Trung Quốc “vừa đấm vừa xoa” các nước láng giềng

07:29, 01/12/2014
|

(VnMedia) - Trong bài phát biểu quan trọng về chính sách đối ngoại mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có những phát biểu mang tính “vừa đấm vừa xoa” đối với các nước láng giềng xung quanh vốn đang cực kỳ quan ngại về lập trường và hành vi ứng xử của cường quốc số 1 Châu Á này.

 

Ảnh minh họa

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình


Tuyên bố chủ quyền cứng rắn...

 

Tờ Tân Hoa Xã – cơ quan ngôn luận chính thức của nhà nước Trung Quốc, hôm qua (30/11) đưa tin, Chủ tịch Tập Cận Bình trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại mới đây đã tuyên bố đầy cứng rắn rằng, cường quốc đang lên ở Châu Á này sẽ bảo vệ vững chắc lãnh thổ chủ quyền. Phát biểu này được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang có tranh chấp hàng hải quyết liệt với một loạt nước láng giềng xung quanh.

 

"Chúng tôi kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, các quyền và lợi ích hàng hải cũng như tình đoàn kết dân tộc", ông Tập Cận Bình cho biết tại một cuộc họp của Đảng Cộng sản Trung Quốc về các vấn đề chính sách đối ngoại vừa được tổ chức trong hai ngày 28 và 29/11.

 

Bài phát biểu của ông Tập Cận Bình rõ ràng là một thông điệp cứng rắn mà Trung Quốc muốn nhắn gửi đến các nước láng giềng đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với họ. Đây cũng là lời nhắc lại những tuyên bố xuyên suốt trong thời gian qua của giới lãnh đạo Trung Quốc kể từ khi nước này làm dấy lên các cuộc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Bắc Kinh luôn khẳng định sẽ bảo vệ đến cùng chủ quyền lãnh thổ của họ. Chỉ có điều chủ quyền mà họ đang đòi hỏi ở nhiều khu vực là phi lý và gây bất bình.

 

Trung Quốc đang có một mối quan hệ xấu trầm trọng với Nhật Bản vì cuộc tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Cuộc tranh chấp này “dậy sóng” suốt 2 năm qua và nó đã chứng kiến những cuộc đối đầu căng thẳng đến nghẹt thở giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á này. Không ít lần, người ta đã nghỉ đến tình huống xảy ra một cuộc xung đột quân sự giữa Trung Quốc vàNhật Bản ở biển Hoa Đông.

 

Trung Quốc cũng đang tranh giành quyết liệtBiển Đông với các nước Đông Nam Á gồm Brunei , Malaysia , Philippines và Việt Nam . Bắc Kinh khiến các nước trong khu vực và cả cộng đồng thế giới bất bình, phản đối quyết liệt khi nước này đòi chủ quyền đến gần 90% Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên.

 

Trong mấy năm trở lại đây, Trung Quốc đã thể hiện một lập trường quyết liệt, hung hăng và hiếu chiến trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Các hành động của Trung Quốc liên tục vấp phải sự lên án, chỉ trích của dư luận thế giới.

 

Thế nhưng, trong bài phát biểu mới nhất về chính sách đối ngoại của mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn khăng khăng khẳng định, nước ông “xử lý đúng đắn và thích hợp các cuộc tranh chấp lãnh thổ và biển đảo”.

... và lời cam kết hòa bình

 

Sau những phát biểu cứng rắn thể hiện quyết tâm “bảo vệ chủ quyền lãnh thổ”, Chủ tịch Tập Cận Bình đã dịu giọng khẳng định, Trung Quốc tìm kiếm “con đường phát triển hoa bình” và phản đối “việc cố ý sử dụng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực”.

 

Lãnh đạo các nước Mỹ, Australia và Nhật Bản hồi đầu tháng trước từng lên tiếng kêu gọi tìm kiếm giải pháp hòa bình cho những cuộc tranh chấp hàng hải trong khu vực sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo về nguy cơ xảy ra xung đột ở Châu Á khi Trung Quốc quyết liệt lấn tới trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải.

 

Trung Quốc coi chính sách đối ngoại “xoay trục” về Châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ là một nỗ lực nhằm kiềm chế nước này.

 

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình không đả động trực tiếp đến nước Mỹ trong bài phát biểu của mình nhưng nói rằng Bắc Kinh nên “quản lý tốt” mối quan hệ của nước này với các nước lớn khác.

 

"Chúng ta nên hiểu rõ về sự bất ổn trong môi trường láng giềng xung quanh Trung Quốc nhưng chúng ta cũng nên thừa nhận rằng xu hướng ổn định, thịnh vượng là xu hướng chung ở Châu Á-Thái Bình Dương và nó sẽ không thay đổi”, ông Tập Cận Bình đã phát biểu như vậy.

 

Những phát biểu dịu nhẹ trên của ông Tập Cận Bình được đưa ra chỉ chưa đầy 2 tuần sau khi ông này có những phát biểu mềm mỏng tương tự. Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 17/11 đã lên tiếng cam kết rằng Trung Quốc sẽ luôn luôn sử dụng các biện pháp hoà bình để theo đuổi các mục đích của nước này, trong đó có tranh chấp hàng hải. "Trung Quốc vẫn không thay đổi trong quyết tâm theo đuổi sự phát triển hoà bình. Cả sự bất ổn hay chiến tranh đều không phục vụ gì cho lợi ích căn bản của nhân dân Trung Quốc. Chỉ có một xu hướng duy nhất trong thế giới ngày nay, đó là xu hướng hoà bình, phát triển và hợp tác trên cơ sở đôi bên cùng có lợi”, ông Tập Cận Bình phát biểu tại Australia .

 

Việc Chủ tịch Tập Cận Bình liên tục nhấn mạnh cam kết “phát triển hòa bình” trong những bài phát biểu gần đây cùng lời đề nghị bất ngờ của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường về việc ký hiệp ước thân thiện với các nước Đông Nam Á khiến nhiều người bất ngờ. Những diễn biến này là dấu hiệu cho thấy, giới lãnh đạo Trung Quốc dường như đang dịu nhẹ hơn và đang tìm cách trấn an, ve vuốt các nước láng giềng xung quanh sau khi các cuộc tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông thời gian qua diễn ra theo chiều hướng ngày một nóng bỏng, có nguy cơ leo thang thành xung đột.

Tuy nhiên, người ta chưa thể tin tưởng vào những phát biểu của giới lãnh đạo Trung Quốc khi mà các hành động của họ trong tranh chấp biển đảo không hề có sự thay đổi.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc