(VnMedia) - Indonesia đã phát hiện ra một số bằng chứng cho thấy dường như chiếc máy bay A320 của hãng hàng không Air Asia đã phát nổ trước khi lao xuống biển Java, khiến 162 người thiệt mạng.
Máy bay đã phát nổ trên không trung?
Trong những ngày qua, song song với việc tìm kiếm thi thể nạn nhân, hộp đen máy bay, các chuyên gia hàng không đã cùng nhau mổ xẻ các mảnh vỡ từ xác của chiếc A320 vớt được trên biển Java. Từ đó, họ phát hiện ra một chi tiết rất đáng chú ý đó là dường như máy bay đã phát nổ trước khi chìm dưới làn nước sâu.
![]() |
Qua phân tích các mảnh vỡ, các chuyên gia cho rằng máy bay đã phát nổ! |
S.B. Supriyadi, giám đốc điều phối hoạt động cứu nạn của Indonesia, cũng xác nhận thông tin trên. “Theo phân tích của cá nhân tôi và một số chuyên gia dựa trên những mảnh vỡ và các bằng chứng quan trọng khác, chiếc A320 có thể đã phát nổ trước đó. Cụ thể khi gặp nạn đã có sự thay đổi đột ngột về áp suất không khí, khiến khoang máy bay bị xé rách dẫn tới phát nổ”.
Ông Supriyadi còn dẫn chứng, một phần bên trái của máy bay dường như đã bị tan rã và điều đó minh chứng cho sự tồn tại của một vụ nổ. Thế nhưng không phải ai cũng đồng quan điểm với nhân vật này.
Santoso Sayogo – quan chức cấp cao của cơ quan điều tra an toàn giao thông Indonesia – thì thẳng thừng bác bỏ lập luận này và khẳng định không hề có bất cứ dữ liệu nào chứng minh giả thiết máy bay bị nổ.
Chiếc máy bay A320 mang số hiệu QZ8501 được xác định do Cơ trưởng Iriyanto cùng cơ phó mang quốc tịch Pháp Remi Emmanual Plesel điều khiển. Máy bay rời Surabaya, đông Indonesia để tới Singapore sáng 28/12 nhưng nó đã mất liên lạc với đài không lưu sau khi đề nghị được nâng độ cao và chuyển hướng để tránh khu vực có thời tiết xấu phía trước.
Các chuyên gia cho rằng, rất có thể chiếc máy bay khi đó đi vào vùng thời tiết xấu nhưng lại bay với tốc độ quá chậm để có thể thoát khỏi tình huống nguy hiểm. Cụ thể chiếc máy bay của AirAsia bay ở độ cao 36.000 feet (11.064 m) nhưng chỉ đạt tốc độ khoảng 650km/h, chậm hơn 160km/h so với tốc độ tiêu chuẩn tương đương với độ cao.
“Khi máy bay bay quá chậm trong điều kiện thời tiết xấu, sải cánh sẽ mất tác dụng dẫn tới việc máy bay có thể chết máy bất ngờ. Đó là điều nhẽ ra không thể xảy ra với loại máy bay hiện đại như A320”, Chuyên gia hàng không Geoffrey Thomas từng nhận định.
Đã tìm thấy hộp đen còn lại của chiếc máy bay
Chiều tối hôm qua (12/1), các thợ lặn thuộc Hải quân Indonesia đã tìm thấy chiếc hộp đen còn lại của chiếc máy bay gặp nạn. Thiết bị này có chức năng ghi lại toàn bộ các cuộc hội thoại của phi hành đoàn như trao đổi trong cabin, liên lạc với đài không lưu…
|
|
Reuters dẫn lời một quan chức Bộ Giao Thông Vận Tải Indonesia xác nhận thông tin trên. Theo đó, nhóm thợ lặn tận dụng tối đa khoảng thời gian biển lặng hiếm hoi để tiến hành tìm kiếm hộp đen máy bay.
Cuối ngày 12/1, họ đã phát hiện ra thiết bị này nằm cách không xa nơi tìm thấy chiếc hộp đen đầu tiên. Ngay lập tức nó đã được trục vớt lên bờ trong tình trạng còn nguyên vẹn và hoạt động tốt.
Thông tin này là tín hiệu mừng cho hãng Air Asia và ngành hàng không Indonesia. Vì một khi có đầy đủ các thiết bị hộp đen, các chuyên gia có thể lấy được những dữ liệu quan trọng để tiến tới xác minh nguyên nhân chính xác dẫn tới việc chuyến bay QZ8501 gặp nạn.
Trước đó, hộp đen có chức năng ghi lại toàn bộ dữ liệu chuyến bay được gắn phía đuôi của máy bay A320 đã được tìm thấy trong sáng 12/1. Hiện cả 2 hộp đen được chuyển về thủ đô Jakarta phục vụ cho công tác điều tra và tìm hiểu nguyên nhân tai nạn. Quá trình phân tích sẽ cần tới khá nhiều thời gian, ước tính có thể tới 1,2 tháng vì chỉ riêng việc tải dữ liệu từ hai thiết bị này xuống cũng cần tới 2 tuần lễ!
Trong ngày hôm nay (13/1), lực lượng cứu hộ tiếp tục quần thảo ở vùng biển Java để tìm kiếm phần thân của máy bay và thi thể các nạn nhân. Tính tới lúc này mới chỉ có 48 nạn nhân xấu số được tìm thấy trong tổng số 162 người bao gồm cả phi hành đoàn thiệt mạng trên chuyến bay QZ8501.
Mới đây nhất, hệ thống định vị dưới nước bằng sóng âm của Singapore đã phát hiện một vật thể kim loại, nghi là phần thân chính của máy bay gặp nạn.
Thế nhưng do những yếu tố khách quan, lực lượng cứu hộ chưa thể tiếp cận vật thể này. Nếu đúng là phần thân máy bay, rất có thể sẽ tìm được thêm nhiều thi thể hành khách. Tuy nhiên, cũng không thể loại trừ sau 15 ngày mắc kẹt dưới nước, nhiều thi thể đã bị dòng chảy cuốn trôi đi nơi khác.
Ý kiến bạn đọc