Trung Quốc lại bị trong ngoài bao vây

18:27, 03/12/2014
|

(VnMedia) Ấn Độ và Vùng lãnh thổ Đài Loan đang tích cực tăng cường sức mạnh quân sự nhằm đối phó với cái mà họ miêu tả là những mối đe dọa tiềm tàng từ Trung Quốc. Trong khi Đài Loan đẩy mạnh phát triển các hệ thống tên lửa phòng thủ, thì Ấn Độ lại đang nỗ lực củng cố sức mạnh hải quân.

Các tập đoàn phát triển vũ khí của Đài Loan hôm qua (2/12) cho biết, vùng lãnh thổ này sẽ triển khai những hệ thống tên lửa đất đối không mới để bảo vệ không phận trong 20 năm tới nhằm đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc đại lục.

Ảnh minh họa
Tên lửa Thiên Cung III

Quá trình chế tạo tên lửa Tienkung III (Thiên Cung III) – nguyên mẫu tối tân nhất trong các loại tên lửa phòng không do Đài Loan tự chế tạo sẽ được thực hiện từ năm 2015-2024. Gần đây, Quốc hội Vùng lãnh thổ Đài Loan đã thông qua một gói ngân sách trị giá lên tới 2,5 tỷ USD cho dự án này.
 
“Hệ thống tên lửa Tienkung III có khả năng đánh chặn các loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tên lửa hành trình cùng các loại chiến đấu cơ hiện đại khác”, một quan chức cấp cao thuộc Viện Khoa học và Kỹ thuật Chung-Shan, chủ nhiệm dự án cho biết.
 
“Cùng với hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ, hệ thống Tienkung III sẽ bảo vệ không phận Đài Loan trong vòng 15-20 năm tới”, một quan chức có tên Huang cho biết.
 
Cùng với đó, viện nghiên cứu trên còn công bố đoạn video cho thấy báo giới tới thăm khu phức hợp được canh gác chặt chẽ ở phía bắc Đài Loan. Trong đoạn phim ngắn, hai tên lửa Tienkung III được phóng từ bệ phóng thẳng đứng tại căn cứ không quân Chiupeng, bay vụt lên bầu trời và tiêu diệt mục tiêu giả định. Tuy nhiên, ông Huang từ chối cung cấp đặc điểm cụ thể của loại tên lửa mới dự kiến sẽ thay thế các tên lửa Hawk do Mỹ sản xuất trên. Theo suy đoán của giới truyền thông, tên lửa Thiên Cung III có tầm bắn lên tới 200 km.
 
Dự án phát triển tên lửa Thiên Cung III là một phần trong nỗ lực của Vùng lãnh thổ Đài Loan trong việc xây dựng lá chắn phòng không có thể đối phó với bất kỳ đợt tấn công nào từ Trung Quốc. Theo Cơ quan phòng vệ Đài Loan, Trung Quốc hiện đang sở hữu hơn 1.500 tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo chĩa về phía Đài Loan.

Căng thẳng ở Eo biển Đài Loan đã trở nên dịu nhẹ đi kể từ sau khi chính quyền thân Trung Quốc của Nhà lãnh đạo Ma Ying-jeou lên cầm quyền năm 2008 dựa trên cương lĩnh củng cố, phát triển các mối quan hệ thương mại và du lịch với Trung Quốc đại lục. Ông Ma Ying-jeou tiếp tục tái đắc cử năm 2012.
 
Tuy nhiên, Bắc Kinh không loại trừ khả năng dùng vũ lực đối với Vùng lãnh thổ Đài Loan nếu khu vực này tìm cách đòi độc lập với Trung Quốc.

Ấn Độ củng cố sức mạnh hải quân

Không chỉ có Vùng lãnh thổ Đài Loan mà cả Ấn Độ, một quốc gia láng giềng đầy duyên nợ khác của Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh các chương trình hiện đại hóa hải quân của mình cũng như kêu gọi sự hậu thuẫn của các quốc gia láng giềng nhằm để “răn đe” việc Bắc Kinh đưa tàu ngầm tới hoạt động tại Ấn Độ Dương.

Chỉ vài tháng sau cuộc đối đầu ở khu vực biên giới tranh chấp trên bộ giữa  Trung Quốc và Ấn Độ tại Himalaya, tàu ngầm Trung Quốc đã xuất hiện ở Sri Lanka, đảo quốc ngoài khơi bờ biển Tây Nam Ấn Độ. Không chỉ có vậy, Trung Quốc còn đang tích cực đẩy mạnh quan hệ với quần đảo Maldives tại Ấn Độ Dương.  Được biết, hiện Trung Quốc đang sở hữu khoảng 60 tàu ngầm thông thường và 10 tàu ngầm hạt nhân, trong đó có 3 chiếc trang bị vũ khí hạt nhân. Các động thái trên của Trung Quốc cho thấy quyết tâm của nước này trong việc tăng cường sự hiện diện quân sự tại Ấn Độ Dương - tuyến hàng hải đưa 4/5 lượng dầu mỏ nhập khẩu vào Trung Quốc.
 
Ông Arun Prakash - Cựu quan chức thuộc Lực lượng Hải quân Ấn Độ cho rằng: “Lực lượng tàu ngầm của chúng ta đang có dấu hiệu suy yếu. Trước những đe dọa từ Trung Quốc, như những gì họ đã làm ở dãy Himalaya, Biển Đông và bây giờ là Ấn Độ Dương, chúng ta cần hết sức đề phóng”.
 
Tuy nhiên, ông cũng nói rằng: “Rất may là đang có dấu hiệu cho thấy chính phủ đã “bừng tỉnh” trước khủng hoảng. Mặc dù sẽ phải mất nhiều thời gian để tái thiết lực lượng. Chúng ta nên hy vọng rằng chúng ta sẽ không phải “đụng độ” với người Trung Quốc như chính sách vốn có của ta và đồng minh”.
 
Trước đó, Thủ tướng Ấn Độ - Narendra Modi đã ra lệnh đẩy nhanh quá trình đấu thầu chế tạo 6 tàu ngầm điện diesel với chi phí ước tính khoảng 8,1 tỉ USD. Ấn Độ cũng đang đặt hàng công ty Pháp DCNS lắp ráp 6 tàu khác tại cảng Mumbai để thay thế cho chiếc tàu ngầm 30 năm tuổi bị tai nạn trước đó. Chiếc tàu ngầm hạt nhân bản địa đầu tiên của Ấn Độ, có khả năng mang tên lửa đầu đạn hạt nhân, dự kiến sẽ được thử nghiệm trên biển trong tháng này. Theo dự kiến, chiếc tàu sẽ chính thực được đưa vào hoạt động vào cuối năm 2016.

Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng đang đàm phán với Nga để thuê một tàu ngầm hạt nhân thứ hai. Cùng với đó, Ấn Độ cũng sẽ đàm phán với  Tập đoàn công nghiệp Larsen & Toubro Ltd, tập đoàn từng dựng thân tàu cho chiếc tàu ngầm đầu tiên, chế tạo thêm 2 tàu ngầm hạt nhân cho hải quân nước này.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc