Đức dịu giọng ve vuốt Nga

10:52, 15/01/2015
|

(VnMedia) - NATO mong muốn được hợp tác với Nga và không muốn theo đuổi các chính sách chống Nga, nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm qua (14/1) đã nói như vậy. Đây rõ ràng là phát biểu đầy dịu nhẹ của Nhà lãnh đạo Đức sau một thời gian dài Berlin quyết liệt theo đuổi chính sách cứng rắn với Nga – một nước từng là “bạn thân” hàng đầu của Đức ở Châu Âu.
 

Ảnh minh họa

Nữ Thủ tướng Đức Merkel


"Tất nhiên, theo Điều khoản 5, chúng tôi sẽ bảo vệ tất cả các nước thành viên của mình nhưng chúng tôi không muốn theo đuổi các chính sách chống Nga. Chúng tôi mong muốn hợp tác chính trị với Liên bang Nga", Thủ tướng Merkel phát biểu với các phóng viên sau cuộc gặp với Tổng thu ký NATO Jens Stoltenberg.
 
Thủ tướng Đức đang nhắc đến Điều khoản 5 trong hiệp ước Washington của NATO. Điều khoản này quy định trong trường hợp có một cuộc tấn công xảy ra nhằm vào một hay hơn một nước ở Châu Âu hay Bắc Mỹ, đó sẽ được xem là một cuộc tấn công nhằm vào NATO.
 
Đức và Nga từng có mối quan hệ thân thiết, chặt chẽ hàng đầu Châu Âu, không chỉ dựa vào mối dây lịch sử, truyền thống và địa lý mà còn dựa vào mối liên kết kinh tế đầy gắn bó. Trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng Ukraine, Đức chần chừ không muốn ra tay với Nga. Tuy nhiên, cuối cùng chính quyền của Thủ tướng Đức Merkel cũng đã theo đuổi chính sách trừng phạt Nga. Điều đáng nói là càng về sau này, Đức càng tỏ ra cứng rắn hơn, quyết liệt hơn với Nga.
 
Trên thực tế, Đức không muốn mạnh tay với Nga vì điều đó ảnh hưởng trước hết và nhiều nhất đến bản thân họ. Cuộc chiến trừng phạt hiện nay đang gây tổn thất cho cả Nga và các nước Châu Âu. Trong số các nước EU, Đức là nước được cho là “ngấm đòn đau nhất”. Vậy tại sao Đức càng ngày lại càng quyết liệt với Nga khi mà họ đang phải hứng chịu hậu quả nhiều nhất Châu Âu? Người ta tin rằng, Đức hiện tại đang là nước gần như đứng đầu, dẫn dắt EU. Với tư cách là nước lãnh đạo EU, Đức không có đường lùi trong cuộc đối đầu với Nga. Kết quả là họ phải gạt lợi ích cá nhân sang một bên để thể hiện vị trí lãnh đạo, dẫn dắt EU.
 
Những phát biểu dịu nhẹ mới nhất của bà Merkel trùng với những gì mà Tổng thư ký NATO nói trước đó. Ông Stoltenberg nhấn mạnh, liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương “không tìm cách dẫn đầu một tiến trình đối đầu chống lại Nga mà muốn xây dựng một mối quan hệ mang tính xây dựng”.
 
Người đứng đầu liên minh quân sự phương Tây cũng lên tiếng kêu gọi Nga chấm dứt ủng hộ cho lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine. “Chúng tôi kêu gọi Nga tôn trọng các thoả thuận Minsk, sử dụng ảnh hưởng của mình đối với lực lượng ly khai miền đông để bắt họ phải tôn trọng lệnh ngừng bắn và chấm dứt sự ủng hộ cho lực lượng ly khai”, Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho biết tại một cuộc họp báo ở thủ đô Berlin.
 
"NATO không muốn đối đầu với Nga. NATO mong muốn tìm kiếm một mối quan hệ hợp tác và mang tính xây dựng hơn với Nga. Nhưng để làm được điều đó, Nga cũng phải muốn như vậy”, ông Stoltenberg nói thêm.
 
Trước đó, cùng ngày, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cũng đã bày tỏ, ông muốn muốn bình thường hoá quan hệ với phương Tây, nói rằng Nga “đánh giá cao mối quan hệ mà chúng tôi đã có với Châu Âu trong vài thập kỷ qua”.
 
Quan hệ giữa Nga và NATO đang “lao dốc không phanh” kể từ sau khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phạt. NATO cáo buộc Nga đứng đằng sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine, gây ra cuộc xung đột ở miền đông nước ngày. Moscow kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên.
 
Tuy vậy, NATO vẫn tuyên bố cắt đứt các quan hệ hợp tác quân sự với Nga cũng như ngừng tiếp xúc cấp cao với Nga. Cùng với đó, liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức tăng cường mạnh mẽ sự hiện diện quân sự ở khu vực Đông Âu với tuyên bố là để đối phó với  Nga sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Đương nhiên, Nga cảm thấy ra lo ngại trươc việc NATO bành trướng lực lượng quân sự đến sát biên giới của họ.
 
Mặc dù vậy, cả Nga và NATO đều không phủ nhận họ đều cần đến nhau và sự hợp tác giữa hai bên là điều cần thiết cho một Châu Âu ổn định, an toàn. Đặc biệt là sau khi xảy ra loạt vụ tấn công khủng bố gây rúng động toàn thế giới ở thủ đô Paris cách đây vài ngày, NATO và Nga đều lên tiếng khẳng định, họ cần phải hợp tác với nhau để chống lại mối đe doạ khủng bố lớn nhất toàn cầu hiện nay.
 
Tuy nhiên, để Nga và NATO nối lại quan hệ là điều không dễ dàng khi mà cả hai bên tiếp tục đối đầu không khoan nhượng trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
 
EU-Nga tiếp tục căng thẳng?
 
Liên quan đến mối quan hệ với phương Tây và cuộc đối đầu Đông-Tây vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Nga và Liên minh Châu Âu (EU) được cho là tiếp tục căng thẳng với nhau vì các biện pháp trừng phạt.
 
Ngoại trưởng các nước EU không thể đưa ra một quyết định rõ ràng về việc có nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Nga hay không trong cuộc họp vào thứ Hai tuần tới (19/1).
 
Ngoại trưởng các nước thành viên EU được cho là sẽ tiến hành thảo luận về các biện pháp trừng phạt Nga trong cuộc họp vào tuần tới. Trước cuộc họp, một văn bản thảo luận dài 4 trang đã được chuẩn bị và được phát cho các nước EU.
 
"Trong cuộc họp sắp tới, tôi không nghĩ là EU sẽ đưa ra bất kỳ quyết định nào liên quan đến các biện pháp trừng phạt của liên minh này đối với Nga”, một nguồn tin EU cho biết.
 
Trước đó, một nguồn tin tiết lộ rằng, trong văn bản được phát đi cho các nước thành viên và là văn bản mật liên quan đến mối quan hệ Nga-EU, Liên minh Châu ÂU đã đề nghị dần dần bình thường hoá quan hệ với Nga trong bối cảnh đã có tiến bộ đạt được trong việc thực hiện thoả thuận hoà bình ở Ukraine và việc Nga hoàn tất thoả thuận khí đốt với Kiev.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc