“Sát thủ diệt tên lửa” của Nga sẽ khiến Mỹ kinh hãi?

11:05, 26/12/2014
|

(VnMedia) - Hệ thống tên lửa mới nhất của Nga - RS-26 sẽ sớm gia nhập vào bộ máy phòng thủ hùng mạnh của cường quốc Châu Âu. RS-26 được ví là “sát thủ diệt tên lửa” và nó được cho là sở hữu nhiều “tính năng khủng”, vượt xa sức mạnh của hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
 

Ảnh minh họa

Chỉ huy Lực lượng Tên lửa Chiến lược của Nga – Trung tướng Sergey Karakayev


Chỉ huy Lực lượng Tên lửa Chiến lược của Nga – Trung tướng Sergey Karakayev hôm qua (25/12) cho biết, sát thủ diệt tên lửa RS-26 của Nga sẽ được đưa vào biên chế trong quân đội trong vòng chưa đầy 2 năm tới.
 
“Chúng tôi đang tiếp tục thúc đẩy chương trình thử nghiệm hệ thống tên lửa RS-26 và dự kiến sẽ kết thúc tiến trình này vào năm tới. RS-26 sẽ được đưa vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất trong năm 2016”, ông Karakayev đã tiết lộ như vậy với hãng tin RIA Novosti.
 
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga từng tuyên bố, cuộc thử nghiệm cuối cùng của tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-26 được ấn định trong tháng 12 và sau đó loại vũ khí này sẽ được đưa vào sản xuất hàng loạt trong năm 2015.
 
Cho đến thời điểm hiện tại, có rất ít thông tin được lộ ra bên ngoài về loại tên lửa RS-26 mới nhất của Nga bởi hệ thống này được phát triển một cách bí mật.
 
Tuy nhiên, theo truyền thông Nga, RS-26 đã trải qua 3 cuộc phóng thử nghiệm thành công. Tên lửa RS-26, được phát triển từ tên lửa đạn đạo RS-24 Yars, có thể mang 3-4 đầu đạn hạt nhân dẫn đường độc lập với sức công phá 150-300 kiloton mỗi đầu đạn và tầm bắn không dưới 11.000km.
 
Điểm đặc biệt của tên lửa RS-26 là mỗi đầu đạn của nó bay theo quỹ đạo mà đối thủ không đoán trước được với tốc độ vượt âm. Vì thế, đối phương không thể vô hiệu hóa đầu đạn đó bằng bất cứ thứ vũ khí gì, cả vũ khí có triển vọng nhất.
 
RS-26 dài khoảng 12m và chủ yếu trang bị trên bệ phóng di động. Tên lửa đạn đạo RS-26 được trang bị đầu đạn tân tiến nhất, hoàn toàn mới và có khả năng tự phân tách (MIRV).
 
Theo Phó Thủ tướng Nga, ông Dmitry Rogozin, RS-26 chính là sát thủ đối với các hệ thống phòng thủ tên lửa. Bất luận là ở thời điểm hiện tại hay trong tương lai, sẽ không có loại tên lửa nào đánh chặn được nó. Sau khi đầu đạn của RS-26 được tách ra khỏi tầng cuối cùng của tên lửa, quỹ đạo bay với vận tốc siêu cao của nó sẽ trở nên không thể xác định được.
 
“Sẽ chẳng có hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân nào hiện nay của Mỹ cũng như trong tương lai sắp tới có khả năng ngăn chặn tên lửa RS-26 khỏi việc bắn thẳng vào mục tiêu”, ông Rogozin nhấn mạnh.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc