Sốc bằng chứng mới vụ máy bay MH17 bị bắn rơi

07:32, 24/12/2014
|

(VnMedia) - Chiếc chiến đấu cơ Su-25 của Không quân Ukraine cất cánh từ một căn cứ không quân ở khu vực miền đông Dnipropetrovsk đã mang theo tên lửa không đối không nhưng khi trở về không còn mang theo những tên lửa này. Vụ việc xảy ra đúng ngày chiếc máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn rơi ở miền đông Ukraine hồi tháng 7, tờ Komsomolskaya Pravda hôm qua (23/12) đưa tin, dẫn nguồn từ một nhân viên làm việc trong căn cứ không quân nói trên. 
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Thông tin gây chấn động trên cùng với việc Nga từng tuyên bố có bằng chứng một chiếc Su-25 của Ukraine bay gần chiếc máy bay MH17 vào thời điểm nó gặp nạn đã khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu quân đội Kiev có liên quan đến vụ bắn rơi chiếc máy bay MH17 mà lâu nay họ cùng với các nước hậu thuẫn cho mình vẫn đổ lỗi cho lực lượng ly khai miền đông và Nga.
 
Người nhân viên của căn cứ không quân tự nhận mình đã trực tiếp chứng kiến vụ việc cho biết, vào ngày 17/7, 3 chiếc máy bay chiến đấu của quân đội Ukraine đã cất cánh, một trong số chúng là một chiếc Su-25 đã mang theo các tên lửa không đối không.
 
“Sau một thời gian, chỉ có một chiếc chiến đấu cơ trong số 3 chiếc trở lại. Đó là chiếc mang theo tên lửa nhưng khi trở lại nó đã không còn mang theo các tên lửa. Viên phi công đã rất hoảng sợ”, nhân viên của căn cứ không quân cho biết. Nhân chứng này còn nhấn mạnh, chỉ có chiếc Su-25 được trang bị tên lửa không đối không. Anh này khẳng định anh chắc chắn đó là những tên lửa không đối không chứ không phải tên lửa đất đối không.
 
Nhân viên của căn cứ không quân còn kể thêm rằng, anh nhớ viên phi công đã nói “nhầm máy bay” và “chiếc máy bay đã ở nhầm vị trí và nhầm thời điểm” sau khi anh này trở về sau chuyến bay.
 
Phóng viên phỏng vấn được nhân viên của căn cứ không quân nói trên không loại trừ khả năng một phi công lái chiếc Su-25 đã nhầm máy bay chở khách Boeing là một máy bay quân sự. “Điều này là có thể. Hai chiếc máy bay ở khoảng cách khá xa và anh ta có thể đã không xác định chính xác đó là loại máy bay gì”, người thực hiện cuộc phỏng vấn nhận định.
 
Những tên lửa được trang bị cho chiếc Su-25 (loại máy bay được NATO gọi là Frogfoot) có khả năng nhằm vào một mục tiêu ở khoảng cách từ 3 đến 5km và ở độ cao khoảng 7.000m, nguồn tin nhấn mạnh. Việc cố định mục tiêu và phóng tên lửa không phải là một vấn đề đối với Su-25. Tầm bay của loại tên lửa này là trên 10km.
 
Nhân viên của căn cứ không quân còn nói thêm rằng, tên lửa không đối không có thể bắn trúng thân máy bay dù trực tiếp hay từ khoảng cách 500m.
 
Mật độ dày đặc của những vật thể găm vào chiếc máy bay MH17 rất cao và những phát hiện này không loại trừ khả năng nó bị bắn rơi bởi một quả tên lửa.  “Có loại tên lửa như vậy. Nó phát nổ và những mảnh đạn của nó xuyên thủng chiếc máy bay. Sau đó, đầu tên lửa sẽ tấn công vào mục tiêu”, nhân viên của cứ không quân cho hay.
 
Lời kể của nhân chứng trên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi một binh sĩ Ukraine thuộc biên chế của nhóm điều khiển khẩu đội tên lửa mà chính phủ Kiev tố cáo là thủ phạm bắn rơi chiếc máy bay MH17 của Malaysia đã lần đầu tiên tiết lộ một thông tin gây chấn động. Theo đó, viên binh sĩ này khẳng định, khẩu đội tên lửa bắn rơi chiếc máy bay MH17 hôm 17/7 là do quân đội Ukraine điều khiển chứ không phải là do lực lượng ly khai như những lời cáo buộc được đưa ra trước đây.
 
Người lính giấu tên của Ukraine thậm chí còn cho biết, anh này và những người đồng đội cũ đã cười khi nghe chính phủ của mình tố cáo rằng khẩu đội tên lửa bắn rơi chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines là của lực lượng ly khai.
 
Những thông tin được đưa ra ở trên chưa được kiểm chứng và một lần nữa nó lại khiến cho tính bí ẩn quanh vụ MH17 trở nên thêm kỳ bí.
 
Chiếc máy bay Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines đang trên đường bay từ Amsterdam tới Kuala Lumpur thì bị rơi ở gần thành phố Torez thuộc khu vực Donetsk hôm 17/7, khiến toàn bộ 283 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.
 
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Kiev, Mỹ và phương Tây nhanh chóng hướng mũi chỉ trích, đổ lỗi về phía Nga và lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine. Nga bác bỏ thẳng thừng cáo buộc trên đồng thời kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra quốc tế toàn diện, tỉ mỉ và khách quan.
 
Trong thời gian qua, đã có không ít những thông tin gây giật mình liên quan đến vụ MH17. Hồi tháng 7, Mỹ đã gián tiếp thừa nhận về sự có mặt của các hệ thống phòng không của quân đội Ukraine gần Donetsk khi chiếc máy bay Boeing 777 chở 298 người của hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn rơi ở miền đông Ukraine. Mới đây hồi tháng 9, một chuyên gia hàng không Pháp còn đưa ra phân tích rằng, đường đạn bắn vào chiếc máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines cho thấy, tên lửa đã nhằm thẳng vào chiếc máy bay từ một khu vực ở phía tây của hiện trường vụ rơi máy bay, nằm sâu trong lãnh thổ Ukraine.
 
Đặc biệt, quân đội Nga từng tuyên bố họ có bằng chứng cho thấy một chiếc máy bay chiến đấu Su-25 của Ukraine tiếp cận lại gần chiếc máy bay MH17 trong ngày xảy ra thảm kịch. Thông tin này khá trùng hợp với những gì mà nhân viên của căn cứ không quân ở Dnipropetrovsk vừa tiết lộ ngày hôm qua.
 
Rõ ràng, cho đến thời điểm này, vụ MH17 bị bắn rơi vẫn là một ẩn số chưa có lời giải và với vô vàn những thông tin, những giả thuyết và cả những cáo buộc, vụ việc này càng trở nên bí ẩn hơn, kỳ bí hơn.
 
Trong bối cảnh ngày càng có thêm nhiều thông tin, bằng chứng cho rằng chính quân đội Ukraine bắn rơi máy bay MH17, Kiev và giới chức phương Tây sẽ phải thận trọng hơn trong việc đổ lỗi cho lực lượng ly khai và Nga về vụ việc này. Bản thân Nga đang phải hứng chịu một loạt đòn trừng phạt vì bị phương Tây cáo buộc có liên quan đến vụ tai nạn của máy bay MH17.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc