(VnMedia) - Sau khi xảy ra vụ khủng bố kinh hoàng ở Paris hôm 7/1 và có hàng loạt cảnh báo về việc Châu Âu sẽ là mục tiêu tấn công của khủng bố trong thời gian tới, NATO đã vội vã tìm đến Nga.
|
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg |
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm qua (8/1) phát biểu, Nga nên là đồng minh của liên minh này trong cuộc chiến chống khủng bố sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố kinh hoàng nhất trong vòng 5 thập kỷ trở lại đây nhằm vào nước Pháp. Những kẻ khủng bố đã tấn công vào văn phòng toà soạn báo Charlie Hebdo ở giữa thủ đô Paris, khiến 12 người thiệt mạng, trong đó có 8 nhà báo, 2 sĩ quan cảnh sát, 1 nhân viên bảo dưỡng và một vị khách.
"Nga nên là một đồng minh của chúng ta trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. Đó là lý do tại sao chúng ta phấn đấu tìm kiếm một mối quan hệ mang tính hợp tác hơn, xây dựng hơn với nước Nga”, ông Stoltenberg cho biết.
Tổng thư ký NATO cũng nói thêm rằng, liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương và Nga – nước láng giềng lớn nhất của liên minh ở Châu Âu đang “làm việc cùng nhau trên một loạt vấn đề quan trọng như chống khủng bố”.
Ông Stoltenberg cũng lên án vụ tấn công vào trụ sở toà soạn báo của Pháp, miêu tả đó là một hành động tấn công vào sự tự do báo chí và tự do ngôn luận.
Những phát biểu trên của người đứng đầu liên minh quân sự lớn nhất thế giới hiện nay được đưa ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga và NATO đang hết sức căng thẳng vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Hồi tháng 4 năm ngoái, NATO thẳng thừng tuyên bố ngừng các hoạt động hợp tác quân sự với Nga, hạn chế các cuộc tiếp xúc song phương ở cấp đại sứ và cấp cao hơn vì sự bất đồng giữa hai bên trong cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine.
Hồi tháng 5 năm ngoái, Phó Tổng thư ký NATO Aleksander Vershbow còn tuyên bố, liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương cần phải đối xử với Nga “như một đối thủ hơn là một đối tác”.
Tiếp đó, trong bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc cũng hồi năm ngoái, Tổng thống của nước Mỹ - thành viên hàng đầu của NATO đã miêu tả Nga là mối đe doạ quốc tế lớn thứ hai của thế giới – sau dịch bệnh Ebola và trước cả nhóm khủng bố khét tiếng thế giới mang tên Nhà nước Hồi giáo.
Về phía mình, cảm thấy bị đe doạ bởi các hoạt động củng cố sự hiện diện quân sự của NATO ở Ba Lan và các nước Baltic – các nước láng giềng của Nga, Moscow hồi tháng 12/2004 đã tuyên bố coi NATO là mối đe doạ hàng đầu đối với an ninh của nước Nga trong học thuyết quân sự mới.
Đảo chiều quan hệ Nga-NATO vì mối hoạ khủng bố?
Với những phát biểu mới nhất của Tổng thư ký NATO, người ta hy vọng mối quan hệ Nga-NATO sẽ đảo chiều sau khi rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Khi cùng phải đối diện với một mối đe doạ cực kỳ đáng sợ, người ta sẽ có xu hướng đoàn kết, liên kết lại với nhau, tạo thành một khối sức mạnh để chống lại mối đe doạ. Trường hợp của Nga và NATO được hy vọng sẽ tiến triển theo hướng đó.
Trước khi xảy ra vụ tấn công khủng bố gây rúng động thế giới ở thủ đô Paris của nước Pháp, Nga và NATO xem nhau như kẻ thù. NATO thậm chí còn tuyên bố cắt đứt quan hệ với Nga. Bản thân quan hệ giữa Nga và Pháp cũng đang lao đao, khốn đốn vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Tuy nhiên, vụ khủng bố Paris đã dấy lên hồi chuông báo động về sự đáng sợ của chủ nghĩa khủng bố. Và ngay lập tức, cộng đồng thế giới bắt đầu thể hiện sự đoàn kết, sẵn sàng cùng nhau đương đầu với cái ác, với chủ nghĩa khủng bố đang gây rối loạn khắp nơi.
Nga đã ngay lập tức chia sẻ với nước Pháp về vụ khủng bố ở Paris dù hai nước đang “căng như dây đàn” vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine, vì hợp đồng tàu chiến Mistral bị dền dứ bao lâu nay. Tổng thống Nga Putin đã ngay lập tức gọi điện cho Tổng thống Pháp Hollande để bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ sâu sắc với nước Pháp và người dân Pháp về vụ khủng bố kinh hoàng vào toà soạn báo Charlie Hebdo. “Nhà lãnh đạo Nga đã lên án hành động dã man, tàn bạo của những kẻ khủng bố đồng thời bày tỏ hy vọng kẻ thủ ác sớm bị bắt và phải đối mặt với sự trừng phạt thích đáng”.
Sau đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Pháp Laurent Fabius cũng có cuộc điện đàm, tái khẳng định về sự cần thiết đối với mối quan hệ hợp tác giữa các nước trong cuộc chiến chống khủng bố.
Trên thực tế, sự đoàn kết, hợp tác của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là giữa các nước lớn, liên minh lớn với nhau là vô cùng cần thiết, quan trọng có tính sống còn trong việc đối đầu với những thách thức toàn cầu. Chủ nghĩa khủng bố là một trong những thách thức toàn cầu đáng sợ nhất, đáng báo động nhất. Nếu không có sự chung tay của các nước, thách thức từ chủ nghĩa khủng bố sẽ ngày một tăng lên và có nguy cơ khi cả thế giới rơi vào tình trạng bất ổn, rối loạn.
Châu Âu hiện nay đang được cho là một trong những mục tiêu hàng đầu của chủ nghĩa khủng bố kể từ sau khi một liên minh hùng hậu gồm hơn 60 nước tham gia vào cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo – nhóm khủng bố đáng sợ nhất thế giới hiện nay.
Kiệt Linh
Ý kiến bạn đọc