Hậu thuẫn Triều Tiên, Nga bị "vạ lây"?

13:21, 14/01/2015
|

(VnMedia) - Gói trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Triều Tiên cho phép Bộ Tài chính Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt thứ cấp lên đồng minh của Bình Nhưỡng, tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama có vẻ như chưa sẵn sàng áp dụng quyền này. Tuyên bố trên vừa được Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Mỹ - ông Ed Royce đưa ra hôm qua (12/1).

“Các lệnh trừng phạt mà chính quyền Obama đang hướng tới là nhằm vào các chủ thể ở Triều Tiên, tuy nhiên, Tổng thống Obama có thể sẽ áp đặt lệnh trừng phạt thứ cấp đối với các quốc gia, các tổ chức hỗ trợ cho Triều Tiên", ông Ed Royce nói.

Ảnh minh họa

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Mỹ viện dẫn việc Nga xóa nợ và hỗ trợ Triều Tiên xây dựng hệ thống đường sắt cũng có thể khiến nước này trở thành mục tiêu áp đặt lệnh trừng phạt thứ cấp của Bộ Tài chính Mỹ.
 
“Vấn đề nằm ở mức độ (của các hoạt động này) đặc biệt là trong việc hỗ trợ Triều Tiên kiểm soát và vượt qua những khó khăn về tài chính để đầu tư vào chương trình hạt nhân”, ông Royce cho biết.
 
Trong khi đó, ông Daniel Glaser, thư ký phụ trách vấn đề chống tài trợ khủng bố tại Bộ Tài chính Mỹ cho biết, các biện pháp trừng phạt trước đó đã làm nản lòng hàng trăm ngân hàng nước ngoài, gồm cả các ngân hàng thương mại lớn của Trung Quốc và khiến họ từ bỏ việc kinh doanh với Triều Tiên.
 
Theo lệnh trừng phạt mà Tổng thống Mỹ Barack Obama thông qua hôm 2/1, Bộ Tài chính nước này có quyền áp đặt các biện pháp để cô lập Triều Tiên khỏi thị trường tài chính toàn cầu.  Theo đó, Bộ Tài chính có quyền trừng phạt bất cứ cơ quan chính phủ hay nhà nước nào của Triều Tiên cũng như áp đặt các lệnh trừng phạt đối với bất cứ tổ chức hay cá nhân nào hậu thuẫn cho họ, ông Glaser nhấn mạnh.
 
Chủ tịch Royce cũng bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với các lệnh trừng phạt thứ cấp trong phiên điều trần hôm qua (12/1) với mục đích muốn cắt đứt mọi liên hệ của Triều Tiên với thị trường tài chính thế giới. Tuy nhiên, ông cũng cho biết, ông chưa thấy chính quyền Obama sử dụng đặc quyền mới này để nhắm tới bất cứ cá nhân hay tổ chức nào bên ngoài Triều Tiên.
 
Ông Royce cũng nhấn mạnh tới việc cần ngăn chặn "một số ngân hàng nhỏ" vẫn đang kinh doanh với Triều Tiên để Bình Nhưỡng không thể tiếp cận với các nguồn ngoại tệ mà Washington tin rằng chúng được sử dụng trong chương trình vũ khí của quốc gia này.

Hôm 2/1, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký một sắc lệnh, trong đó cho phép mở rộng lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên để đáp trả các hành động được cho là gây hấn của Triều Tiên, trong đó có vụ tin tặc tấn công hãng giải trí Sony Pictures của Mỹ.

Triều Tiên yêu cầu Mỹ đưa ra bằng chứng vụ Sony Pictures
 
Triều Tiên vừa đưa ra yêu cầu, đề nghị phía Mỹ cung cấp bằng chứng cụ thể chứng minh Bình Nhưỡng có dính líu đến vụ tin tặc tấn công hãng phim Sony Pictures.
 
Ông An Myong Hun, Phó Đặc phái viên của Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc cho biết: “Đất nước chúng tôi chẳng dính líu gì đến vụ tấn công mạng hãng Sony Pictures. Và chúng tôi rất muốn Mỹ cung cấp bằng chứng. Thậm chí, chúng tôi còn yêu cầu Mỹ tiến hành một cuộc điều tra chung”.
 
Theo đại diện của Triều Tiên, các cáo buộc của Mỹ, cụ thể là cáo buộc liên quan tới vụ tin tặc nhằm vào hãng phim Sony Pictures thể hiện “chính sách thù địch cố hữu” của Mỹ với Triều Tiên.
 
Trước đó, hồi tuần trước, tạp chí Wall Street Journal viện dẫn lời của một cựu quan chức Triều Tiên cho biết, các tin tặc thực hiện vụ tấn công mạng nhằm vào hãng phim Sony Pictures  đã cố tình để lại bằng chứng bất lợi để cáo buộc Triều Tiên đứng đằng sau vụ tấn công này.
 
Hãng phim Sony Pictures của Mỹ đã bị một nhóm tin tặc tấn công hồi tháng 11/2014 với yêu cầu ngừng phát hành bộ phim có tên The Interview có nội dung nói về một âm mưu ám sát Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Vụ tin tặc đã làm rò rỉ một số dữ liệu mật của các nhân viên hãng phim này.
 
Sau khi tiến hành điều tra, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cho rằng Bình Nhưỡng đứng đằng sau vụ tấn công này, tuy nhiên, Triều Tiên đã một mực bác bỏ cáo buộc trên, kêu gọi tổ chức một cuộc điều tra chung để tìm ra thủ phạm thực sự. Triều Tiên từng đe dọa sẽ gây hậu quả nghiêm trọng nếu chính phủ Mỹ không đồng ý để nước này tham gia vào cuộc điều tra vụ tấn công nhằm vào mạng máy tính của hãng phim Sony Pictures. 
 
Bộ Ngoại giao Triều Tiên khẳng định: "Không cần phải dùng đến biện pháp tra tấn giống như CIA, chúng tôi cũng có các biện pháp để chứng minh rằng Bình Nhưỡng hoàn toàn không liên quan đến cuộc tấn công vào Sony".
 
Tuy vậy, theo Bình Nhưỡng, The Interview đã gây ảnh hưởng tới "danh dự" của quốc gia này, và rằng vụ hack nhắm vào Sony là một "hành động đúng đắn".
 
Trong khi đó, FBI lại tỏ ra khá chắc chắn với kết quả điều tra thu được và chính phủ Mỹ khẳng định sẽ không rút lại cáo buộc rằng Bắc Triều Tiên đứng đằng sau vụ tấn công vào Sony. 
 
"Theo đúng như kết luận rõ ràng của FBI, chúng tôi tin rằng chính phủ Triều Tiên đứng đằng sau vụ tấn công này. Chúng tôi giữ nguyên kết luận nói trên. Nếu chính phủ Triều Tiên thực sự muốn giúp đỡ, họ nên thừa nhận hành vi phạm tội của họ và đền bù Sony về các khoản thiệt hại do vụ tấn công này gây ra", phát ngôn viên Nhà Trắng Mark Stroh khẳng định với Reuters.
 
Trước đó, Triều Tiên đã từng yêu cầu chính phủ Obama phải ra lệnh cấm phát hành The Interview. Bộ phim là câu chuyện hư cấu về hai nhà báo Mỹ hợp tác với CIA nhằm ám sát lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc