Phương Tây đau đớn với "chiến thắng" trước Nga

07:18, 03/12/2014
|

(VnMedia) - Việc Liên minh Châu Âu (EU) ép Nga đến mức phải hủy bỏ dự án Dòng chảy Phía Nam được xem như là một chiến thắng ngoại giao. Tuy nhiên, chiến thắng này không ngọt ngào như EU tưởng mà thực ra lại khiến EU “đau đớn” vì phải hứng chịu đòn “gậy ông đập lưng ông”.

 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Sau khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố, Nga buộc phải rút dự án Dòng chảy phía Nam (South Stream) vì EU kiên quyết không chịu ủng hộ cho dự án có trị giá lên tới 40 tỉ USD này, giới chức ở Brussels đang phải đau đầu nghĩ cách làm thế nào đưa ra được phương án lựa chọn thay thế để bảo đảm một nguồn cung cấp khí đốt an toàn, bền vững cho khu vực đông nam Châu Âu.

 

Dù dự án Dòng chảy phía Nam của Nga đã “bị đầu độc về mặt chính trị” sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine thì đây vẫn là một dự án có ý nghĩa quan trọng đối với nhiều nước Châu Âu như Serbia, Bulgaria và Hungary bởi nó cung cấp một nguồn cung cấp khí đốt cho các nước trên không thông qua đường ống trung chuyển ở Ukraine. Điều đó đồng nghĩa với khả năng ít nguy cơ bị gián đoạn hơn.

 

Các ý tưởng khác đã được đưa ra nhằm cung cấp cho khu vực đông nam Châu Âu những sự lựa chọn nguồn cung cấp khí đốt thay thế khác nhưng chẳng có lựa chọn nào hiện đại bằng dự án Dòng chảy Phía Nam . Và thực tế này đã khiến khu vực đông nam Châu Âu phải đối mặt với tình trạng bất ổn về an ninh năng lượng trong nhiều năm.

 

"Liệu còn có dự án nào tốt hơn Dòng chảy Phía Nam không? Chúng ta đang phải trả giá cho một cuộc xung đột giữa các cường quốc lớn”, Thủ tướng Serbia Aleksandar Vucic đã nói như vậy trên đài truyền hình quốc gia.

 

Hệ thống đường ống Dòng chảy Phía Nam nếu được xây dựng sẽ đi qua Bulgaria, Serbia, Hungary, Slovenia, Áo, Italia ở một nhánh và Croatia, Macedonia, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ ở nhánh thứ hai.

 

Nhằm mục đích đa dạng hoá các tuyến đường xuất khẩu khí đốt từ Nga đến cho các khu vực Trung và Nam Âu, Nga đã bắt tay xúc tiến dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Phía Nam đi qua Biển Đen từ năm 2012. Hệ thống đường ống dẫn này sẽ cho phép Nga cung cấp khí đốt cho Châu Âu mà không cần phụ thuộc vào nước láng giềng Ukraine .

 

Tuy nhiên, dự án trên đã trở thành nạn nhân của sự phản đối từ Ủy ban Châu Âu. Ủy ban này đã buộc Bulgaria phải ngừng công việc xây dựng đường ống khí đốt trong dự án Dòng chảy Phía Nam của Nga. Trước đó, một số nước đã chống lại áp lực của EU để tiếp tục theo đuổi dự án Dòng chảy Phía Nam với Nga. Tuy nhiên, hôm 1/12, Tổng thống Putin đã bất ngờ thông báo hủy bỏ dự án này. Dự án Dòng chảy Phía Nam đang ở giai đoạn mà “việc xây dựng hệ thống đường ống ở Biển Đen phải được bắt đầu”, nhưng Nga vẫn chưa nhận được sự phê chuẩn từ phía Bulgaria, Tổng thống Nga cho hay.

 

Đầu tư hàng trăm triệu USD vào dự án đường ống dẫn khí đốt mà hệ thống đó phải dừng lại khi đến Bulgaria “là một điều rất vô lý. Tôi hy vọng tất cả mọi người đều hiểu điều đó”, Tổng thống Nga nói thêm.

 

Nhiều nước Châu Âu hoảng hốt

 

Quyết định của ông Putin thực sự đã khiến nhiều nước Châu Âu thực sự lo ngại, đặc biệt là những nước phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn khí đốt nhập khẩu từ Nga thông qua đường ống trung chuyển ở Ukraine .

 

Đối với những nước như nói ở trên, dự án Dòng chảy phía Nam được xem là một chính sách bảo đảm cho họ về việc không tái diễn sự kiện hồi tháng 1 năm 2009 khi cuộc chiến về giá cả khí đốt giữa Nga và Ukraine đã khiến Kiev chặn nguồn cung cấp khí đốt cho Châu Âu, đẩy nhiều nước vào tình trạng thiếu nhiên liệu thiết yếu trong mùa đông giá rét âm độ.

 

Khi đó, ở thủ đô Sarajevo của Bosnia, người dân nháo nhào đổ xô đi mua máy sưởi điện trong khi ở Bulgaria, trường học và nhà trẻ phải đóng cửa vì không có lò sưởi.

 

“Đó rõ ràng là một kết cục thua cuộc cho tất cả mọi người. Có một loạt nước đáng ra đã thực sự có sự bảo đảm về vấn đề nguồn cung cấp”, một nguồn tin EU giấu tên cho biết khi nhận xét về quyết định không thúc đẩy dự án Dòng chảy Phía Nam của Nga.

 

Bulgaria , ngày hôm qua (2/12), một số quan chức dường như vẫn bấu víu vào hy vọng rằng dự án Dòng chảy Phía Nam chưa chết và rằng một giải pháp thỏa hiệp vẫn có thể đạt được.

 

Bộ trưởng Kinh tế Bozhidar Lukarski nói với cánh phóng viên rằng: "Dự án Dòng chảy phía Nam không nên được xem là đã bị chấm dứt cho đến khi Nga đưa ra một tuyên bố chính thức”.

 

Trước đó, chính phủ mới ở Bulgaria từng tuyên bố sẽ không cho phép tập đoàn khí đốt quốc gia Nga – Gazprom đặt hệ thống đường ống dẫn khí đốt trên lãnh thổ nước này nếu không được sự cho phép của Brussels .

 

Tổng thống Putin tin rằng, Bulgaria “không phải đang hành xử như một quốc gia độc lập” khi quyết định trì hoãn dự án Dòng chảy Phía Nam – một dự án có lợi cho quốc gia này. Ông chủ điện Kremlin khuyên giới lãnh đạo Bulgaria “nên đòi Ủy ban Châu Âu bồi thường cho những tổn thất đã mất từ việc từ bỏ dự án” bởi Bulgaria đáng ra đã có thể nhận được khoảng 400 triệu euro mỗi năm thông qua việc trung chuyển khí đốt cho Nga.

 

Thực vậy, dự án Dòng chảy Phía Nam ngoài việc đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt ổn định cho nhiều nước Châu Âu còn giúp các nước ở dọc tuyến đường ống dẫn khí có được những khoản tiền phí trung chuyển lớn và công ăn việc làm cho người dân trong bối cảnh các nước này đang phải vật lộn với tình trạng thâm hụt ngân sách.

 

Trong khi Bulgaria đang bấu víu vào hy vọng thì Serbia đang thực sự hoảng hốt. Thủ tướng Serbia Aleksandar Vucic cho biết: “ Serbia chẳng làm bất kỳ điều gì khiến Nga đưa ra quyết định như vậy. Trong gần 7 năm qua, Serbia đã đầu tư rất nhiều công sức vào dự án đó. Tôi cho rằng, dự án Dòng chảy Phía Nam rất có lợi cho Serbia và chúng tôi đã không lùi bước bất chấp sức ép mạnh mẽ, nhưng bây giờ thì chúng tôi đang phải trả giá cho cuộc xung đột của các cường quốc lớn”.

 

Việc chấm dứt dự án Dòng chảy Phía Nam chắc chắn sẽ gây tổn thất lớn các nước trên khắp Châu Âu. EU đang tự làm tổn thương chính mình vì việc cản trở dự án của Nga.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc