(VnMedia) - Song song với việc tìm kiếm thi thể các nạn nhân, lực lượng cứu hộ Indonesia cũng đang chạy đua với thời gian để truy tìm hộp đen (thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay và ghi âm buồng lái) để làm rõ nguyên nhân khiến chiếc máy bay A320 của hãng Air Asia gặp nạn.
Hộp đen vẫn bặt vô âm tín!
Đã 8 ngày kể từ khi chiếc máy bay A320 của hãng Air Asia chở theo 162 hành khách gặp nạn tới nay, rất nhiều chuyên gia và các phi công có kinh nghiệm đều khẳng định thời tiết xấu chính là nguyên nhân khiến nó gặp nạn trên biển Java.
|
|
Tuy nhiên, đó vẫn là những ý kiến chủ quan dựa trên thực tế thời tiết xấu vào thời điểm máy bay gặp nạn. Giới chức trách Indonesia đang yêu cầu lực lượng cứu hộ với sự trợ giúp của nhiều quốc gia như Australia, Mỹ, Malaysia… khẩn trương tìm kiếm hộp đen – thiết bị giúp giải thích chính xác nhất nguyên nhân của vụ tai nạn.
Ngay khi chiếc máy bay mang số hiệu QZ8501 mất tích, Indonesia đã chấp thuận lời đề nghị của Singapore cử 2 đoàn chuyên gia giúp đỡ quốc gia này tìm kiếm chiếc A320 và cài đặt 2 thiết bị thủy âm đặc biệt có nhiệm vụ hỗ trợ tìm kiếm hộp đen của máy bay.
Hộp đen gồm 2 thiết bị đặc biệt ghi lại dữ liệu chuyến bay và thông tin trao đổi của tổ lái trước khi xảy ra sự cố. Chúng đều được gắn ở phần đuôi máy bay, nơi được cho là an toàn và ít chịu lực va đập nhất khi có tai nạn.
Hộp đen được thiết kế đặc biệt, có màu da cam nổi bật, có khả năng chịu được va đập cực lớn cũng như nhiệt độ lên tới hơn 1.000 độ C. Bên cạnh đó, thiết bị này còn phát ra sóng âm liên tục trong 30 ngày giúp cho lực lượng cứu hộ có thể dễ dàng tìm thấy chúng.
Thế nhưng điều đáng nói hơn 1 tuần triển khai thiết bị thủy âm để dò tìm hộp đen, lực lượng cứu hộ không hề nhận được sóng phản hồi. Hiện tượng bất thường này khiến không ít người lo ngại hộp đen có thể gặp sự cố.
Tuy nhiên, theo chuyên gia hàng không - Peter Marosszeky – thuộc trường Đại học New South Wales, Australia, thời tiết xấu đã khiến cho việc tìm kiếm hộp đen càng thêm khó khăn.
“Vùng biển Java đang động dữ dội trong những ngày qua. Thông thường hộp đen có thiết kế tự động phát sóng âm trong vòng 30 ngày nên chúng ta vẫn có thể hy vọng tìm được thiết bị này sớm nếu nó ở vùng nước nông”, ông Marosszeky nhận định.
Hiện tại, lực lượng cứu hộ đã tìm được 5 mảnh vỡ của chiếc máy bay A320 cách bờ biển Borneo 160 km. Mảnh lớn nhất có chiều dài 18m cùng với một số thi thể của hành khách xấu số.
Máy bay Air Asia không được cấp phép bay trong ngày gặp nạn!
Giới chức Indonesia vừa tiết lộ tin gây sốc, chiếc máy bay mang số hiệu QZ8501 của Air Asia không hề được cấp phép hoạt động trong ngày chủ nhật. Thế nhưng không rõ vì sao nó vẫn thực hiện lộ trình quen thuộc của mình từ thành phố Surabaya tới Singapore.
![]() |
|
Bộ giao thông vận tải Indonesia (IMT) vừa yêu cầu hãng Air Asia ngừng khai thác tuyến Surabaya tới Singapore, đồng thời chính thức mở cuộc điều tra cáo buộc hãng này vi phạm quy định bay.
Cụ thể, hãng Air Asia được phép khai thác đường bay từ Surabaya tới Singapore 4 ngày/tuần nhưng không hề có ngày bay vào cuối tuần. Vụ việc chỉ vỡ lở khi QZ8501 gặp nạn vào ngày chủ nhật (28/12) vừa qua. IMT cũng yêu cầu rà soát lại toàn bộ các hãng hàng không khác để đảm bảo tất cả chấp hành nghiêm chỉnh an toàn bay.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Indonesia - Ignatious Jonan đã gọi đây là một “vi phạm vô cùng nghiêm trọng” trong ngành hàng không. “Tôi không hiểu vì sao QZ8501 có thể cất cánh? Ai đã cấp phép cho máy bay này. Chắc chắn là QZ8501 phải nhận được sự chấp thuận của cơ quan quản lý sân bay hoặc đài kiểm soát không lưu. Đó là một vi phạm cực kỳ nghiêm trọng”.
Cũng theo Bộ trưởng Ignatious Jonan, Air Asia sẽ phải đối mặt với lệnh cấm bay hoặc thậm chí ngừng hoạt động. “Án phạt nặng hay nhẹ với Air Asia sẽ phụ thuộc vào những chứng cứ thu thập được trong cuộc điều tra tới đây”, ông Ignatious Jonan nói.
Cũng trong lúc này xuất hiện thông tin tổ bay QZ8501 đã không nhận được báo cáo về thời tiết trong ngày trước khi cất cánh. Thông thường trước khi một máy bay cất cánh, đài Khí tượng, Thủy văn, Địa chất Indonesia (BMKG) sẽ gửi một báo cáo cụ thể tình hình thời tiết cho tổ bay. Thế nhưng báo cáo này chỉ được gửi đi sau khi máy bay đã gặp nạn.
Cụ thể chuyến bay khởi hành lúc 5h35 sáng thế nhưng phải tới khi 6h17’ nhân viên điều hành chuyến bay của Air Asia mới nhận được báo cáo từ BMKG. Điều này dẫn tới hàng loạt câu hỏi được đặt ra. Vì sao báo cáo của BMKG tới muộn? Tại sao tổ bay QZ8501 vẫn khởi hành dù không hề có thông tin về thời tiết? Ai đã cấp phép cho QZ8501 bay? ....
Chiếc máy bay A320 được xác định do Cơ trưởng Iriyanto cùng cơ phó mang quốc tịch Pháp Remi Emmanual Plesel. Một bức ảnh chụp 2 phi công được đưa lên mạng xã hội, trong khi người thân của cơ trưởng Iriyanto đều khẳng định ông là người vô cùng cẩn thận trong công việc.
Cơ trưởng Iriyanto đã có 20.500 giờ bay an toàn, trong đó có gần 7.000 giờ bay cùng hãng AirAsia. Bản thân chiếc máy bay A320 mang số hiệu QZ8501 cũng chưa từng xảy ra sự cố nghiêm trọng nào.
Ý kiến bạn đọc