Sốc trước tin mới nhất về máy bay mất tích

14:48, 29/12/2014
|

(VnMedia) - Vị quan chức cứu hộ hàng đầu của Indonesia hôm nay (29/12) đã có phát biểu gây sốc rằng giới chức nước này tin là chiếc máy bay của hãng hàng không AirAsia có thể đang ở dưới đáy đại dương. Suy luận này được đưa ra dựa trên những dữ liệu radar do máy bay cung cấp trong lần liên lạc cuối cùng. 162 người đi trên máy bay được cho là khó có khả năng sống sót.

>>Bí ẩn vẫn bao trùm đối với máy bay Air Asia 8501
>>Máy bay Air Asia mất tích chưa bay vào vùng kiểm soát của Việt Nam
>>Máy bay chở 162 người mất tích bí ẩn ở Châu Á
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh hoạ


"Từ toạ độ được cung cấp cho chúng tôi và từ sự phân tích đường bay ở biển, phỏng đoán ban đầu của chúng tôi là chiếc máy bay đang ở dưới đáy biển”, ông Bambang Sulistyo – người đứng đầu cơ quan tìm kiếm và cứu hộ quốc gia của Indonesia hôm nay cho biết.
 
Tuy nhiên, các nhân viên tìm kiếm vẫn chưa xác định được chiếc máy bay mất tích hiện đang ở đâu và Indonesia có thể cần sự giúp đỡ của các nước khác trong công cuộc tìm kiếm dưới đáy biển.
 
Chiến dịch tìm kiếm chiếc máy bay QZ8501 của hãng hàng không AirAsia đã được nối lại vào buổi sáng sớm ngày hôm nay, một ngày sau khi chiếc máy bay biến mất một cách bí ẩn ở không phận Indonesia với 162 người đi trên đó.
 
Các tàu thuyền, máy bay và trực thăng đang tích cực tìm kiếm chiếc máy bay mất tích, giới chức Indonesia cho hay.
 
Cho đến thời điểm này, vẫn không rõ là liệu thời tiết có đóng vai trò gì trong sự biến mất đầy bí ẩn của chiếc máy bay QZ8501. Tuy nhiên, các nhân viên cứu hộ cho biết, thời tiết hiện đang là một tác nhân gây ảnh hưởng đến quá trình tìm kiếm chiếc máy bay của họ.
 
Hãng hàng không AirAsia cho biết, các nhân viên kiểm soát không lưu đã mất liên lạc với chiếc máy bay chở 162 người vào lúc khoảng 7h24 sáng qua theo giờ Singapore (6h24 sáng theo giờ Indonesia).
 
Chiếc máy bay mất tích đầy kỳ bí khi đang bay từ thành phố Surabaya của Indonesia đến Singapore. Khu vực mà chiếc máy bay này mất tích là ở Biển Java, giữa quần đảo Belitung và Borneo. Trước khi chiếc máy bay mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu, một trong các phi công đã đề nghị được bay ở độ cao cao hơn do thời tiết xấu.
 
Theo các website liên quan đến hàng không, gần như toàn bộ đường bay của chiếc máy bay mất tích là ở trên biển. Một nhà phân tích hàng không của hãng tin CNN - Mary Schiavo cho biết, nếu có bất kỳ tình trạng khẩn cấp nào xảy ra trên máy bay, phi công đã phải phát tín hiệu kêu cứu.
 
Tuy nhiên, ông Alan Diehl – một cựu nhà điều tra tai nạn hàng không, cho rằng phi công không phải lúc nào cũng phát tín hiệu kêu cứu trong trường hợp khẩn cấp. “Các bạn đều biết, các nhân viên kiểm soát không lưu thực sự không thể giúp bạn. Bạn và các phi công phụ sẽ phải tự giải quyết vấn đề”, ông Diehl đã nói như vậy.
 
Còn quá sớm để có thể biết được chuyện gì đã xảy ra với chiếc máy bay. Các chi tiết được công bố cho đến thời điểm này cho thấy có một số điểm tương đồng giữa chiếc máy bay đang mất tích với chiếc máy bay của hãng hàng không Air Algerie bị vỡ tan và rơi hồi tháng 7 vừa rồi sau khi chuyển hướng đường bay vì thời tiết xấu.
 
Tuy nhiên, cũng có khả năng chiếc máy bay của hãng hàng không AirAsia không rơi sau khi mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu. Chiếc Airbus A320 được trang bị thiết bị có thể giúp biến thân máy bay thành một con tàu. “Nếu nó hạ cánh an toàn xuống nước thì nó sẽ nổi”, ông Diehl nói thêm.

Đẩy mạnh chiến dịch tìm kiếm
 
Ngoài đội tìm kiếm của Indonesia, một số nước cũng đã tham gia vào chiến dịch tìm kiếm, cứu hộ chiếc máy bay QZ8501 này.
 
Một chiếc máy bay C-130 của Singapore đang tham gia vào chiến dịch tìm kiếm và quân đội Singapore cho biết họ cũng đã cử thêm 2 tàu đến khu vực tìm kiếm.
 
Bộ trưởng Giao thông Vận tải của Malaysia cho biết, nước ông huy động 3 tàu và 3 máy bay tham gia hỗ trợ công tác tìm kiếm, cứu hộ. Trong khi Không quân Hoàng gia Australia đưa một máy bay tuần tra đến tham gia tìm kiếm.
 
Indonesia cũng đích thân nhờ Anh, Pháp và Mỹ giúp đỡ cung cấp công nghệ sonar – công nghệ định vị vật dưới nước bằng âm hoặc siêu âm. Đây là công nghệ cần thiết cho các hoạt động tìm kiếm dưới biển.
 
Trong khi đó, sau nhiều giờ mòn mỏi, lo âu chờ đợi tin tức về người thân đi trên chiếc máy bay mất tích, hàng chục thành viên gia đình có con em đi trên máy bay đã có cuộc gặp với giới chức sân bay và hãng hàng không trong cuộc họp kín diễn ra ngày hôm nay ở ngay tại sân bay Surabaya.
 
Trong số những người đi trên máy bay Airbus A320-200 mất tích có 155 người mang quốc tịch Indonesia, 3 người Hàn Quốc, một người Anh, một người Pháp, một người Malaysia và một người Singapore. Có 18 trẻ em, trong đó có một bé sơ sinh, đi trên máy bay.
 
Được tin chiếc máy bay mang số hiệu QZ 8501 của hãng Hàng không AirAsia mất liên lạc vào sáng ngày 28/12/2014 cùng toàn bộ 155 hành khách và thành viên phi hành đoàn, chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã điện thoại với Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno L.P. Marsudi để thăm hỏi và chia sẻ sâu sắc sự lo lắng với các gia đình và người thân của những hành khách trên chuyến bay.
 
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ trong nỗ lực tìm kiếm chiếc máy bay nếu có yêu cầu. Bộ trưởng Ngoại giao Retno L.P. Marsudi đã thông báo tình hình mới nhất về sự việc và bày tỏ cảm ơn Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gọi điện thăm hỏi.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc