tế gặp khó khăn trước đó là Ireland và Bồ Đào Nha, việc thiết lập một quỹ cứu trợ tài chính lâu dài cho khu vực đồng euro và việc lập một liên minh ngân hàng đã củng cố niềm tin cho Berlin rằng sự lây lan từ cuộc khủng hoảng mới ở Hy Lạp sẽ hạn chế.
Những vấn đề trên rõ ràng đã phơi bày mâu thuẫn đang nổi lên ở một trong những liên minh gắn bó hàng đầu thế giới và đang là tấm gương cho các liên minh khác. Nếu không xử lý khéo tình hình, EU có thể sẽ rạn vỡ dần.
Ý kiến bạn đọc