Vụ MH17: Nga tung bằng chứng khiến Kiev chết lặng?

11:09, 25/12/2014
|

(VnMedia) - Ủy ban Điều tra Nga hôm qua (24/12) đã lên tiếng xác nhận về những thông tin vừa được tiết lộ bởi một người Ukraine về việc anh ta đã chứng kiến một chiếc máy bay chiến đấu Su-25 của quân đội Kiev mang theo tên lửa không đối không trong ngày xảy ra vụ máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysian Airlines bị bắn rơi.

Ảnh minh họa

Hiện trường vụ rơi máy bay MH17 ở miền đông Ukraine


Chiếc Su-25 của Không quân Ukraine khi đi mang theo tên lửa nhưng khi quay trở về căn cứ đã không còn mang theo tên lửa nữa. Đây chính là điểm nghi vấn khiến người ta đang đặt ra khả năng chính quân đội Ukraine đã bắn rơi chiếc máy bay chở khách và sau đó đổ lỗi cho lực lượng ly khai miền đông cũng như Nga,

 

Phát biểu trước cánh báo chí ngày hôm qua, phát ngôn viên của Ủy ban Điều tra Nga – ông Vladimir Markin cho biết, cuộc phỏng vấn nhân chứng nói trên diễn ra hôm thứ Ba (23/12). Trong cuộc phỏng vấn đó, nhân chứng vốn là một nhân viên của căn cứ không quân nơi chiếc Su-25 của Ukraine cất cánh cùng tên lửa không đối không cho biết, anh đã trực tiếp chứng kiến việc 3 chiếc máy bay chiến đấu của quân đội Ukraine cất cánh hôm 17/7, trong đó có chiếc Su-25 nói trên.

 

“Sau một thời gian, chỉ có một chiếc chiến đấu cơ trong số 3 chiếc trở lại. Đó là chiếc mang theo tên lửa nhưng khi trở lại nó đã không còn mang theo các tên lửa. Viên phi công đã rất hoảng loạn. Anh ta còn nói lẩm bẩm từ ‘nhầm máy bay’ và ‘chiếc máy bay đã ở nhầm vị trí, nhầm thời điểm’”, nhân viên của căn cứ không quân cho biết. Nhân chứng này còn nhấn mạnh, chỉ có chiếc Su-25 được trang bị tên lửa không đối không và đó chắc chắn là tên lửa không đối không chứ không phải tên lửa đất đối không.

 

Điều đáng nói là trong cuộc phỏng vấn nhân chứng giấu tên người Ukraine, các nhà điều tra Nga đã sử dụng máy kiểm tra nói dối và họ không phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào chứng tỏ nhân chứng đó đã nói dối.

 

“Những dữ liệu do nhân chứng cung cấp rất rõ ràng và không có sự mâu thuẫn. Các nhà điều tra thiên về khả năng đó là những lời nói thật. Và máy kiểm tra nói dối đã xác nhận thêm một lần nữa cho nhận định của họ”, vị quan chức Nga cho biết.

 

“Theo những gì anh ta trình bày, anh ta rõ ràng đã trực tiếp nhìn thấy chiếc máy bay (chiến đấu cơ Ukraine ) được điều khiển bởi phi công có tên là Voloshin và nó được trang bị tên lửa không đối không R-60”, ông Markin cho biết. “Nhân chứng cũng nói thêm rằng, máy bay sẽ không cần phải trang bị thứ vũ khí như vậy trong các nhiệm vụ bay thông thường của Không quân Ukraine bởi lực lượng ly khai không có máy bay quân sự”.

 

Phát ngôn viên Markin cho hay, Ủy ban Điều tra Nga sẽ tiếp tục thu thập và phân tích bằng chứng để tìm hiểu rõ vụ máy bay MH17 bị bắn rơi đồng thời sẽ chia sẻ thông tin với nhóm điều tra quốc tế do Hà Lan dẫn đầu “nếu họ thực sự quan tâm đến sự thật và gửi yêu cầu đến chúng tôi”.

 

Nhân chứng trên sẽ được Nga bảo vệ bởi tính mạng của anh có thể bị đe dọa, ông Markin nói thêm.

 

Vụ MH17: Càng lúc càng bí ẩn

Cơ quan An ninh Ukraine hôm qua đã xác nhận việc có phi công Voloshin phục vụ trong Lực lượng Vũ trang Ukraine . Tuy nhiên, cơ quan này tuyên bố, ông Voloshin không thực hiện chuyến bay nào trong ngày chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysian Airlines bị bắn rơi.

 

Ủy ban Điều tra Nga đã đề nghị các chuyên gia Hà Lan và Malaysia tiến hành cuộc kiểm tra đối với ông Voloshin, sử dụng máy kiểm tra nói dối, đồng thời yêu cầu Cơ quan An ninh Ukraine cung cấp dữ liệu ghi chép của quân đội Ukraine trong ngày xảy ra vụ bắn rơi máy bay cho nhóm điều tra chính thức, ông Markin cho biết.

 

“Việc Cơ quan An ninh Ukraine thừa nhận có sự tồn tại của một người có tên là Voloshin trong quân đội đã là một thành công”, phát ngôn viên Ủy ban Điều tra Nga nhận xét.

 

Ông Markin gợi ý nên tiến hành thẩm vấn các nhân viên kiểm soát không lưu hoạt động trong khu vực vào ngày xảy ra thảm họa đối với chiếc máy bay MH17. Theo vị quan chức Nga, người mà các nhà điều tra nên tìm trước tiên chính là những nhân viên kiểm soát không lưu.

 

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga cũng từng công bố các dữ liệu radar cho thấy một chiếc máy bay quân sự Ukraine có khả năng bắn hạ máy bay khác bằng tên lửa không đối không đã có mặt gần chiếc máy bay MH17 vào thời điểm nó gặp nạn.

 

Trong bản báo cáo kết quả điều tra sơ bộ ban đầu được công bố mới đây, các nhà điều tra quốc tế đã nói rằng, chiếc MH17 bị bắn rơi bởi ngoại lực nhưng bản chất của ngoại lực đó là gì chưa được làm rõ. Điều này khiến cho cuộc chiến đổ lỗi cho nhau tiếp tục diễn ra.

 

Ngay sau khi vụ MH17 xảy ra, Kiev cùng với phương Tây đã rất nhanh chóng đổ lỗi cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine và Nga. Moscow đã bác bỏ cáo buộc này và kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra minh bạch, công khai và công bằng.

 

Gần đây, ngày càng có nhiều thông tin về khả năng quân đội Ukraine mới chính là thủ phạm gây ra vụ bắn rơi máy bay MH17. Không chỉ là các thông tin được cung cấp từ Nga mà từ cả giới điều tra, phân tích của phương Tây. Các thông tin đó chưa được kiểm chứng, xác minh nhưng nó khiến cho bức màn bao quanh vụ MH17 càng lúc càng bí ẩn.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc