(VnMedia) - Năm 2009, Triều Tiên từng lấy 10 tỷ USD và 1 nửa triệu tấn lương thực làm điều kiện tiên quyết để tổ chức một hội nghị thượng đỉnh với Hàn Quốc, tuy nhiên, yêu cầu của Triều Tiên đã bị chính quyền Hàn Quốc khi đó từ chối. Đó là tiết lộ vừa được cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đưa ra hôm qua (28/1).
Trong cuốn sách sẽ được xuất bản vào tuần tới, ông Lee Myung-bak, người từng giữ cương vị Tổng thống Hàn Quốc từ năm 2008 đến 2013 cho biết, danh mục những thứ mà Triều Tiên đề nghị phía Hàn Quốc cấp khi đó gồm có 400.000 tấn gạo, 100.000 tấn ngô, 300.000 tấn phân bón và 10 tỷ USD tiền mặt. Tuy nhiên, khi đó ông đã khước từ yêu cầu của Triều Tiên.
Cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak
Người tiền nhiệm của ông Lee Muyng-bak - ông Kim Dae-jung đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong II năm 2000 và bước đầu đạt được thành quả làm ấm lại quan hệ liên Triều. Tuy nhiên, thành tựu này đã bị đánh giá thấp sau khi sự thật được phơi bày rằng, chính quyền Seoul khi đó đã cấp 500 triệu USD cho Bình Nhưỡng để đàm phán.
Sau đó, đến năm 2007, người kế nhiệm của ông Kim Dae-jung - ông Roh Moo-huyn cũng đã có cuộc đàm phán với Chủ tịch Triều Tiên khi đó là ông Kim Jong II. Đây là cuộc đàm phán thứ 2 giữa lãnh đạo hai nước. Trong khi đó, ông Lee Myung-bak lại rời nhiệm sở mà không hề có bất cứ cuộc đàm phán trực tiếp nào với lãnh đạo Triều Tiên.
Tuy nhiên, cả người kế nhiệm của cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống đương nhiệm của Hàn Quốc - Park Geun-hye đều nói rằng họ luôn sẵn sàng ngồi lại đàm phán. Đến nay, Triều Tiên và Hàn Quốc về lý thuyết vẫn trong tình trạng chiến tranh bởi hai bên mới chỉ ký hiệp định đình chiến 1950 - 1953, chứ không phải hiệp định hòa bình.
Mỹ - Hàn - Nhật hội đàm về Triều Tiên
Trong một diễn biến liên quan, hôm qua (28/1), các nhà ngoại giao cấp cao của Hàn Quốc và Mỹ đã tổ chức một cuộc hội đàm về chương trình hạt nhân của Triều Tiên và các vấn đề liên quan tới Bán đảo Triều Tiên.
Ông Wendy Sherman - Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách vấn đề chính trị của Mỹ hôm 27/1 đã tới Seoul, Hàn Quốc và đã có cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc - Cho Tae-yong vào sáng qua, 28/1, để trao đổi về các vấn đề liên quan tới Triều Tiên.
Cuộc hội đàm diễn ra trong bối cảnh đang nảy sinh những khác biệt về chính sách đối với Triều Tiên giữa Seoul và Washington. Trong khi Hàn Quốc đề xuất tổ chức đàm phán với Triều Tiên để cải thiện mối quan hệ liên Triều thì Mỹ lại áp đặt thêm lệnh trừng phạt mới lên Bình Nhưỡng xung quanh vụ tin tặc nhằm vào hãng phim Sony Pictures.
Tuy nhiên, theo hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, trong cuộc hội đàm, ông Sherman cho rằng, thực chất không có sự khác biệt nào giữa Hàn Quốc và Mỹ trong chính sách đối với Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh rằng, cả hai bên đều muốn hướng tới việc phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, hai nước luôn có mối quan hệ khăng khít về an ninh, chính trị và kinh tế. Ông khẳng định thêm rằng Seoul và Washington vẫn là đồng minh và đối tác vững mạnh của nhau.
Đây là cuộc hội đàm cấp cao đầu tiên để thảo luận về vấn đề Triều Tiên giữa hai quốc gia đồng minh trong năm 2015. Hàn Quốc là điểm dừng chân thứ 2 trong chuyến công du tới 3 cường quốc châu Á là Trung Quốc, Nhật Bản, và Hàn Quốc của ông Sherman.
Cùng ngày, tại Tokyo, Nhật Bản, các nhà ngoại giao Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng có cuộc hội đàm về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Tham dự cuộc họp có Đặc phái viên Hàn Quốc về các vấn đề hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên Hwang Joon-kook, Đặc phái viên Mỹ về chính sách Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên - Sung Kim và Trưởng Văn phòng các vấn đề Đại dương và châu Á thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản - Junichi Ihara.
Tại cuộc họp, cả ba nước đều nhất trí sẽ duy trì các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên trong khi vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại với Bình Nhưỡng. Ông Sung Kim, Đại diện đặc biệt của Mỹ đối với chính sách Triều Tiên cho biết:"Chúng tôi nhất trí rằng, sẽ tiếp tục duy trì các lệnh trừng phạt nếu Triều Tiên vi phạm các nghĩa vụ và cam kết quốc tế. Chúng tôi cũng sẽ tìm kiếm cơ hội để quay trở lại các cuộc đàm phán về vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Về vấn đề này Triều Tiên sẽ cần phải chứng minh cam kết phi hạt nhân hóa một cách cụ thể trước khi các bên tiếp tục các cuộc đàm phán nghiêm túc”.
"Chúng tôi đã thảo luận khả năng khác nhau để Triều Tiên tham gia vào các cuộc đối thoại song phương, không chỉ là cuộc đối thoại song phương Mỹ-Triều Tiên mà còn có các cuộc đối thoại giữa Triều Tiên và Nhật Bản và tất nhiên là cả cuộc đối thoại song phương giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Tôi nghĩ rằng, có rất nhiều cơ hội và điều quan trọng là Triều Tiên có sẵn sàng để tham gia vào các cuộc đối thoại nghiêm túc về vấn đề việc phi hạt nhân hóa hay không" - ông Sung Kim nói.
Về phần mình, ông Hwang Joon-kook, đặc phái viên của Hàn Quốc cho biết: "Gây áp lực lên Bình Nhưỡng và giữ cho các cánh cửa đối thoại mở ra là hai phương pháp tiếp cận riêng biệt quan trọng trong vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Trong bối cảnh đó, chính phủ Mỹ đang tích cực hỗ trợ đối thoại giữa Hàn Quốc và Triều Tiên".
Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng cho rằng, Triều Tiên trước tiên phải có những bước đi có ý nghĩa hướng tới phi hạt nhân hóa và tự kiềm chế hành động khiêu khích để các cuộc đàm phán sáu bên được tiếp tục.
Các cuộc đàm phán 6 bên với sự tham dự của Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Triều Tiên và Hàn Quốc được khởi động hồi tháng 8/2003 tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, song đã bị ngưng trệ từ tháng 12/2008.
Ý kiến bạn đọc