Người Pháp muốn trao siêu tàu chiến cho Nga

19:44, 21/01/2015
|

(VnMedia) - Có đến 64% người Pháp cho rằng Pháp nên tuân thủ nghiêm túc các điều khoản, nghĩa vụ trong hợp đồng bán siêu tàu chiến lớp Mistral cho Nga. Đây là kết quả của một cuộc thăm dò dư luận do Ifop tiến hành vừa được công bố ngày hôm qua (20/1). Với kết quả này, rõ ràng người dân Pháp không ủng hộ quyết định của giới chức cầm quyền ở thủ đô Paris trong việc dền dứ, không chịu bàn giao chiếc tàu chiến lớp Mistral đầu tiên cho khách hàng Nga.
 

Ảnh minh họa

 Tàu Mistral


Theo cuộc thăm dò được tiến hành cho tờ La Tribune của Pháp, chỉ có 36% người dân Pháp chống lại việc bàn giao tàu Mistral cho Nga. Hơn nữa, có đến 75% người được hỏi đều cho rằng, việc không giao tàu chiến Mistral cho Nga “chẳng có ích gì trong việc giải quyết cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine”.
 
Khoảng 56% người dân Pháp tin tưởng rằng, nếu Pháp không giao tàu chiến lớp Mistral cho Nga thì điều đó sẽ phá hỏng uy tín của Pháp. Cùng với đó, 77% người được hỏi cũng bày tỏ quan điểm rằng, quyết định không giao tàu chiến cho Nga sẽ “có ảnh hưởng tiêu cực đến ngành đóng tàu của Pháp”.
 
Đa số người dân Pháp (72%) phát biểu, việc không tuân theo các nghĩa vụ trong hợp đồng sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực lên ngành quốc phòng của Pháp và tác động đến các hợp đồng khác.
 
Cuộc thăm dò dư luận cũng cho kết quả là hơn một nửa dân số Pháp (khoảng 52%) tin rằng các biện pháp trừng phạt mà phương Tây đang áp dụng hiện nay với Nga chẳng có ích gì trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine. "Có một sự hoài nghi rất lớn về tính hiệu quả của các biện pháp trừng phạt của phương Tây”, ông Damien Philippot – người đứng đầu về nghiên cứu chính trị của Ifop nhận định.
 
Nga đã ký hợp đồng mua 2 siêu tàu chiến lớp Mistral của Pháp với trị giá 1,2 tỉ euro (1,5 tỉ USD) từ hồi tháng 6 năm 2011. Theo hợp đồng, Pháp phải bàn giao chiếc tàu chiến đầu tiên được đặt tên là Vladivostok cho Nga vào ngày 14/11 vừa rồi trong khi chiếc thứ hai mang tên Sevastopol sẽ được bàn giao vào cuối năm 2015. Tuy nhiên, Paris đã không giao tàu chiến lớp Mistral cho Nga đúng như thời hạn hợp đồng đưa ra mặc dù công tác bàn giao đã sẵn sàng.
 
Pháp đã phải chịu sức ép rất mạnh mẽ từ các đồng minh phương Tây, đặc biệt là Mỹ, trong việc phải hủy bỏ hợp đồng bán siêu tàu chiến lớp Mistral cho Hải quân Nga.
 
Sau một thời gian dài chờ đợi với đủ những lời cảnh báo, đe dọa, Pháp vẫn chần chừ không chịu giao tàu chiến lớp Mistral đầu tiên cho Nga theo đúng như hợp đồng quy định. Điều này đã khiến Moscow hết kiên nhẫn. Giới chức Nga gần đây liên tục thúc giục Pháp hoặc là giao tàu chiến hoặc là trả lại tiền cho Nga và chấp nhận chịu phạt.
 
Hồi tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố, trong vòng 6 tháng tới, Moscow có thể sẽ kiện Pháp ra tòa nếu không nhận được chiếc siêu tàu chiến lớp Mistral đầu tiên.
 
Siêu tàu chiến Mistral có trọng tải tối đa 21.300 tấn, chiều dài tối đa là 210m, tốc độ là 18 hải lý và tầm hoạt động lên tới 11.000 dặm. Tàu có thể chuyên chở bốn sà lan đổ quân, 16 trực thăng hạng nặng, 32 trực thăng hạng nhẹ, 2 tàu đệm không khí, một tiểu đoàn 40 xe tăng hạng nặng Leclerc hoặc 70 phương tiện cơ giới. Tàu có thủy thủ đoàn gồm 160 người và có thể chở được 450 binh sỹ...
 
Tàu Mistral có thể thực hiện 4 nhiệm vụ cùng lúc gồm: tiếp nhận trực thăng, đổ bộ quân đồng thời đóng vai trò như một trung tâm chỉ huy và một bệnh viện nổi.
 
Nếu Pháp không bàn giao siêu tàu chiến lớp Mistral cho Nga thì Pháp không chỉ phải trả lại khoản tiền Nga đã trả trước cho Pháp mà còn phải chịu một khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng rất lớn. Paris sẽ phải chịu tổn thất nặng nề khi không chỉ mất đi một hợp đồng vũ khí lớn nhất với Nga mà còn phải bồi thường một khoản tiền “khủng”. Chưa hết, hủy hợp đồng với Nga đồng nghĩa với việc hàng nghìn lao động của Pháp mất việc và uy tín của ngành quốc phòng Pháp bị ảnh hưởng.
 
Với những lý do trên, Pháp được cho là đang dền dứ chờ đợi thời cơ thích hợp để chuyển giao tàu chiến cho Nga. Mới đây, Tổng thống Pháp đã lên tiếng thúc giục sớm giải quyết cuộc khủng hoảng với Nga. Ông này được cho là đã có những phát biểu mềm mỏng khác thường, thể hiện mong muốn dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Nga.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc