Thủ tướng Nhật lại khiến Trung Quốc “lạnh gáy”

07:36, 25/12/2014
|

(VnMedia) - Ông Shinzo Abe hôm qua (24/12) đã được Quốc hội tái bầu chọn làm Thủ tướng Nhật Bản, mở đường cho ông này thiết lập nội các mới với Bộ trưởng Quốc phòng là một người rất cứng rắn với Trung Quốc. Tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản ủng hộ việc xây dựng năng lực tấn công phủ đầu mạnh mẽ hơn cho quân đội. Điều này chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc lo ngại và tức giận.
 

Ảnh minh họa

Thủ tướng Abe


Thủ tướng Abe đã gạt sang một bên mọi lời xì xào về việc số cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử cách đây 10 ngày thấp kỷ lục đã làm hạ thấp giá trị chiến thắng của ông. Thay vào đó, ông cam kết sẽ thúc đẩy các chính sách kinh tế "Abenomics" của mình đồng thời theo đuổi mục tiêu xây dựng một vị thế an ninh mạnh hơn, chủ động hơn và quyết liệt hơn cho Nhật Bản.
 
Ông Abe đã bổ nhiệm ông Gen Nakatani vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng mới của Nhật Bản. Ông Nakatani sẽ thay thế cho Bộ trưởng Quốc phòng đương nhiệm Akinori Eto – người đang phải đối mặt với những vấn đề về việc sử dụng nguồn quỹ vận động chính trị.
 
Ông Gen Nakatani, 57 tuổi, là sĩ quan Lực lượng Phòng vệ đầu tiên giữ vị trí Tổng Giám đốc Cơ quan Quốc phòng dưới thời của Thủ tướng Junichiro Koizumi năm 2001. Cơ quan Quốc phòng là tiền thân của Bộ Quốc phòng Nhật Bản hiện nay.
 
Báo chí địa phương đưa tin, tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản là một người rất giỏi về chính sách an ninh và quốc phòng. Ông này là người ủng hộ, cổ súy cho việc mở rộng vai trò an ninh của Nhật Bản ra bên ngoài.
 
Việc bổ nhiệm ông Gen Nakatani rõ ràng là để giúp Thủ tướng Abe theo đuổi chính sách quốc phòng mà ông đã vạch ra từ khi quay trở lại nắm quyền hồi tháng 12 năm 2012, giới phân tích địa phương nhận định. Nó cũng có thấy một thực tế là Tokyo đang ngày càng lo ngại về mối đe dọa từ Trung Quốc cũng như từ Triều Tiên có vũ khí hạt nhân.
 
Ông Nakatani vốn là người nhiệt thành ủng hộ cho việc xây dựng cho Nhật Bản khả năng đánh phủ đầu các căn cứ quân sự của kẻ thù trong trường hợp sắp xảy ra một cuộc tấn công.
 
"Bạn nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra nếu Mỹ rút đi. Chúng ta cần phải cân nhắc khả năng xây dựng năng lực đáp trả của riêng minh bởi chúng ta không thể ngồi yên chờ chết được”, ông Nakatani đã nói như vậy hồi đầu năm nay.
 
Việc đưa một nhân vật cứng rắn lên nắm quyền lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nhật Bản được cho là sẽ vấp phải sự chỉ trích của Trung Quốc, đặc biệt khi mà chính quyền của Thủ tướng Abe đang theo đuổi một chính sách an ninh quyết liệt, chủ động. Ông Abe tuyên bố mục đích của ông là xây dựng một vị thế an ninh mạnh hơn cho Nhật Bản trong đó có việc thông qua một dự luật giải thích lại hiến pháp hòa bình vào năm 2015. Điều này sẽ cho phép Nhật Bản đến hỗ trợ đồng minh và mở đường cho quân đội Nhật Bản lần đầu tiên có thể tham chiến ở nước ngoài kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II.
 
Các vị trí khác gồm Phó Thủ tướng Taro Aso, Ngoại trưởng Fumio Kishida và Tổng thư ký nội các Suga vẫn giữ nguyên.
 
Kinh tế, an ninh – hai ưu tiên cao nhất của chính quyền Abe
 
Giới phân tích nhận định, nhìn vào nội các mới được thành lập của Thủ tướng Abe, người ta có thể thấy rõ được mục tiêu tiếp tục theo đuổi, thúc đẩy chính sách an ninh và kinh tế mà ông này đưa ra trước đây. Đây cũng sẽ là 2 vấn đề then chốt trong chương trình nghị sự của ông Abe trong thời gian trước mắt.
 
Phát biểu tại một cuộc họp báo vào chiều muộn ngày hôm qua (24/12), Thủ tướng Abe đã tuyên bố, việc hồi phục nền kinh tế cho đất nước Nhật Bản sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của ông Abe. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh đến mục tiêu chính là tiến hành giải thích lại hiến pháp hòa bình để phục vụ cho vấn đề an ninh.
 
Thủ tướng Abe tuyên bố, ông và Đảng LDP cầm quyền "quyết tâm thiết lập một nền móng kinh tế vững chắc cho người dân đồng thời chúng tôi muốn sửa đổi hiến pháp".
 
Tuy nhiên, ông Abe cũng thừa nhận, việc sử đổi hiến pháp mà ông miêu tả là “một thách thức lịch sử” sẽ không phải là một công việc dễ dàng. Ông Abe cam kết sẽ nỗ lực xây dựng một sự đồng thuận về vấn đề này trong Quốc hội để giành sự ủng hộ từ đa số 2/3 trong cả Thượng viện và Hạ viện Nhật Bản.
 
Liên minh hai đảng cầm quyền LDP và Komeito hiện đang chiếm đa số 2/3 trong Hạ viện nhưng chưa đạt đa số 2/3 trong Thượng viện.
 
"Sau khi đạt được sự đồng thuận trong Quốc hội, chúng ta cần tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý và nó cần phải được sự ủng hộ của đa số người dân. Đây là phần quan trọng nhất, thiết yếu nhất để có thể sửa đổi được Hiến pháp”, Thủ tướng Abe nhấn mạnh.
 
Việc Tokyo muốn sửa đổi hiến pháp hòa bình chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc “nhảy dựng” lên. Trước đó, Bắc Kinh từng “sôi lên sùng sục” khi Nhật Bản tuyên bố muốn xây dựng một quân đội theo hướng chủ động hơn, đóng góp vai trò tích cực hơn trong việc bảo vệ hòa bình thế giới.
 
Hai cường quốc hàng đầu Châu Á đang có cuộc đối đầu quyết liệt vì tranh chấp một quần đảo được Tokyo gọi là Senkaku trong khi Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Mặc dù Nhật Bản đang nắm quyền quản lý quần đảo này nhưng Trung Quốc được cho là đang tìm cách thay đổi thế nguyên trạng ở đây. Thủ tướng Abe trong thời gian qua luôn nói về tầm quan trọng của việc bảo vệ lãnh thổ Nhật Bản trước mối đe dọa từ Trung Quốc.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc