Quốc hội Mỹ thách thức Nhà Trắng, trêu ngươi Nga

07:05, 15/12/2014
|

(VnMedia) - Quốc hội Mỹ hôm 13/12 đã nhất trí thông qua việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga và cung cấp vũ khí gây sát thương cho chính quyền Kiev. Đây rõ ràng là một động thái mang đầy tính khiêu khích, trêu ngươi Nga trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và Mỹ vốn đang trong trạng thái đối đầu quyết liệt vì cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở Ukraine.

Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa


Hành động của Quốc hội Mỹ cũng gây ra một sức ép rất lớn, nếu không nói là một sự thách thức với chính Tổng thống Barack Obama – người luôn phản đối mạnh mẽ việc cung cấp vũ khí gây sát thương cho Ukraine cũng như không muốn tung thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga khiến cho mọi việc đi quá xa.
 
Những nội dung tương tự trong Dự luật Hỗ trợ Tự do cho Ukraine đã được cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ thông qua từ hôm thứ Năm (11/12). Tuy nhiên, do có vấn đề về kỹ thuận, dự luật này đã được trả về Thượng viện để phê chuẩn lại trước khi Quốc hội Mỹ chính thức thông qua nó vào tối muộn hôm Thứ Bảy (13/12).
 
Hiện tại, mọi việc đang hoàn toàn phụ thuộc vào Tổng thống Obama. Ông chủ Nhà Trắng sẽ là người có tiếng nói quyết định cuối cùng về việc có cho phép ban hành dự luật nói trên hay không. Không rõ ông Obama có ký Dự luật Hỗ trợ Tự do cho Ukraine hay sẽ phủ quyết nó. Nhà Trắng hôm 11/12 vẫn cho biết, họ đang xem xét dự luật đóI.
 
Hôm 13/12, đúng một ngày trước khi diễn ra cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry, Moscow đã từng lên tiếng cảnh báo rất nghiêm khắc rằng, “chắc chắn Nga sẽ không để yên mà không phản ứng gì” nếu Mỹ tiếp tục khiêu khích Nga.
 
Dự luật Hỗ trợ Tự cho cho Ukraine cho phép nhưng không bắt buộc về mặt pháp lý việc Tổng thống Obama có thể cung cấp viện trợ quân sự gây sát thương và không gây sát thương cho Ukraine, trong đó có các vũ khí chống tăng, đạn dược và các máy bay do thám không người lái.
 
Washington ủng hộ Ukraine trong cuộc đối đầu với Nga nhưng Tổng thống Obama không muốn cung cấp vũ khí gây sát thương như yêu cầu của Kiev.
 
"Phản ứng do dự, chần chừ của Mỹ đối với việc Nga tiếp tục xâm lược Ukraine đang đe dọa làm leo thang cuộc xung đột lên mức  nghiêm trọng hơn”, đồng tác giả của dự luật – Thượng nghị sĩ Bob Corker đã nói như vậy.
 
Mỹ và phương Tây lâu nay vẫn cáo buộc, đổ lỗi cho Nga đã gây ra cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở nước láng giềng Ukraine. Kiev kiên quyết bác bỏ những cáo buộc đó và nhiều lần đòi phương Tây cung cấp bằng chứng thuyết phục để chứng minh. Tuy không đưa ra được bằng chứng nào đủ sức thuyết phục để chứng minh cho các cáo buộc của mình nhưng phương Tây vẫn tung ra hàng loạt đòn trừng phạt nhằm vào Nga và không ngừng gây áp lực để buộc Moscow phải khuất phục, thay đổi lập trường.
 
Mặc dù ủng hộ Kiev nhưng phương Tây do Mỹ dẫn đầu đến nay vẫn chỉ dừng lại ở việc cung cấp những viện trợ không gây sát thương cho Ukraine để tránh làm Nga nổi giận. Tuy nhiên, một số quan chức, giới nghị sĩ Mỹ liên tục kêu gọi ông Obama cung cấp vũ khí gây sát thương cho Kiev. Ông chủ Nhà Trắng cho rằng, việc cung cấp vũ khí gây sát thương cho Kiev chỉ khiến Moscow làm điều tương tự với lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine. Và như vậy, tình hình Ukraine chỉ có thể trở nên xấu đi chứ không thể tìm ra lối thoát.
 
Rõ ràng, việc Quốc hội Mỹ thông qua Dự luật Hỗ trợ Tự do cho Ukraine là một đòn gây áp lực chính trị nặng nề đối với Tổng thống Obama.
 
Giới phân tích tin rằng, Tổng thống Mỹ rất khó ủng hộ dự luật trên. Bản thân các chính phủ phương Tây cũng không hề muốn thực hiện bước đi khiến họ có thể bị lôi vào một cuộc chiến tranh với Nga.
 
Hôm 11/12, ông Obama đã có phát biểu ám chỉ ông phản đối việc đơn phương áp đặt thêm các biện pháp kinh tế nhằm vào Moscow, nói rằng điều đó sẽ “gây phản tác dụng” cho Washington” khi “đi trước Châu Âu” trong vấn đề này.
 
Nếu được thông qua, dự luật của Mỹ sẽ mở đường cho việc Mỹ cung cấp vũ khí hạng nặng có trị giá 350 triệu USD cho chính quyền Ukraine. Hồi tháng 11, Lầu Năm Góc đã cung cấp chiếc đầu tiên trong 20 hệ thống radar chống súng cối cho Ukraine.
 
Các nghị sĩ Mỹ đã bỏ một điều khoản chính trong dự luật gốc được trình ban đầu. Đó là điều khoản cho phép cấp quy chế đồng minh quan trọng của NATO cho Ukraine, Gruzia và Moldova. Thượng viện Mỹ cho biết, họ phải bỏ điều khoản trên và giờ thứ 11 nhằm đảm bảo dự luật được thông qua một cách suôn sẻ.
 
Ngoài vấn đề cung cấp vũ khí cho Ukraine, dự luật vừa được Quốc hội Mỹ thông qua còn đưa ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào các ngành công nghiệp quốc phòng và năng lượng của Nga với mục tiêu là những công ty như tập đoàn xuất khẩu vũ khí nhà nước của Nga - Rosoboronexport.
 
Dự luật Hỗ trợ Tự do cho Ukraine yêu cầu Tổng thống Obama áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với ngành quốc phòng nếu các công ty nhà nước của Nga tiếp tục bán hoặc chuyển giao vũ khí, thiết bị quân sự cho Syria hoặc các thực thể ở Ukraine, Gruzia hay Moldova mà không được sự đồng ý của các chính phủ ở những nước đó.
 
Quy định trên được cho là nhằm để ngăn không cho nguồn vũ khí từ Nga chảy vào miền đông Ukraine. Washington và Kiev thường xuyên tố Moscow đưa vũ khí vào cho lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine.
 
Chưa hết, Dự luật Hỗ trợ Tự do cho Ukraine cho phép Tổng thống Obama trừng phạt tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga nếu tập đoàn này bị phát hiện hạn chế đáng kể nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho các nước NATO hoặc Ukraine, Gruzia hay  Moldova.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc