Giận Mỹ, Nga có thể tung “đòn hiểm hóc”

07:30, 22/01/2015
|

(VnMedia) - Nga có thể bàn giao một hệ thống tên lửa S-300 tối tân cho Iran theo hợp đồng từng bị Moscow đình chỉ hồi năm 2010 dưới áp lực mạnh mẽ của phương Tây. Thông tin này do báo chí Nga và Iran tiết lộ hôm 20/1. Nếu điều này thực sự xảy ra thì đây có thể được coi là đòn “trả đũa hiểm hóc” của Moscow nhằm vào phương Tây trong bối cảnh phương Tây tiếp tục dồn ép, gây khó dễ cho Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
 

Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa


Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu vừa có chuyến thăm Tehran và đã ký một thỏa thuận hợp tác quân sự vói Bộ trưởng Quốc phòng Iran – Chuẩn tướng Hossein Dehqan, hãng tin bán chính thức của Iran - Fars đưa tin.
 
Cũng theo nguồn tin từ Fars, hai nước Nga và Iran sẽ tìm cách giải quyết các vấn đề liên quan đến việc chuyển giao hệ thống tên lửa tối tân mà Iran từng ký hợp đồng mua của Nga. Hãng tin RIA Novosti của Nga cũng xác nhận thông tin về việc vấn đề hệ thống tên lửa S-300 đã quay trở lại bàn thảo luận song phương giữa Moscow và Tehran.
 
"Một bước đi đang được thực hiện theo hướng tăng cường sự hợp tác về kinh tế và công nghệ vũ khí, ít nhất là với những hệ thống phòng thủ như S-300 và S-400. Có thể, chúng tôi sẽ chuyển giao chúng”, hãng tin RIA Novosti dẫn lời Trung tướng Leonid Ivashov cho biết. Ông Ivashov từng là cựu lãnh đạo của Cục Hợp tác Quốc tế thuộc Bộ Quốc phòng Nga.
 
Hiện chưa có thêm thông tin chi tiết về vấn đề tên lửa S-300 giữa Nga và Iran.
 
Iran quan tâm đặc biệt đến các tổ hợp tên lửa S-300 của Nga và họ đã ký một hợp đồng mua 5 hệ thống tên lửa thiện chiến này hồi năm 2007. Tuy nhiên, hợp đồng trên đã bị hủy bỏ vào năm 2010 theo quyết định của Tổng thống Nga khi đó – ông Dmitry Medvedev. Lý do được ông Medvedev đưa ra là việc Nga cung cấp những tên lửa tinh vi S-300 cho Iran sẽ vi phạm các biện pháp trừng phạt mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt lên nước Cộng hòa Hồi giáo.
 
Tức giận trước quyết định bất ngờ của Moscow, Tehran tuyên bố sẽ kiện Nga ra tòa án quốc tế ở Geneva.
 
Moscow đã tìm nhiều cách để thuyết phục Tehran hủy bỏ vụ kiện, trong đó có việc đưa ra lời đề nghị cung cấp những hệ thống phòng không khác cho Iran thay vì S-300. Những lời đề nghị đó đều bị Tehran bác bỏ. Có thể nói, quan hệ giữa Nga và Iran đã xấu đi trong thời gian vừa qua kể từ vụ Moscow đột ngột hủy bỏ hợp đồng S-300 với Tehran.
 
Tuy nhiên, Trung tướng Ivashov cho rằng, mối quan hệ của Nga với Iran đã được củng cố gần đây do các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Cả hai nước hiện tại đều đang phải đối mặt với những đòn trừng phạt của phương Tây. Trong bối cảnh như vậy, Nga và Iran đang hướng tới việc mở rộng sự hợp tác trong nhiều lĩnh vực, trong đó đương nhiên không thể thiếu lĩnh vực hạt nhân và quân sự.
 
S-300, còn được gọi là SA-20, được xem là một trong những hệ thống tên lửa đối không hiệu quả nhất thế giới. Nó có thể bắn hạ các máy bay chiến đấu và các loại tên lửa đầu đạn hạt nhân tầm thấp. S-300 với tầm bắn hơn 200km có khả năng theo dõi đồng thời 100 mục tiêu và tấn công 6 mục tiêu cùng lúc.
 
Phương Tây luôn nơm nớp lo sợ trước việc Nga bán siêu tên lửa S-300 cho các nước Trung Đông, trong đó có Iran và Syria.
 
Mỹ tìm hiểu thông tin về chuyến thăm Iran của Bộ trưởng Quốc phòng Nga
 
Thông tin về khả năng Nga có thể bàn giao tên lửa S-300 cho Iran không khỏi khiến Mỹ và phương Tây “toát mồ hôi hột” vì lo ngại. Chính quyền Mỹ đang “nghiên cứu” thông tin về chuyến thăm đến Tehran của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu. Phía Mỹ đã cảnh báo trước rằng việc Nga cung cấp hệ thống tên lửa tối tân S-300 cho Iran là điều không thể chấp nhận được.
 
Mỹ đã nắm được thông tin về cuộc gặp ở Iran giữa các quan chức chính phủ Nga và Iran để thảo luận về các thỏa thuận và hợp tác quân sự. Hiện tại, Washington đang nghiên cứu thông tin về những cuộc gặp gỡ đó, một quan chức giấu tên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hãng tin Itar-Tass biết.
 
Phía Mỹ trước đó đã nói rõ rằng, nước này phản đối bất kỳ vụ bán tên lửa S-400 nào cho Iran. Sự phản đối này vẫn có hiệu lực, vị quan chức giấu tên của Mỹ nhấn mạnh.
 
Dù có cảnh báo, Mỹ cũng nên chuẩn bị sẵn tinh thần đón nhận “đòn hiểm hóc” của Nga nhằm trả đũa cho việc Mỹ cùng phương Tây ra sức gây áp lực, dồn ép Nga trên mọi mặt trận.
 
Trước đây, từng có nhiều nhà phân tích và chuyên gia đã cảnh báo về việc nếu phương Tây tìm cách cô lập Nga, đẩy Nga ra xa thì đương nhiên Moscow sẽ phải tìm cách phản kháng lại. Cách duy nhất và hiệu quả là Nga sẽ kết hợp với những nước đối thủ của phương Tây, những nước khiến phương Tây đau đầu như Iran và Triều Tiên.
 
Trên thực tế, mối quan hệ giữa Nga với Iran và Triều Tiên đang tốt hơn lên rất nhiều kể từ sau khi phương Tây tung hàng loạt đòn trừng phạt gây tổn thương đến nền kinh tế Nga. Thiếu Nga, phương Tây khó lòng đối phó với Iran và Triều Tiên, đặc biệt là trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng mang tên hạt nhân của hai nước này.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc